Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19"

01/04/2020 - 19:38

PNO - Đó là nhận định được Phó thủ tướng nêu ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về "cuộc chiến" mà cả nước đang đương đầu.

Chiều 1/4, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tính từ ngày 23/1, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại TPHCM, Việt Nam đã bắt đầu bước vào "cuộc chiến" chống dịch.

"Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hiện nhiều địa phương dù chưa có người mắc COVID-19 nhưng vẫn tham gia dưới tinh thần "toàn dân chống dịch", "cả nước chống dịch" dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia (Ảnh: VGP)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng vừa ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu:

Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng phòng, chống dịch bệnh trên từng địa bàn, từng ngành.

Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, theo hướng dẫn của ngành y tế, để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.

Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

"Mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1/4), nhưng chính sách đối với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng là từ ngày 28/1/2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Việc lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai đã được kiểm soát

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện tình hình các bệnh nhân nặng đang tiến triển tốt.

"Trong 4 bệnh nhân nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đã cai máy thở cho 3 người, chuẩn bị cai ECMO (kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo) cho 1 người", Thứ trưởng Sơn thông tin.

Về việc chuẩn bị phương án điều trị trong tình huống dịch lan rộng, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng hệ thống y tế của Việt Nam khác với các nước vì có hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương. Vì vậy, mọi bệnh nhân mắc COVID-19 đều được kịp thời chăm sóc y tế. Nếu dịch lan rộng tại một địa phương, chúng ta sẵn sàng điều động các nguồn lực lượng ở địa phương khác để tập trung dập dịch.

Hiện tại Bộ Y tế cũng đã tính toán phương án giảm tải cho đô thị lớn, chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến.

Cũng tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, qua điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm và đã tổ chức cách ly theo quy định (cách ly tại nhà và cách ly tập trung), triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy.

Các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại trạm xét nghiệm dã chiến của Hà Nội.
Các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại trạm xét nghiệm dã chiến của Hà Nội

Sau khi tiến hành xét nghiệm nhanh tại cộng đồng trong thời gian qua với 783 trường hợp, đã phát hiện một số ca dương tính. Tuy nhiên khi tiến hành xét nghiệm lại trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì các ca này đều âm tính.

Vì lý do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung xét nghiệm trên máy toàn bộ những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố để sàng lọc, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Quý khẳng định: "Hiện nay, việc lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được quản lý và kiểm soát".

Liên quan đến vấn đề này, Ban chỉ đạo Quốc gia đã yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng để phối hợp cùng TP. Hà Nội tiến hành xét nghiệm trên máy bằng phương pháp PCR với toàn bộ người đã đến Bệnh viện Bạch Mai.

Chính phủ Việt Nam đạt tín nhiệm cao nhất thế giới trong ứng phó với COVID-19

Tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành khảo sát tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục. Ngày 30/3, tổ chức này công bố kết quả: "So với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của chính phủ cao nhất thế giới".

Khảo sát đề nghị người dân các nước đánh giá về cách phản ứng của chính phủ với dịch COVID-19 với khoảng 32.600 người ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo cuộc khảo sát quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát này, có khoảng 70% số ý kiến tin rằng nhà nước đã có những phản ứng "đúng mức" để chống đại dịch.

Với xếp hạng đánh giá này, Việt Nam giành được mức tin tưởng cao nhất với 62% bình chọn cho những biện pháp ứng phó dịch của Chính phủ, xếp trên Argentina (61%), Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%)...

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI