Phụ huynh mệt mỏi vì những khoản phí “trời ơi”

10/10/2022 - 06:18

PNO - Phí nghỉ trưa, phí tin nhắn điện tử, tiền thuê máy lạnh, tiền chăm cô... đang khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường học đường.

Phí nghỉ trưa, phí tin nhắn điện tử, tiền thuê máy lạnh, tiền nước sinh hoạt, tiền chăm cô... Các khoản phí được không ít trường “sáng tạo” ra ngày càng nhiều đang khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường học đường.

Trăm dâu đổ đầu... phụ huynh

Thời gian qua, nhiều trường học trên cả nước đưa ra các loại phí với tên gọi khác nhau như “phí tin nhắn điện tử”, “sổ liên lạc điện tử”, “hệ thống quản lý thông tin học sinh”... Đây thực chất là một khoản thu có hình thức chung là bắt phụ huynh cài đặt app trên điện thoại để nhận thông báo điểm kiểm tra học kỳ và phổ biến các thông tin trường, lớp.

Hàng loạt loại phí, quỹ đang đổ đầu phụ huynh
Hàng loạt loại phí, quỹ đang "đổ đầu" phụ huynh

Theo phụ huynh, trong bối cảnh có nhiều ứng dụng miễn phí (như Viber, Zalo, Facebook...) nhưng trường vẫn bắt buộc phụ huynh trả tiền để cài một ứng dụng thông báo khác là hoàn toàn không cần thiết.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng vấn nạn “hở chút là thu tiền” cũng xuất phát từ nguyên nhân chương trình học yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi kinh phí về cơ sở vật chất, nhân lực, dịch vụ đi kèm ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngân sách hạn hẹp khiến nhiều trường phải tìm mọi cách xoay xở. Do đó, nếu không có giải pháp tăng ngân sách cho giáo dục để đáp ứng nhu cầu dạy học thì rất khó giải quyết tình trạng “loạn thu”, “lạm thu” từ gốc. 

 “Mỗi năm nhiều lắm là hai lần xem điểm của con, cả năm có khi nhận được vài tin nhắn của giáo viên. Thế nhưng, tiền thì vẫn phải đóng trọn gói từ đầu năm, trung bình 125.000-300.000 đồng/năm học tùy trường. Tuy vài trăm ngàn không lớn, nhưng nhân lên hàng triệu học sinh cả nước sẽ là con số lãng phí không nhỏ và cũng là khoản lợi nhuận béo bở cho đơn vị cung cấp app” - một phụ huynh nhận xét.

Vừa qua, một phụ huynh Trường THCS Hoàng Quốc Việt (quận 7, TPHCM) phản ánh khi không đồng ý đóng phí liên lạc điện tử (270.000 đồng/năm học) đã bị giáo viên yêu cầu phải làm đơn. Phụ huynh này bức xúc vì đây là khoản thu mang tính chất tự nguyện nhưng lại bắt làm đơn khi không sử dụng dịch vụ. Chưa kể mẫu đơn mà nhà trường yêu cầu ký có nội dung khiến phụ huynh thấy bất an như: “Với việc không đăng ký này, tôi đồng ý xóa số điện thoại của tôi trên hệ thống thông báo, sẽ không thắc mắc gì nếu các thông tin của trường triển khai đến tôi chậm trễ hơn phụ huynh khác, và những khó khăn khi trường triển khai học trực tuyến cho con tôi”.

Một trường THCS tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) lại đưa ra hàng loạt khoản thu mang tính chất “sinh hoạt phí”, như: tiền dụng cụ vệ sinh, giấy vệ sinh 189.000 đồng; tiền nước sinh hoạt 20.000 đồng; tiền nước uống tinh khiết 135.000 đồng; tiền bổ sung thiết bị điện, chiếu sáng 90.000 đồng; dự kiến lắp điều hòa 540.000 đồng... Bảng thu vô cùng tỉ mỉ này khiến phụ huynh không khỏi thắc mắc: “Chẳng lẽ bây giờ, học sinh học trường công lập phải đóng tất tần tật các dịch vụ trong trường đến từng cuộn giấy vệ sinh, nước sinh hoạt như vậy?”.

Một số trường ở TPHCM đưa ra khoản thu “thuê máy lạnh” với mức 80.000-85.000 đồng/tháng/học sinh cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Bởi, phí thuê này không hề rẻ, với sĩ số 40-50 em/lớp thì một năm học (chín tháng) có thể thu được 30-35 triệu đồng/lớp. Số tiền này dư sức trang bị máy lạnh mới, sẽ kinh tế hơn thuê dịch vụ bên ngoài. Chưa kể, sau một năm học, lớp có máy lạnh thì các năm tiếp theo học sinh không phải “gánh” khoản phí này nữa.

Cuộc thỏa thuận không sòng phẳng

Về danh nghĩa, bao giờ nhà trường cũng cho rằng các khoản phí đưa ra trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, có thỏa thuận với phụ huynh. Tuy vậy, thực tế trường tự liên kết với các đơn vị bên ngoài đưa dịch vụ vào trường và công bố cho phụ huynh biết. Rất nhiều trường hợp phụ huynh thấy không cần thiết, nhưng nhà trường cho là cần thì phụ huynh cũng phải “cắn răng” đóng cho con em mình.

 

Học sinh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) (không đăng ký nghỉ trưa) ngồi ở hành lang chờ giờ học chiều - ẢNH: P.T
Học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) (không đăng ký nghỉ trưa) ngồi ở hành lang chờ giờ học chiều - Ảnh: P.T

Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM), nhà trường đưa ra chương trình “kỹ năng sống” với chi phí 80.000 đồng/tháng (720.000 đồng/năm). Nhiều phụ huynh cho rằng chương trình phổ thông mới cho lớp 10 đã có môn hướng nghiệp - trải nghiệm với mục đích chính là dạy kỹ năng sống cho học sinh. Thế nhưng, nhà trường vẫn khẳng định cần thiết nên phụ huynh cũng chỉ còn cách “móc tiền túi” ra đóng. 

Tương tự, tại một số trường tiểu học ở quận Bình Tân, TPHCM, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ mới vào lớp 1 mà trường đưa ra đến 2-3 chương trình tiếng Anh đủ loại, từ tăng cường, tích hợp, đến liên kết, bản ngữ... là quá nhiều. Tất nhiên cuối cùng, phụ huynh vẫn phải chấp nhận đóng tiền.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhận xét đang có sự nở rộ thiếu kiểm soát của các loại hình dịch vụ, kéo theo đó là đủ thứ phí, quỹ được đưa ra trong nhà trường. Nhiều loại phí không thực sự cần thiết, thậm chí mang tính tận thu làm méo mó ý nghĩa của môi trường giáo dục công lập. Trên thực tế, để nhà trường tự thỏa thuận dịch vụ với phụ huynh thực chất là đang làm khó phụ huynh. Bởi tâm lý “qua sông phải lụy đò”, nhiều phụ huynh sợ không đóng tiền sẽ ảnh hưởng đến con. Còn các trường luôn ở “thế trên” trong cuộc thỏa thuận này. Do vậy, đang có tình trạng “đè” phụ huynh ra thu từ những thứ nhỏ nhặt nhất như bàn ghế, tủ, sọt rác, giấy vệ sinh... cho đến những cơ sở vật chất đắt tiền và thậm chí hàng loạt loại quỹ thăm hỏi, quỹ giao lưu, quỹ quà cáp... Trong khi phụ huynh không thể nắm được số tiền mình đóng góp sử dụng thế nào, có đúng mục đích, hiệu quả hay không. 

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, các quy định đều đã có, nhưng đang có sự buông lỏng trong kiểm tra, xử lý. Không thể để các trường đưa ra những khoản phí “trời ơi”, rồi khi bị nhắc nhở thì trả lại là xong. Hoặc có tình trạng hiệu trưởng đổ thừa cho giáo viên, cho hội phụ huynh... “Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động thu chi trong trường.

Chẳng hạn, vừa qua, TP.Hải Phòng đã làm rất nghiêm khi phạt tù nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn để tổ chức thu tiền phụ huynh học sinh trái quy định”. Theo tôi, đưa ra quy định thì phải có kiểm tra, xử lý, tùy mức độ mà cách chức, phạt tù. Cứ xử nghiêm một vài trường hợp như vậy là sẽ đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, bộ và các sở giáo dục - đào tạo cũng cần rà soát, kiểm tra toàn diện hoạt động liên kết giữa nhà trường với đối tác bên ngoài trong việc đưa các dịch vụ có thu phí vào trường học” - ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. 

Cả trăm triệu “tiền chăm cô”, “tiền quà”

Nhiều phụ huynh lớp 1/3 Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TPHCM) bức xúc khi ban đại diện hội cha mẹ học sinh đưa ra mức dự thu kinh phí hoạt động một năm là 130 triệu đồng. Trong đó, dành 54 triệu đồng cho khoản chi có tên gọi “tiền chăm cô”, tức mỗi tháng gửi giáo viên chủ nhiệm và cô bảo mẫu 3 triệu đồng/người, với hình thức “chuyển khoản hằng tháng”.

Còn lớp 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) thì dự thu quỹ phụ huynh lên đến 270 triệu đồng/năm học, trong đó dành hẳn 58 triệu đồng để chi “tiền quà” cho lãnh đạo, giáo viên và nhân viên trường dịp lễ, tết. Lớp 9/10 cũng của trường này dự thu hơn 165 triệu đồng/năm học, trong đó có 30 triệu đồng “tiền gửi giáo viên chủ nhiệm”, 58 triệu đồng “tiền hoa, quà”...

Phí nghỉ trưa: Không sai nhưng phản cảm

Vừa qua, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) tổ chức thu phí nghỉ trưa 15.000 đồng/buổi với học sinh ở lại lớp buổi trưa. Theo đó, học sinh đóng phí được ở lại trong lớp. Còn các em không đóng phí phải ra khỏi lớp, nhiều em lang thang ở ghế đá, gốc cây, hành lang.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - hiệu trưởng nhà trường - cho biết chủ trương này đã được phụ huynh đồng thuận. Do trường học 2 buổi/ngày nhưng không có điều kiện tổ chức ăn trưa nên chỉ tổ chức nghỉ trưa cho học sinh có nhu cầu. Phòng nghỉ trưa có máy lạnh và nhân viên của trường quản lý, điểm danh. Phí 15.000 đồng/buổi/học sinh là phí quản lý và tiền điện máy lạnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng đây là khoản thu thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Thực tế phụ huynh có nhu cầu cho con ở lại nghỉ trưa và nhà trường cũng cần chi phí để tổ chức. Tuy vậy, nếu cách tổ chức không khéo thì gây ra hình ảnh phản cảm, bất bình đẳng trong môi trường học đường. Việc bắt các học sinh không đóng tiền ra khỏi lớp và phải vạ vật bên ngoài là hình ảnh không đẹp, làm mất đi tính nhân văn của môi trường học đường. 

Minh Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI