Phim bằng âm thanh đầu tiên ở Việt Nam: Cuộc chơi “liều lĩnh”, nhưng đáng

07/11/2020 - 06:53

PNO - Kết hợp giữa âm nhạc và phim nhưng không dùng hình ảnh, quy trình sản xuất của Nghe phim kỳ công và phức tạp không khác gì chuẩn bị quay một bộ phim.

Trên thế giới, podcast (tập tin âm thanh mà người dùng có thể nghe trực tiếp hoặc tải về) đang trở thành ngành công nghiệp tỷ đô, thu hút các “ông lớn” như Apple, Spotify nhảy vào chiếm thị phần. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này vẫn còn khá mới mẻ và kén người nghe do khá đơn điệu, cũng như đi ngược lại xu hướng giải trí nhanh gọn.

Dạng thức podcast phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là sách nói. Với mong muốn lan tỏa loại hình này, Trời tính không bằng trời tính, series phim bằng âm thanh đầu tiên tại Việt Nam trong chuỗi dự án Nghe phim do nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và các cộng sự khởi xướng, đang phát tập 2, nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả lẫn giới làm nghề. 

* Phóng viên: Khi khởi động Nghe phim, một người nhiều kinh nghiệm như anh hẳn cũng đoán được khả năng thu lợi nhuận của nó?

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Quả thật tại Việt Nam, podcast chưa phải là xu hướng, thậm chí nhiều người còn không hiểu nó là gì. Nhưng nếu đề cập đến nghe đài, nghe audio, tôi tin chắc mọi người sẽ nhận ra ngay. Tôi và ê-kíp của mình sau thời gian ra nước ngoài học thì nhận ra tiềm năng của audio ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều anh em đồng hành với audio. Radio với những gì nguyên bản trước đây đã có thị phần rất tốt, chỉ cần làm tốt hơn, nâng cấp hơn, mọi người sẽ đón nhận. Hiện trạng của podcast giờ cũng giống như YouTube mười năm trước, ai cũng bỡ ngỡ; nhưng nhìn xem, hiện tại YouTube đã phát triển khủng khiếp thế nào. 

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (phải) và biên kịch Tuấn Khải, đồng thực hiện dự án Nghe phim
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (phải) và biên kịch Tuấn Khải, đồng thực hiện dự án Nghe phim

* Nhưng nhiều năm nay, người ta vẫn cho rằng audio đang “chết”…

- Tôi không nghĩ vậy. Có một sự thật là, những thứ về hình ảnh bắt đầu bão hòa, đặc biệt ở Việt Nam. Lượng view vượt mốc hai triệu lượt xem hoặc hơn thế nữa trên YouTube hiện không còn gây nhạc nhiên vì quá nhiều người đạt được và đặt câu hỏi, có nhiều giá trị trong đó hay không? Tôi không nói điều này xấu nhưng thực tế, khi cái gì đó trở nên phổ biến và bão hòa, khán giả sẽ bắt đầu tìm cái mới hơn.

Hình ảnh suy cho cùng cũng là nhân tạo, con người dùng công nghệ ghi lại, còn âm thanh là thứ thuận với tự nhiên nhất. Thế giới âm thanh và audio khiến tôi thực sự hào hứng và đặt niềm tin rất lớn vào dự án này. Tất nhiên, chúng tôi cũng xác định xác suất thất bại rất cao, nhưng phải bắt đầu, sai thì sửa, có thế mới thành hình dần.

Ở bước đầu này, mục tiêu của chúng tôi là giúp khán giả nghe có nội dung và có cái nhìn mới về audio. Hy vọng, một thời gian nữa sẽ có nhiều người đồng hành, khán giả sẽ có thêm nhiều kênh để giải trí, học hỏi. Càng đông người biết, người làm thì ngành công nghiệp này mới có cơ hội phát triển.

* Điểm khác biệt của dự án này và những hình thức audio khác là gì?

- Có nhiều nội dung bên cạnh Nghe phim như: sách nói về bài học cuộc sống, gia đình, trẻ con, nghe để tìm lại bình yên… Tiêu chí nhận diện thiên về giải trí nhiều hơn, có các yếu tố tài năng trong đó, để người nghe vừa thư giãn, vừa có thể phát huy trí tưởng tượng của họ. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn nghe sách nói, chỉ cần một giọng đọc lạ, cảm xúc là đạt. Kết hợp giữa âm nhạc và phim nhưng không dùng hình ảnh, quy trình sản xuất của Nghe phim kỳ công và phức tạp không khác gì chuẩn bị quay một bộ phim, từ chuẩn bị ý tưởng, viết kịch bản, thử vai… đến viết nhạc, lên quy trình thực hiện. 

Chúng tôi mất rất nhiều tháng để chọn ra những chất giọng không phải MC truyền thanh hay kịch nói, mà là những bạn trẻ giữa đời thường biết diễn xuất bằng giọng nói, biết hát, truyền cảm hứng. Và rõ ràng, tìm được những chất giọng như vậy không hề đơn giản. Tuy nhiên, cơ hội ở đây dành cho các bạn có tài năng là như nhau, rào cản tự ti về ngoại hình như trên phim ảnh không còn nữa.

* Bên cạnh chất giọng, Nghe phim còn đối mặt với những thách thức nào?

-Phức tạp nhất là khâu hậu kỳ. Trong phim, hình ảnh đóng vai trò chủ đạo nhất vì nó kể chuyện bằng hình, nếu âm thanh chưa đủ hay, phần nhìn vẫn có thể hỗ trợ giải quyết câu chuyện cảm xúc của người xem. Nhưng một khi đã xác định kể chuyện bằng âm thanh, tất cả phải đúng, phải thực nhất mới có thể chinh phục khán giả. Nếu không, sản phẩm chỉ là một sự mô phỏng âm thanh mà thôi. 

Nghe phim là thứ mới hoàn toàn, chưa có những trường hợp đi trước để soi chiếu, nên niềm tin thành công chưa lớn. Do đó, chúng tôi phải làm công tác truyền cảm hứng để mọi người đồng lòng với nhau. 

* Nghe phim ngốn kinh phí gấp 4, 5 lần chi phí dự kiến. Sao anh vẫn chọn một thứ khó như thế để khởi đầu?

- Đồng nghiệp cũng đặt câu hỏi tương tự, có cần thiết phải cồng kềnh như thế không? Chỉ cần một host chia sẻ là có thể thành một show liền, sao lại tốn kém nhiều như vậy. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, chúng tôi chọn Nghe phim với mong muốn khám phá quy trình khó nhất, chuẩn bị đón nhận những thất bại nặng nề trong quá trình sản xuất, truyền thông dự án hay chinh phục khán giả.

Nếu nhận được phản hồi tích cực, bài học rút ra cho những nhóm nội dung còn lại vô cùng dễ dàng. Mình có thể thực hiện với tốc độ cao, chất lượng cao. Nếu ngược lại, kết quả cũng xứng đáng. Bởi chúng tôi không phải thử quá nhiều thứ trong một thời gian quá dài. Hơn nữa, kết quả này cũng giúp trả lời cho nhiều băn khoăn của các đơn vị, cá nhân khác. Nếu chúng tôi thành công, họ sẽ mạnh dạn hơn để triển khai, thúc đẩy thị trường đa dạng hơn, và may mắn, biết đâu họ có thể đồng hành cùng mình.

* Cảm ơn anh. 

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI