Quá nhiều cuộc thi trực tuyến cho học sinh, để làm gì?

31/03/2023 - 06:24

PNO - Năm học 2022-2023, riêng website của một trường tiểu học tại Hà Nội đã đưa thông tin của vài chục cuộc thi kiến thức, kỹ năng. Trong đó một số cuộc thi trực tuyến, một số kết hợp thi trực tuyến và trực tiếp. Không ít em đi thi như… đi chợ, bởi cha mẹ các em cho rằng những thành tích đó rất có giá trị trong việc tuyển sinh đầu vào các cấp.

 

Website của Trường tiểu học Gia Thượng đăng thông tin rất nhiều cuộc thi quốc tế (ảnh chụp màn hình)
Website của Trường tiểu học Gia Thượng đăng thông tin rất nhiều cuộc thi quốc tế (ảnh chụp màn hình)

Thi nhiều, chất lượng ít

Mấy năm gần đây, không ít cuộc thi kiến thức được các trường tổ chức có gắn “mác” quốc tế nhưng bị phụ huynh phản ánh tổ chức luộm thuộm. Có cuộc thi trực tuyến nhưng thí sinh không “vào” được phòng thi, nhiều thí sinh phải bỏ thi nhưng không được hoàn lại lệ phí. Cuộc khác thì hàng ngàn thí sinh cùng vào 1 phòng. Anh Q.T. (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết: “Không có bất kỳ sự giám sát nào, phụ huynh hoàn toàn có thể nhắc, thậm chí làm bài hộ con. Nhưng cũng nhờ thế mà phụ huynh mới phát hiện ra sự ẩu tả ngay từ khâu ra đề thi - các lớp Hai, Ba, Bốn có những câu hỏi giống nhau; đề bài cũng có không ít câu sai”. 

T.D. (lớp Tám, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có 2 đứa em lớp Sáu và lớp Bốn đều tham gia thi toán trực tuyến. D. cho biết, 2 em thi mười mấy vòng loại đều nhờ D. ngồi cùng để giúp làm những câu khó. “Thi vòng 2 - cấp trường, các em cũng ngồi ở nhà, vào phòng trực tuyến để thi, cháu ngồi ngoài camera vẫn nhắc bài được” - D. kể.

Gia đình chị L.T.H. (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có cháu học tiểu học mới tham gia 2 cuộc thi: toán T. và ngôn ngữ E. Chị kể: với cuộc thi toán T., cháu làm bài trực tuyến nhưng không chịu bất kỳ sự giám sát nào từ ban tổ chức. Do đó, chị gái cháu ngồi bên cạnh để giúp làm những câu cháu không trả lời được. Cháu đã qua vòng 1 và đang chờ tham gia thi vòng 2. “Còn cuộc thi ngôn ngữ E., vòng 1 cháu tôi thi trực tuyến, cũng không có bất kỳ sự giám sát nào. Qua vòng 2, cháu từ huyện Ba Vì xuống nội thành Hà Nội thi trực tiếp. Lệ phí thi vòng 2 là 300.000 đồng. Rất đông thí sinh tham gia thi trực tiếp, song cũng không có giám thị coi thi” - chị H. cho biết.

Chị H. cho biết thêm: “Đó là cháu tôi. Còn con trai tôi đang học lớp Ba trường ngoài công lập. 1 năm, tôi nhận không biết bao nhiêu thư điện tử từ nhà trường thông báo về các cuộc thi trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp. Hầu hết cuộc thi đều không thu phí ở vòng 1, đề bài cũng khá phù hợp với kiến thức các cháu đã học. Do đó, tỉ lệ qua vòng khá nhiều. Song đến vòng 2 bắt đầu có thu phí, từ 200.000-400.000 đồng. Riêng năm nay đã có vài chục cuộc thi như thế”.

Các cuộc thi online, thi quốc tế còn “với” xuống cả học sinh lớp Một. Chị T.A. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) nhớ, khi con chị mới vào lớp Một, cô giáo đã gửi đường dẫn đăng ký của nhiều kỳ thi toán. Con vừa vào trường, còn đang làm quen với chữ cái, đánh vần nên chị T.A. không cho con tham gia. Đến cuối năm tổng kết, chị mới biết có gần một nửa học sinh trong lớp con tham gia, và hầu hết đều có giải. Nhiều phụ huynh cho con thi, hy vọng thành tích sẽ là điểm cộng trong kỳ tuyển sinh đầu cấp sau này.

Giao lưu học hỏi hay thương mại?

Từ đầu năm học đến nay, website của Trường tiểu học Gia Thượng (quận Long Biên, TP Hà Nội) đã mở đăng ký rất nhiều cuộc thi: Olympic Toán tư duy CRO, Olympic Toán học quốc tế CMO, Olympic Toán học quốc tế Big Bay Bei, Olympic Toán học toàn cầu GJMAT, Olympic Toán học thế giới Pangea, Thử thách Toán học quốc tế IMC, Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle, Ngôn ngữ quốc tế Willkommen, Olympic Đánh vần tiếng Anh quốc tế mùa đông CSBW, Olympic Tin học quốc tế CCO, Olympic Khoa học và Thiên văn quốc tế CISO…

Công cụ tìm kiếm Google cũng thấy rất nhiều cuộc thi trực tuyến dành cho học sinh được tổ chức, nhất là các cuộc thi toán. Song, nhiều giáo viên đánh giá, chỉ một số cuộc thi có uy tín, một số ít không thu phí ở tất cả vòng thi và hạn chế số lượng thí sinh tham gia. Còn lại đa số thu phí, dao động từ 200.000-500.000 đồng.

Đơn cử cuộc thi Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle, được giới thiệu trên website của Trường tiểu học Gia Thượng: năm đầu tiên (2022) được tổ chức cho học sinh Việt Nam, ở vòng thi trực tuyến, đội tuyển gặt hái 46 giải Vàng, 35 giải Bạc, 17 giải Đồng, 11 giải Danh dự; “các thí sinh Việt Nam dự thi vòng 2 Teeneagle UK Trip & Competition tại Vương quốc Anh đã xuất sắc đạt được 5 giải Vàng, 4 giải Bạc và 2 giải Đồng”. Thông báo trên website của trường cũng công khai lệ phí cuộc thi Teeneagle 2023: vòng trực tuyến là 560.000 đồng/thí sinh (20 bảng Anh); vòng trực tiếp dự kiến khoảng từ 1.200-1.400 bảng Anh (khoảng 34,68-40,46 triệu đồng). 

Một giáo viên toán ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội chia sẻ: “Trường tôi có những phụ huynh chi cả trăm triệu đồng cho con tham gia kỳ thi toán quốc tế K., từ vòng thi trực tuyến đến trực tiếp tại nước ngoài. Cha mẹ nào cũng muốn đầu tư cho con, song cần tìm hiểu, cân nhắc xem cuộc thi đó có uy tín hay không; có mang ý nghĩa cọ xát, giao lưu, học hỏi không hay nặng tính thương mại”.

Theo tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) - số giờ học của học sinh nước ta rất nhiều. Các nghiên cứu cũng cho thấy so với GDP/người, số tiền phụ huynh chi cho giáo dục con cái cũng không hề nhỏ. Song những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật cũng như kỹ năng, năng suất lao động của giới trẻ lại chưa cao. Việc dành quá nhiều thời gian học chỉ để đáp ứng các kỳ thi, đặc biệt là quá nhiều kỳ thi trực tuyến - thi quốc tế như hiện nay cũng lấy mất cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống của các em. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI