Phục hồi nguyên trạng tượng đài là việc cần làm

13/06/2022 - 06:30

PNO - Nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, việc dời tượng đài về nơi đặt ban đầu cho người dân cảm giác an tâm, như tái lập một nền nếp, phục dựng cảnh vật đã gắn với đời sống của một đô thị.

 

 

Người dân nói về việc phục hồi tượng đài Trần Nguyên Hãn

 Cách đây tám năm, khi UBND TPHCM phê duyệt đề án xây dựng nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên), tượng đài Trần Nguyên Hãn được dời về công viên Phú Lâm, Q.6. Trước khi di dời, tượng được đặt trong công viên Quách Thị Trang, thuộc khu vực vòng xoay phía trước chợ Bến Thành.

Thời điểm di dời, các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc đã có một số ý kiến. Đến nay, ngành chức năng của TPHCM lên phương án đưa tượng đài Trần Nguyên Hãn trở lại vị trí cũ. Tôi cho đây là việc nên làm để không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào về mặt lịch sử, văn hóa và ký ức của người dân thành phố.

Nhìn ở góc độ đời sống tinh thần, việc dời tượng đài về nơi đặt ban đầu cho người dân cảm giác an tâm, như tái lập một nền nếp, phục dựng cảnh vật đã gắn với đời sống của một đô thị.

Trong ký ức, công viên Quách Thị Trang cùng với chợ Bến Thành là một trong những không gian văn hóa tiêu biểu của TPHCM. Theo thời gian, áp lực phát triển của một đô thị hiện đại bắt buộc phải có những thay đổi. Đối với Sài Gòn trước đây hay TPHCM sau này, theo tôi, yếu tố hòa hợp giữa cảnh quan, các công trình mang dấu ấn lịch sử và những biểu tượng mới của một đô thị năng động đều phải hài hòa, không quá xung đột với nhau. Điều này đòi hỏi những nhà làm quy hoạch, kiến trúc phải thật sự tận tâm khi làm việc.

Tôi được biết, TPHCM đang có nhiều dự án chỉnh trang không chỉ riêng khu vực công viên Quách Thị Trang hay chợ Bến Thành. Tôi không phản bác việc thực hiện những dự án này bởi sẽ thật khó để đưa ra yêu cầu đó với một đô thị năng động và giàu trầm tích như TPHCM. Thứ tôi mong mỏi là không tạo ra những xáo trộn quá lớn. Bất kể sự thay đổi nào cũng dễ tạo nên những bất đồng, đặc biệt là với những ai yêu mến cảnh quan và nếp sống hiện có của thành phố.

Về phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn với kích thước, chất liệu phù hợp và bền vững hơn, tôi cho là cần nghiên cứu thật kỹ để không gây nên những ồn ào đáng tiếc, đặc biệt là không phá vỡ cảnh quan hiện có.

Gần đây, tôi thấy mừng sau khi dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng hoàn thành, chúng ta cung thỉnh lư hương về an vị dưới tượng đức thánh Trần Hưng Đạo. Việc này phần nào làm yên lòng dân, cũng như tái thiết một phần hình ảnh đã ăn sâu trong ký ức của người dân thành phố.

TPHCM là thành phố của sự phát triển, nhưng sự phát triển ấy phải bền vững và hòa hợp. Chúng ta không thể đi tới mà bỏ lại sau lưng những trầm tích văn hóa về cả vật thể lẫn phi vật thể. Do đó, việc phục hồi những dấu vết, công trình quan trọng, đưa tượng đài trở về nơi ban đầu cũng là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ ổn định đời sống tinh thần của người dân thành phố. 
 

Phó giáo sư-tiến sĩ Phan An - chuyên nghiên cứu về nhân học, văn hóa, từng công tác tại Viện Nghiên cứu xã hội vùng Nam bộ

Diễm Mi (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI