Phép thử khiêm nhường trong cơn đại dịch corona

31/01/2020 - 17:56

PNO - Cuối cùng thì Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu đối với sự lây nhiễm của virus corona Vũ Hán. Sự thừa nhận một cách chính thức và hầu như chưa có giải pháp cứu cấp, trước cú thách thức và đe dọa sức khỏe, sự tồn vong của một cộng đồng (người) càng đặt, đẩy con người vào trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi cũng như các biện pháp phòng vệ... tứ phương!

Và giữa tận cùng của cái sự thật nghiệt ngã từ con người - là hậu họa của thói hiếu sát, háu ăn (thịt) các loài động vật hoang dã hay giả thiết đầy nghi hoặc về cái gọi là “vũ khí sinh học” – lại lóe lên thứ ánh sáng lương tri đẹp đẽ, cũng của chính con người. Tuy thầm lặng, bé nhỏ nhưng đang là những phép thử cực kỳ quan trọng. Nó đã và đang cứu cấp những ca bệnh ngay trong vùng dịch bệnh, cũng chính nó, đang cứu rỗi cho một phần còn lại của thế giới đang quay cuồng sợ hãi, nghi kỵ, thậm chí đầy dẫy sự vô cảm, lừa dối.

Đó là lá thư của người mẹ, bác sĩ Tào Hiểu Anh gửi lại cho con trai trước khi bước vào khu vực cách ly dành cho các bác sĩ, nhân viên y tế chống dịch viêm phổi corona Vũ Hán. Bà Tào đã nhận quyết định nghỉ hưu ngay trước Tết Nguyên đán nhưng khi dịch bệnh bùng phát, với kinh nghiệm hơn 30 năm trong công tác phòng chống dịch, bà tự nguyện quay lại vùng dịch để sát cánh cùng các đồng nghiệp tiếp nhận những ca bệnh đầu tiên tại Hồ Nam.

 “Con trai, đã bao giờ con nhìn vào ánh mắt cầu cứu của những bệnh nhân và gia đình họ chưa? Họ luôn nhìn mẹ để trao gửi niềm tin và sự khao khát sống” - trích thư của bác sĩ Tào Hiểu Anh.

 “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh” – phát biểu của bác sĩ Carlo Urbani trong diễn từ nhận giải Nobel Hòa bình 1999, người tự nguyện đi thẳng vào vùng dịch bệnh, có mặt bên cạnh các bệnh nhân vào thời điểm dịch SARS hoành hành, ông đã mất trong thời gian nghiên cứu, chữa trị cho các bệnh nhân SARS ngay trước khi tìm ra giải pháp điều trị cho toàn cầu.

Trước và sau 17 năm, hai con người ấy chỉ duy nhất một sứ mệnh “tất cả vì sự sống của bệnh nhân”.

Đó là một “báo cáo nhanh”, dạng “short report” trên tạp chí khoa học y khoa hàng đầu thế giới NEJM (The New England Journal of Medicine), ngày 28/1/2020 của nhóm tác giả Việt Nam. Lưu ý, ngày đăng báo cáo: 28/1, tức 6 ngày sau khi hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus corona và nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Để được một tạp chí khoa học y khoa hàng đầu thế giới, với vị trí Impact factor (số đo phản ánh số lượng trích dẫn) 70, 670 - năm 2018, nhận biên tập, đăng tải một báo cáo nghiên cứu lâm sàng là bước chứng thực của một kết quả nghiên cứu, chữa bệnh (trên hai trường hợp bệnh) đầy khả quan, tích cực.

Hình ảnh X-quang phổi của một bệnh nhân viêm phổi cấp. Ảnh: Nejm
Hình ảnh X-quang phổi của ông L.D - người Trung Quốc nhiễm virus corona phục hồi sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Ảnh: Nejm

Khi coronavirus chưa bị ngăn chặn bởi một phương thức điều trị đặc hiệu thì giải pháp dùng thuốc chống virus, kháng sinh phổ rộng và các liệu pháp hỗ trợ đã cho ra kết quả tích cực, ở cả hai bệnh nhân cha lẫn con. Việc loại trừ các chủng virus cúm A, cúm B, hay dòng sốt xuất huyết Dengue hẳn đã được thực nghiệm, để sau 6 ngày điều trị kết hợp đã cho bước tiến triển từ dương tính đến âm tính coronavirus (trên người con), được khẳng định.

Điều đáng nói, đằng sau kết quả mang tính chất thực nghiệm ấy là một sự phối hợp chặt chẽ trên nền tảng chuyên môn cao, cộng với sự chuẩn bị toàn diện, tập trung và chủ động trong những tình huống, diễn biến cấp thời. Một quy trình thực nghiệm hoàn chỉnh và hoàn hảo từ việc lấy mẫu nghi nhiễm corona (các miếng gạc họng thu được của hai bệnh nhân trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy), tại Viện Pasteur đã có sẵn nguồn mồi (primer) để từ đó lập tức thực hiện trên các xét nghiệm bao gồm tách chiết nguồn vật liệu di truyền RNA, thực hiện phản ứng phiên mã ngược (reverse transcription - RT) trước khi tiếp tục thực hiện phản ứng sao chép theo chuỗi (polymerase chain reaction - PCR), thời gian thực (real -time): real-time RT-PCR. Từ đó, là biện pháp hỗ trợ cho các chẩn đoán lâm sàng, áp dụng các biện pháp điều trị, theo dõi điều trị chặt chẽ, dẫn tới những kết quả bước đầu rất đáng được ghi nhận.

Từ “mặt trận” kiểm soát cộng đồng như Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (Cảng hàng không Tân Sơn Nhất), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, Trung tâm cấp cứu 115 cho đến các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng TP, Nhi đồng 1-2 cùng Viện Pasteur TPHCM đã hình thành một “trận đồ” chống dịch corona toàn diện, tại TPHCM - ở giai đoạn dịch xâm nhập.

Từ đây, với nguồn nội lực có thực ấy, chúng ta sẽ phải tiếp tục đương đầu ra sao, chuẩn bị tiềm lực cho một cơn đại dịch – nếu chẳng may nó hoành hành khốc liệt – như thế nào, lại đòi hỏi một “phiên mã ngược” khác, cho sự tồn vong của giống loài!

* Bài viết có tham khảo thông tin khoa học trên công trình “Importation and Human-to-Human transmission of a novel Coronavirus in Vietnam”(Lan T. Phan et al.,NEJM, 28/1/2020)

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI