Phía bên chồng

14/04/2024 - 18:09

PNO - Liên nghe mấy lời ấy chỉ khẽ mỉm cười, cũng không nghĩ nhiều về đoạn đường đã qua. Tất cả đều trở thành quá khứ, là tuổi trẻ nhiều vướng mắc, thật không đáng để phải nặng lòng.

Nhà chồng Liên có mấy cô cháu gái, gọi Liên là thím, là mợ. Nghe thì biết ngay Liên là dâu, cũng tương đương 2 chữ “người ngoài”.

Gia đình chồng hồi đầu không ủng hộ cuộc hôn nhân của Liên với lý do Liên gầy gò, sợ khó sinh con, ngó tướng chắc không chịu nổi vất vả, lại lớn lên ở cái miền “nghe thôi đã thấy làm biếng”. Không có mặt chồng Liên ở đó, chị chồng xa gần một lời dự đoán “chẳng biết sống với nhau được mấy tháng”. Liên cúi mặt, cũng chẳng dám nói trước điều gì.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày đó, Liên mới tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm, đối diện với các cô cháu chồng chỉ nhỏ hơn mình 5, 7 tuổi, thực sự không dễ gì mà tự tin. Chưa kể, mấy cô gái trẻ đó cũng chẳng phải dạng vừa. Họ xét nét ra mặt, tỏ thái độ khó chịu khi Liên dám “cướp” mất người đàn ông rộng rãi, chịu chi tiền cho cháu trong nhà.

Hơn 10 năm trước, xã hội còn nhiều gò bó hơn bây giờ, Liên vẫn khép nép khi ra vào, hiểu rõ trách nhiệm phải đảm đương việc nhà của mình. Cháu chồng, có đứa ở chung, có đứa lâu lâu mới ghé nhưng đều dành cho Liên ánh nhìn không mấy thân thiện. Thậm chí họ chẳng ngại ngần mà cạnh khóe.

Liên cũng không phải mẫu phụ nữ yếu đuối nhu nhược nhưng sống chung với nhà chồng, dưới ánh nhìn nghiêm khắc của mẹ chồng, Liên đành giả tảng như mình không thấy những sự bắt bẻ vô duyên ấy. Kiểu như, sao đậu đũa không xào mà lại đi hầm dừa, ở thành phố có ai nấu món quê mùa này chứ. Hoặc “quần áo nên ngâm rồi chịu khó giặt tay sơ qua trước khi bỏ vào máy giặt đó mợ, chứ không thì chẳng sạch đâu”.

Thi thoảng, có khách ở quê vô, thậm thụt to nhỏ hướng về phía Liên, nhìn qua là biết đang chê trách các kiểu. Liên ban đầu còn thấy ngột ngạt khổ sở, sau cũng dần quen, dù thâm tâm, cô cũng hay tự dằn vặt bản thân. Rằng mình tệ lắm sao, mình vụng về lắm à, mà chẳng được nhà chồng yêu thương nhỉ?

***

Ba mẹ chồng Liên không giàu, thậm chí là khó khăn. Căn phòng dành cho vợ chồng Liên ở trên gác gỗ, nóng và chật. Khi Liên mang thai con đầu lòng, thì bé Xu - cháu kêu Liên bằng thím - cũng dính bầu. Tác giả là ai thì Xu không khai ra. Cả nhà chồng Liên nháo nhào mắng mỏ, rồi cũng đành chấp nhận có một đứa trẻ “từ trên trời rơi xuống” chuẩn bị chào đời.

Ba mẹ Xu vốn có chút của ăn của để, thuộc dạng khá nhất trong gia đình, hỉ hả cười khi biết đó là một đứa con trai. Liên đi làm về được mẹ chồng dặn dò là nhớ chưng đồ bổ bồi dưỡng cho Xu, tội nghiệp, con nhỏ ốm nghén, mệt mỏi khó ăn. Liên nặng nề ôm cái bụng bầu vào bếp, khói từ xoong gà hầm bay lên làm nước mắt Liên cứ muốn trào ra vì tủi thân…

May mà Liên tìm được công việc tốt, có thu nhập tương đối khá so với bạn bè đồng trang lứa. Vài món vật dụng trong nhà dần được vợ chồng Liên sắm sửa. Có tiện nghi hỗ trợ, cuộc sống của Liên cũng dễ thở hơn. Liên dành 3 buổi tối trong tuần để đi luyện thêm ngoại ngữ, phớt lờ mấy câu cạnh khóe của những người sống chung nhà, rằng đã chồng con rồi còn bày đặt học hành cho ai xem kia chứ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Thoáng cái mà nhiều thay đổi. Ba mẹ chồng lần lượt khuất bóng. Căn nhà cũ được bán đi, chia cho mấy anh em, chồng Liên cũng được một khoản nho nhỏ. Vợ chồng Liên chịu khó gom góp, giờ cũng có chỗ ở riêng, thêm 2 cậu con trai khỏe mạnh học giỏi. Liên phát triển sự nghiệp, cũng tạm coi là hài lòng.

Bé Xu - cô cháu chồng năm nào - nay cũng có 2 đứa con trai, từ 2 ông bố khác nhau. Trải qua vài mối tình ấm ớ, Xu tiếp tục làm mẹ đơn thân, cả mấy mẹ con sống nhờ vào ông bà ngoại. Trước đây học chưa hết cấp II nên giờ Xu loanh quanh trong xóm, lúc thì cắt chỉ may, khi gấp quần áo mướn, gặp bữa nhà ai có đám thì ghé phụ việc, công cán nhận về là mấy bịch thức ăn nấu dư.

Chồng Liên dè dặt ướm lời với vợ, hay mình cho bà giúp việc nghỉ, để Xu qua nhà mình làm, coi như giúp cháu có đồng ra đồng vào nuôi con. Liên bảo, để từ từ mình sắp xếp. Chồng Liên im lặng. Anh không tiện kèo nài, càng chẳng dám ép buộc vợ đồng ý…

Liên nghĩ tới mấy đứa cháu khác bên chồng. Đứa thì chê việc nặng, việc lương ít, việc không xứng tầm, cứ làm ở đâu một thời gian ngắn là nhảy việc. Vợ chồng Liên từng cậy mối quan hệ để gửi gắm đứa cháu ấy, cuối cùng còn phải ngượng ngùng đi xin lỗi người ta. Lại có đứa cháu trai suốt ngày chưng diện, xỏ lỗ mũi, xỏ môi, xỏ rún, tóc nhuộm xanh đỏ, tay chân xăm trổ liên tục.

Khi cậu nhóc ghé nhà, Liên nơm nớp sợ con trai mình học đòi, bắt chước thì lại khổ. Có cô cháu gái đang phụ bán hàng ở một siêu thị nhỏ vẫn thường xuyên nhắn Liên ra mua ủng hộ…

Liên thực tâm muốn mở lòng với đám cháu của chồng nhưng cũng sợ cảnh tự mua dây buộc mình. Cuộc sống đang yên ổn, sao phải chuốc lấy muộn phiền bực mình kia chứ! Hệ lụy sau khi “nhận bà con vào làm việc”, bất cứ ai cũng có thể hình dung ra. Sau một khoảng thời gian dài, cuộc sống của những người thân bên chồng cũng không có nhiều khác biệt. Điều duy nhất mà đám cháu kêu Liên bằng mợ, bằng thím ấy thay đổi chính là thái độ đối với Liên.

Nhẹ nhàng, ngon ngọt, nếu không muốn nói là có phần nịnh nọt lấy lòng. Một câu “dạ”, hai câu “để con làm cho thím”, ba câu “mợ nghỉ đi cho khỏe”… Cũng phải, bởi Liên hay mua sắm quần áo cho con của Xu, đầu năm cho tiền đóng học phí, giỗ quải gì cũng gánh phần lớn các khoản đóng góp.

Ngay cả ba mẹ của mấy đứa cháu ấy, tức là anh chị em bên chồng, cũng đã cư xử với Liên bằng một tâm thế khác hẳn. Nhớ lúc anh chị chồng đau bệnh, Liên đứng ra cậy nhờ bác sĩ quen hoặc sẵn xe chở đi bệnh viện giùm. Người ta bảo vật chất quyết định ý thức, sao sai được! Nếu ngày đó Liên không chuyên tâm phấn đấu, mạnh mẽ nỗ lực thì đừng mong tới ngày có chỗ đứng trong nhà chồng.

Giờ khách ở quê vô đến nhà Liên ở tạm, được Liên thu vén chỗ ăn chỗ ngủ, mang theo hũ mắm mực hay dăm con cá khô làm quà, vui vẻ cười nói, không còn thành kiến với cô vợ miền trong của chồng Liên nữa.

***

Anh chị chồng của Liên than thở: “Tuổi này rồi mà vẫn phải lo kiếm tiền nuôi nấng, bảo bọc cả con lẫn cháu, thực sự mệt mỏi. Nhiều lúc cảm giác mình vô phúc, cũng do hồi trẻ nuông chiều tụi nó quá! Cứ như vợ chồng Liên vậy mà ngon, xưa cố gắng học hành, làm lụng, mới đây mà đã ổn định, vợ chồng hòa thuận…”.

Liên nghe mấy lời ấy chỉ khẽ mỉm cười, cũng không nghĩ nhiều về đoạn đường đã qua. Tất cả đều trở thành quá khứ, là tuổi trẻ nhiều vướng mắc, thật không đáng để phải nặng lòng. Quan trọng là sự yên ấm trước mặt, là thấu hiểu nỗi bận tâm và khó xử của chồng.

Cuối cùng thì Liên cũng nhẹ nhõm chốt hạ một câu rằng để em nhắn bé Xu từ tuần sau bắt đầu qua phụ việc nhà, anh nhé. Liên tin rằng ngày trước mình còn “đối phó” được thì bây giờ, Liên thừa sức để giữ gìn mái gia đình.

Thùy Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Giang 16-04-2024 14:28:18

    làm thuê là quan hệ lao động. không nên sử dụng người nhà

  • Lan anh 15-04-2024 11:27:48

    Rồi chị Liên sẽ hối hận vì thuê bên chồng sớm thôi

    • Dolphinnguyen

      Cô này khôn 3 năm mà dại một giòe. Tuyệt đối không giao dịch làm chung hoặc thuê mướn người nhà. Người dưng, bất như ý thì cho nghỉ kèm một ít tiền an ủi là xong. Người nhà, lại là nhà chồng. Cho bao nhiêu cũng thấy không đủ, nfuoiwf nhà mà! Đối xử bới con cháu vậy mà coi được sao. La rầy chút xíu cũng không xong. Người nhà mà, cọ như con ở khinh người. Không vừa ý, muốn đuổi ư? Thứ đồ vắt chanh bỏ vỏ... rồi cô vợ lsfm dâu cả họ này sẽ hối hận từ giờ cho đến cuối đời!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI