Quán ăn của người nước ngoài vừa mở đã đắt hàng

14/09/2021 - 06:32

PNO - Trong khi các quán ăn, nhà hàng trong nước còn dè dặt mở bán lại thì nhiều bếp ăn của người nước ngoài tại TPHCM đã nhộn nhịp đơn hàng.

Từ ngày 8/9, TPHCM cho phép các dịch vụ ăn uống có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh được phép hoạt động từ 6g - 18g hằng ngày theo hình thức bán mang về. Quyết định này được nhiều người nước ngoài vui mừng ủng hộ. Và lập tức lượng đơn hàng ở các quán ăn do người nước ngoài làm chủ tăng cao.

Donal Magner (người Ireland, ở P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) phấn khởi nhận món sau hai tiếng đặt hàng ở nhà hàng mình yêu thích vào chiều cuối tuần vừa qua. Theo Donal, đặt hàng thành công món ăn đầu tiên sau vài tháng giãn cách là “quá tuyệt”. Nhưng đây chỉ là món đầu tiên của anh, sau đó còn burger, pizza, món Thái, kebab…. Điều khiến Donal phân vân là không biết mình có đặt được món không do các nhà hàng mở bán đều có lượng đơn quá lớn, những người giao hàng (shipper) thì hoạt động chưa nhiều. 

Anh Mattie Di Paolo điều chỉnh cách chế biến pizza để khách đặt về dùng tại nhà phù hợp hơn
Anh Mattie Di Paolo điều chỉnh cách chế biến pizza để khách đặt về dùng tại nhà phù hợp hơn

Một nhà hàng ngoại là Red&Round đã nhanh chóng mở cửa và hoạt động tất bật. Anh Mattie Di Paolo - Bếp trưởng nhà hàng - cho biết để thích ứng với tình hình mới, nhà hàng anh phải thay đổi món pizza Ý để tiện cho khách mua về ăn tại nhà. Anh cũng sắp sẵn các phụ liệu kèm theo để khách có thể dọn bữa tối cho mình như ở nhà hàng. 

Để mang lại pizza cho khách hàng không phải là điều dễ dàng với Mattie. Trong vòng hai ngày anh phải sắp xếp việc giao hàng, xét nghiệm cho nhân viên theo đúng quy định của Nhà nước. Mattie kể: “Việc tìm mua rau xanh số lượng lớn và nguyên liệu làm pizza lúc này rất khó. Những người bán sỉ cũng chưa mở bán lại nhiều nên hàng ít mà khâu giao hàng thường bị trục trặc ở các điểm kiểm tra. Nhiều nhân viên của tôi đã về quê vì chúng tôi không đủ khả năng sắp xếp cho họ ở tại chỗ làm việc. Chúng tôi cũng phải làm các thủ tục xin phép phường để hoạt động nữa. Khi giao hàng cho khách cũng khó vì không dễ vào các khu dân cư. Hai ngày đầu chúng tôi rối tung với các kế hoạch sắp xếp. May mắn là chúng tôi tuy ít người nhưng vẫn cố gắng làm hết việc. Nhưng tôi vẫn biết ơn những người tuyến đầu vì họ đã giữ thành phố an toàn được đến ngày hôm nay”.

Mattie cũng cho biết, nhu cầu của khách hàng đang tăng vọt và với các khó khăn trên nên anh chỉ có thể giao hàng hai lần trong ngày. Do không thể biết trước thời gian khách nhận hàng vì khó đặt xe hơn trước kia nên anh luôn gọi báo cho khách trước khi đi giao. 

Anh Ayan O Magbabasura, Chủ nhà hàng Dampa Restro, cũng gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu, giá cả hàng hóa tăng quá cao, việc giao hàng trở ngại. “Dù khó tôi cũng phải mở bán lại thôi, nhân viên của tôi đã mất thu nhập vài tháng rồi. Họ đã sát cánh cùng tôi làm từ thiện cho cộng đồng thời gian qua, đây là lúc họ cần lo cho mình”. Tuy nhà hàng mới mở lại nhưng mỗi ngày anh đã nhận nấu tới 50 đơn hàng. Anh khoe các món tapsilog và pancit của Philippines, quê hương anh, gần như cháy hàng trong vài ngày qua. Điều thú vị là khách hàng không chỉ là người Philippines mà còn cả người Việt và người ngoại quốc khác.

Tuy giá cả đã nhỉnh lên nhưng khách hàng như Donal hiểu các vấn đề khó khăn hậu cần mà các nhà hàng và shipper đang gồng gánh nên anh cũng không thấy phiền. Anh mong rằng số lượng nhà hàng hoạt động lại nhiều hơn. “Nhà hàng vẫn đang được mở cửa ở các nước châu Âu. Ban đầu họ cho mở cửa các nhà hàng ngoài trời, sau khi ổn định họ cho mở cửa các quán ăn trong nhà. Tất nhiên khách hàng vẫn phải tuân thủ yêu cầu khoảng cách để bảo đảm an toàn. Các doanh nhân nước ngoài ở Việt Nam luôn muốn có thời gian kết nối và nhà hàng sẽ là nơi họ đến. Nếu chương trình tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh, các nhà hàng, quán ăn sẽ được mở nhiều hơn, góp phần giúp nền kinh tế trở lại bình thường”.

Chị Melodé McLean (người Nam Phi, ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, món đầu tiên chị đặt ngay sau khi thành phố cho hàng quán mở bán mang đi là bánh Trung thu. Lần đầu chị thử bánh Trung thu với hạt sen, lạp xưởng và trứng muối, sau đó chị được bạn mời thêm các bánh có vị ngọt nên rất thích. “Tôi thử bánh Trung thu mỗi năm nên chỉ cần cắn là tôi biết ngay các thành phần làm bánh. Tôi còn biết về chuyện bánh Trung thu vào đêm rằm nữa nên văn hóa ẩm thực này có một điểm đặc biệt riêng. Đáng lẽ món ăn đầu tiên tôi đặt hàng sau vài tháng giãn cách phải là món Tây, nhưng tôi chọn bánh Trung thu vì nét văn hóa này. Những hàng bánh Trung thu trong thời gian này sẽ gặp khó khăn nên tôi cũng muốn giúp họ”, chị Melodé nói. 

Mỹ Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI