Phim Tết 2014: Hài bình dân làm mưa làm gió

28/11/2013 - 04:10

PNO - PN - Phim Việt ra rạp mùa Tết 2014 không giảm về số lượng nhưng thể loại thì gần như co cụm chỉ còn một màu “hài”, không phong phú như các Tết trước.

edf40wrjww2tblPage:Content

Còn chưa đầy hai tháng nữa là vào mùa phim Tết. Khác với các mùa phim Tết trước, các phim chiếu Tết năm nay khởi động không đồng đều. Có phim như Cô dâu đại chiến 2, Cuộc chiến với chằn tinh (tên cũ là Thạch Sanh) đã hoàn thành từ một năm trước, có phim bấm máy sớm như Năm sau con lại về, Hai Lúa nhưng cũng có phim chỉ mới khởi quay như Sài Gòn du ký. Tính đến thời điểm này, miếng bánh mùa Tết chỉ có năm phim này chia nhau.

Năm phim cũng là một con số quá nhiều đối với một thị trường điện ảnh nhỏ bé như Việt Nam. Thực tế cho thấy, hàng năm chỉ có hai phim Tết có khả năng so kè về doanh thu, những phim còn lại đều khó có khách. Đơn cử năm 2011 có bốn phim nhưng chỉ Cô dâu đại chiến và Bóng ma học đường ăn khách. Năm 2012, năm phim cùng ra mùa Tết nhưng chỉ có Hello cô Ba và Thiên mệnh anh hùng có khả năng cạnh tranh với nhau, những phim còn lại như Vũ điệu đường cong, Lệ phí tình yêu, Lời nguyền huyết ngải đều rơi vào tình trạng ảm đạm. Năm ngoái, doanh thu của Mỹ nhân kế và Nhà có năm nàng tiên cũng bỏ xa Bay vào cõi mộng, Yêu anh em dám không?.

Phim Tet 2014: Hai binh dan lam mua lam gio

Hoài Linh tiếp tục được nhà sản xuất “độc quyền” trong phim Tết Năm sau con lại về

Chính vì miếng bánh mùa Tết luôn bị chia quá nhỏ nên các nhà sản xuất không dám chọn những dự án nghiêm túc mà chỉ tập trung vào dòng phim hài bình dân để dễ thu hồi vốn. Nếu các năm trước, thực đơn bàn tiệc Tết còn có nhiều thể loại như kinh dị, cổ trang thì năm nay tập trung vào một mảng hài. Không khó để nhận ra các hãng luôn căn cứ vào phim thắng lớn của mùa Tết trước để “thừa thắng xông lên”. Tết 2013, Nhà có năm nàng tiên đại thắng với 52 tỷ đồng nhờ vào duyên hài của Hoài Linh và sự có mặt của dàn trai xinh gái đẹp Minh Luân, Ngân Khánh, Bảo Anh, Trương Nhi, dù tuyến truyện đơn giản, không tốn kém nhiều về bối cảnh, phục trang. Năm nay, công thức này lại được nhìn thấy trong Năm sau con lại về và Hai Lúa. Xu hướng khai thác lại nội dung kịch bản cũ, ăn khách cũng được các nhà làm phim tận dụng. Năm sau con lại về lấy ý tưởng từ vở kịch Đón con về, từng nổi tiếng một thời trên Sân khấu kịch 5B. Mô típ dở khóc dở cười về cuộc phiêu lưu nơi xa lạ của những người nhà quê trong phim Hai Lúa cũng rất quen thuộc, đã được nhiều phim truyền hình, cải lương khai thác. Để làm mới, đoàn phim đã kéo sang tận Campuchia ghi hình. Năm sau con lại về tiếp tục sử dụng “át chủ bài” Hoài Linh, Hai Lúa thì tranh thủ “hiện tượng Giọng hát Việt nhí” Phương Mỹ Chi vào phim, hệt như trường hợp năm ngoái Nhà có năm nàng tiên “tranh thủ” cô nàng Bảo Anh của Giọng hát Việt. Ngoài ra, Hai Lúa còn “câu khách” bằng việc mời hoa hậu Diễm Hương và MC đang ăn khách Trấn Thành.

Xu hướng “ăn theo” còn được nhìn thấy trong Cô dâu đại chiến 2 và Sài Gòn du ký. Cô dâu đại chiến 2 là phần tiếp theo của phim Tết ăn khách năm 2011 Cô dâu đại chiến, nội dung tiếp tục xoay quanh cuộc chiến giữa những cô nàng hiện đại với những gã đàn ông. Dàn diễn viên cũ được tập hợp lại như Lê Khánh, Vân Trang cộng thêm những gương mặt đang nổi như Bình Minh, Maya. Phim Sài Gòn du ký thì “ăn theo” câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh trong Tây du ký nhưng tất nhiên là mang màu sắc hiện đại, hài hước.

Nhìn chung, thị trường phim Tết 2014 không có nhiều lựa chọn cho người xem vì các phim chỉ nhằm giải trí, mua vui..., ít chú trọng đến nội dung. Cũng khó trách các nhà sản xuất làm phim kiểu “ăn xổi”, bởi thị hiếu của khán giả mấy ngày Tết vốn là như vậy. Thực tế đã chứng minh bằng những con số doanh thu “khủng” của các phim Tết như Công chúa teen và ngũ hổ tướng: 40 tỷ đồng, Cô dâu đại chiến: 37 tỷ đồng, Hello cô Ba: 25 tỷ đồng, Nhà có năm nàng tiên: 52 tỷ… đều là phim hài. Kể cả những phim không phải phim Tết nhưng có doanh thu cao như Để Mai tính, Long ruồi hay gần đây là Âm mưu giày gót nhọn lại cũng là phim hài. Bài học kinh nghiệm còn được tiếp thu qua thất bại của những phim Tết thể loại khác, dù được đầu tư công phu như Khi yêu đừng quay đầu lại, Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải.

Chuyện Tết chỉ có một màu hài không phải là điều gì to tát, nhưng đáng lo là phim Tết đang ngày càng hướng theo dòng phim hài nhảm, do tâm lý làm phim “đánh nhanh thắng nhanh” của nhà sản xuất vì chu kỳ sống của một phim ở rạp rất ngắn ngủi, thường chỉ hai tuần. Chính vì thế, phim không cần đầu tư cao, bối cảnh không cần hoành tráng, tuyến truyện đơn giản, quy tụ càng nhiều sao và quan trọng nhất là cài cắm mảng miếng gây cười càng nhiều càng tốt. Về lâu dài, kiểu phim đó sẽ chẳng được khán giả chờ đợi nữa vì chưa xem đã biết “bổn cũ soạn lại”.

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI