Phim vỗ tay và phim im lặng

18/04/2017 - 14:12

PNO - Ở rất nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ nhất không phải là những chi tiết, trường đoạn gây phấn khích khiến người xem ngay lập tức muốn vỗ tay.

Cuối tuần qua, hệ thống rạp chiếu bóng trong nước gần như thuộc về The fate of furious - phần thứ tám của The fast and furious (tựa tiếng Việt: Quá nhanh, quá nguy hiểm). Trước sức càn quét của bộ phim hành động về tốc độ này, loạt phim ngoại và phim Việt có chất lượng khá tốt gồm Ghost in the shell (Vỏ bọc ma), The boss baby (Nhóc trùm), Get out (Trốn thoát), Going in style (Già gân trả đũa), Lô tô, Cha cõng con… bị văng khỏi rạp hoặc chỉ còn vài suất chiếu lẻ tẻ. 

Phim vo tay va phim im lang
Nhân vật của Ben Stiller và Sean Penn trong Bí mật của Walter Mitty


“Bom tấn” có kinh phí sản xuất 250 triệu USD này đánh bạt bất cứ bộ phim nào có mặt nhờ kỹ xảo cháy nổ và mức độ tốn kém tăng lên chứ không phải nhờ những khác biệt so với các phần trước đó. Theo nhà phát hành tại Việt Nam, Fast and furious 8 đã lập kỷ lục mới về doanh thu cho suất chiếu sớm trong hai ngày 12 và 13/4 với 20 tỷ đồng và chắc chắn còn tiếp tục trở thành “cỗ máy in tiền” trong những ngày tiếp đó. 


Tiếng gầm thắng thế ngoài phòng vé của những chiếc “siêu xe” gợi đến những ồn ào quanh… lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều và bộ phim Cha cõng con cũng diễn ra trong tuần qua. Sau khi đạo diễn kiêm tác giả kịch bản phim trả lại bằng khen cho ban tổ chức với ý muốn giữ sự trân trọng cho đứa con tinh thần của mình thì trưởng ban giám khảo của giải Cánh diều có phản hồi, cho rằng Cha cõng con không xứng với giải cao hơn.

Lý do tóm gọn là: “Trong thời buổi cần hấp dẫn khán giả tới rạp, mà tiết tấu phim quá chậm, ít biến cố, kịch tính như thế này, Cha cõng con sẽ khó bắt kịp xu hướng xem của khán giả hiện nay”. Nhận xét này xem ra có lý, nhất là qua sự “độc tôn” của Fast and Furious 8 như kể trên. 

Rõ ràng, những tác phẩm điện ảnh có tính giật gân, tiết tấu dồn dập, cảnh phim hoành tráng thường khiến công chúng dễ phấn khích, nhưng điều đó không có nghĩa là những bộ phim “đều đều, từ từ” không được lòng nhiều người xem. Thậm chí, khoảng lặng trong phim mới là điểm nhấn đáng giá nhất, khiến bộ phim trụ lại cùng thời gian. 

Có vô vàn ví dụ về những tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật cũng như thương mại ghi điểm nhờ sự tĩnh lặng. Lễ trao giải Oscar 2017 chứng kiến cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của bộ phim nhỏ bé Moonlight (Ánh trăng) trước hàng loạt đối thủ sừng sỏ, trong đó có “hiện tượng” La La Land đình đám. 

Phim vo tay va phim im lang
Thư Kỳ trong Thích khách Nhiếp Ẩn Nương

Bộ phim của đạo diễn Barry Jenkins có tiết tấu chậm, dễ làm nản lòng nhiều khán giả xem phim chiếu rạp. Đặc biệt, trường đoạn cuối phim với cuộc gặp lại của hai nhân vật nam “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” được đánh giá là ấn tượng nhất, đắt giá nhất. Đỉnh điểm của sự ngưng đọng cảm xúc là khi hai nhân vật tựa vào nhau trong sự yên bình, không một lời thoại. Lúc này, bộ phim như đã nằm gọn trong tim nhiều khán giả. Đến nay, Moonlight được chấm điểm gần như tuyệt đối trên Metacritic.com. 

“Khó xem” hơn MoonlightThe tree of life (Cây đời) của đạo diễn bậc thầy người Mỹ Terrence Malick. Bộ phim “đều đều” từ đầu đến cuối này từng gây tranh cãi trái chiều, thực sự thách thức cảm thụ của khán giả.

Tuy vậy, chính những khoảng trống rất dài (có khi đến sốt ruột) trong phim mới làm nên “chất” của bộ phim này. Đây không phải sự lập dị mà là phong cách. Có sự tham gia của những ngôi sao lớn nhất của Hollywood gồm Sean Penn, Brad Pitt, Jessica Chastain, nhưng The tree of life lại khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Pháp, châu Âu và giải thưởng Cành cọ vàng của LHP Cannes 2011 đã thuộc về bộ phim này. 

Dễ gây “ức chế” hơn cả hai phim trên là The assassin (Thích khách nhiếp ẩn nương) với sự góp mặt của bộ đôi Thư Kỳ và Trương Chấn. Phim đã đoạt giải Phim hay nhất của Giải thưởng phim châu Á 2016 và mang về danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất cho Hầu Hiếu Hiền.

Được gắn mác là thể loại hành động, tâm lý, lịch sử kèm tấm poster rặt kiếm hiệp, nhưng khi đến rạp, rất nhiều người đã “chịu không nổi” với tác phẩm này. Cứ đến đoạn hành động, đấu kiếm thì đạo diễn cắt cảnh đột ngột, thời lượng rất ngắn; còn những cảnh như pha nước tắm, cài trâm, vấn tóc, chơi đùa với con… thì dừng hình, máy quay chuyển động từ từ và… kéo dài lê thê. Ở nhiều buổi chiếu, liên tục có khán giả bực tức, rồi lần lượt bỏ dở.

Thực tế, nếu “dám” xem Thích khách nhiếp ẩn nương, chấp nhận “thách thức” từ đạo diễn thì dần dần khán giả sẽ nhận ra vẻ đẹp của bộ phim, giải mã được những ý tứ sâu xa đằng sau mỗi khuôn hình biểu tượng, lời thoại tiết chế, âm nhạc tinh tuyển… 

Phim vo tay va phim im lang
Phim The tree of life

Để kết bài này, xin được dẫn ra một bộ phim khác giàu tinh thần truyền cảm hứng, đó là The secret life of Walter Mitty (Bí mật của Walter Mitty) với danh hài Ben Stiller trong cả hai vai trò đạo diễn kiêm diễn viên chính. Trải qua những tháng ngày “sống giấc mơ đời mình”, cuối cùng chàng nhân viên phòng tráng phim âm bản của tạp chí LIFE mới tìm ra người giữ tấm phim số 25 là nhiếp ảnh gia huyền thoại Sean O’Connell ở vùng đất xa xôi.

Ở khoảnh khắc cuối phim, sau bao ngày chờ đợi, khi cả hai cùng được chứng kiến sự xuất hiện của con báo hoa giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đích thì bất ngờ, vị nhiếp ảnh gia chỉ lặng yên ngắm nhìn mà không bấm máy. Những khoảng ngưng đọng chứa đầy cảm xúc và sự liên tưởng nhiều khi không phải để vỗ tay mà để lắng nghe tiếng nói thức tỉnh bên trong mỗi người. 

Bùi Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI