Quản lý bệnh nhân và người nuôi bệnh bằng dấu vân tay

02/04/2021 - 07:12

PNO - Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi đầu tiên tại TP.HCM đưa dấu vân tay vào quản lý người nuôi bệnh, còn Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai việc đăng ký khám chữa bệnh bằng dấu vân tay trên các ki-ốt trước khu khám bệnh.

 

Người nuôi bệnh quét vân tay trước khi vào thang máy đi lên khu vực phòng bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Người nuôi bệnh quét vân tay trước khi vào thang máy đi lên khu vực phòng bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Hiếu Nguyễn

An toàn, tiết kiệm thời gian khi nuôi bệnh, khám bệnh

Trưa ngày cuối tháng Ba, hai hàng người nuôi bệnh khoác áo màu vàng, xếp hàng phía trước thang máy Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy chờ tới lượt lên phòng bệnh. Khi cửa thang máy mở, từng người bước tới ấn đầu ngón tay vào máy quét. Hai nhân viên y tế đứng quan sát, gật đầu xác nhận đúng dấu vân tay, cho người nuôi bệnh sát khuẩn tay rồi mời vào thang máy. Quy trình mất khoảng 1 phút.

Chị Trần Thị Thanh Ngân, quê ở tỉnh Tiền Giang, chăm chị ruột đang trị bệnh tại Khoa Ngoại Tiêu hóa (lầu 4), cho biết lúc ở phòng khám, bác sĩ thông báo người nhà phải nhập viện, chị đã được hướng dẫn cách đăng ký dấu vân tay để tiện vào BV chăm sóc người thân, vì BV đã bỏ hình thức phát thẻ cho người nuôi bệnh. “Cách làm này an toàn cho bệnh nhân, ngăn các đối tượng làm giả thẻ nuôi bệnh hoặc ăn cắp thẻ, trà trộn vào BV trộm cắp. Chưa kể, thẻ nuôi bệnh rườm rà, dễ bị mất, rồi lại phải đóng tiền làm thẻ”, chị Ngân kể.

 Quầy tiếp tân ở sảnh BV Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận đăng ký thay đổi dấu vân tay của người nuôi bệnh.
Quầy tiếp tân ở sảnh BV Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận đăng ký thay đổi dấu vân tay của người nuôi bệnh. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm người quét vân tay trong buổi trưa, vẫn có vài trường hợp không thành công. Như ông N.V.N., 70 tuổi, ở Cà Mau, dấu vân tay không khớp. Nhân viên Phòng Công tác xã hội túc trực ở khu vực này nhanh chóng hỗ trợ.

Còn tại BV Nhân dân Gia Định, sáng 30/3, chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, ở Gò Vấp) sau khi được kiểm tra thân nhiệt, thay vì đi thẳng lên khu khám bệnh ở lầu 1, đăng ký lấy số thứ tự, chờ khám thì chị tách khỏi dòng người, dừng lại trước màn hình điện tử ở ki-ốt tiếp nhận đăng ký khám bệnh bằng vân tay.

Nhờ lần trước, chị đã “ký gửi” dấu vân tay tại quầy hướng dẫn Khoa Khám bệnh nên lần này, chị truy cập được vào hệ thống đăng ký khám trên màn hình cảm ứng. Chờ hệ thống xác định đúng tên tuổi, mã số bảo hiểm y tế, chị nhanh tay chọn phòng khám ngoại tổng quát và được máy tự động in số thứ tự. Chị Thu nói, nhờ đăng ký dấu vân tay nên đi khám bệnh tiết kiệm được thời gian chờ đợi từ 30 - 60 phút. 

Quét vân tay để nhận dạng người bệnh tại kios tiếp nhận thông minh, BV nhân dân Gia Định.
Quét vân tay để nhận dạng người bệnh tại kios tiếp nhận thông minh, BV Nhân dân Gia Định. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Sự lợi hại của... dấu vân tay

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, chia sẻ đã triển khai quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay vào tháng 1/2021 để tránh nguy cơ vi-rút gây bệnh COVID-19 tấn công do người ngoài đem vào. Chợ Rẫy là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng, bệnh nền phức tạp, nếu không kiểm soát được, những bệnh nhân đang nằm điều trị nếu nhiễm COVID-19 thì khả năng tử vong rất cao. Việc kiểm tra thẻ người nuôi bệnh như trước đây thì nhân viên BV không quản lý xuể lượt người ra vào.

Chưa kể, quản lý người nuôi bệnh bằng thẻ và phát áo đồng phục như trước vẫn còn kẽ hở. Kẻ gian có thể lấy trộm, làm giả, thậm chí tuồn áo đồng phục, thẻ nuôi bệnh ra ngoài cho đồng phạm trà trộn vào BV. Trong khi với máy quét vân tay, kẻ gian hoàn toàn không có cơ hội này.

 Trong trường hợp có trục trặc, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy ở kế bên sẽ nhanh chóng hỗ trợ.
Quản lý bằng dấu vân tay sẽ "sàng lọc" được đối tượng bên ngoài trà trộn vào bệnh viện. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Mặt khác, công nghệ này giúp kiểm soát thói quen của người Việt là hay kéo cả gia đình vào BV chăm người nhà hoặc bạn bè, đồng nghiệp rủ nhau đi thăm người bệnh, đông đúc. Người đi thăm bệnh còn bắt chuyện với các bệnh nhân khác, thậm chí đi lung tung. Điều này không có lợi cho người bệnh lẫn người thân. Bởi, môi trường BV là nơi dễ truyền vi khuẩn cho nhau khiến người lành mang vi khuẩn về nhà, còn người bệnh bị viêm phổi, nhiễm trùng vết mổ, vết thương…

Thống kê cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV lên đến 15-20% ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một nghiên cứu tại BV Chợ Rẫy cho thấy, nhiễm khuẩn BV làm kéo dài thời gian nằm viện thêm 15 ngày. Với viện phí trung bình 192.000 đồng/ngày, ước tính chi phí phát sinh do nhiễm khuẩn BV tốn thêm gần 3 triệu đồng/ca.

Từ ý định ban đầu giảm số lượng người tiếp xúc với người bệnh để phòng chống dịch COVID-19 cũng như nguy cơ nhiễm khuẩn BV, phương án dấu vân tay lại có thêm nhiều “tác dụng phụ” như không còn tình trạng kẻ gian trà trộn, “cò xe” lên phòng bệnh dụ dỗ, hạn chế người bán vé số, hàng rong lẻn vào BV. 

Cũng theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, BV Chợ Rẫy quy định chỉ cho phép mỗi người bệnh được một người nhà chăm. Dù người nhà có thể đăng ký dấu vân tay cho hai người để luân phiên chăm bệnh nhân nhưng phải hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhân dân Gia Định, cho hay: việc sử dụng vân tay khi đăng ký khám không chỉ rút ngắn thời gian chờ đợi mà còn giúp nhân viên y tế xác định nhanh chóng thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh có thuộc đối tượng ưu tiên hay không để mời vào khám trước. Hoặc thời hạn sử dụng cũng như lịch sử các lần khám bảo hiểm y tế để phát hiện các trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế. Đến nay, có khoảng 8.000 người đăng ký dấu vân tay để thực hiện đăng ký khám bệnh qua ki-ốt tiếp nhận thông minh. 

Chị Nguyễn Thị Thu đăng ký khám bệnh tại kios tiếp nhận thông minh, BV nhân dân Gia Định.
Chị Nguyễn Thị Thu đăng ký khám bệnh tại kios tiếp nhận thông minh, BV Nhân dân Gia Định. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ quản lý bác sĩ bằng dấu vân tay

Để ứng dụng dấu vân tay vào việc đăng ký khám chữa bệnh, quản lý người nuôi bệnh… BV Chợ Rẫy và BV Nhân dân Gia Định đã tự viết phần mềm riêng. 

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, BV Chợ Rẫy là nơi đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay. Cái khó khi thực hiện công nghệ này là phải có phần mềm riêng, còn máy quét vân tay giá chỉ từ 2-4 triệu đồng/máy. Phòng Công nghệ thông tin của BV Chợ Rẫy tự viết phần mềm để điều khiển các máy quét vân tay, có thể lưu giữ thông tin vân tay lên đến 60.000 người.

Sắp tới, BV sẽ mở rộng quản lý nhân viên y tế và bác sĩ bằng dấu vân tay, mục đích không phải để điểm danh, chấm công mà là quản lý an ninh trong BV, nhất là những bác sĩ giả vào BV. 

 Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI