Phát triển kinh tế có trả giá cho môi trường?

27/04/2016 - 19:21

PNO - Thiên nhiên và con người Việt Nam bắt đầu trả giá cho một thời nghèo khó, quyết định phát triển kinh tế mà bất chấp tác hại đến môi trường.

Câu chuyện cá chết hàng loạt trên bãi biển miền Trung và những nghi ngờ về việc nước thải có chất độc của một nhà máy thép đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: thiên nhiên và con người Việt Nam bắt đầu trả giá cho một thời nghèo khó, quyết định phát triển kinh tế mà bất chấp tác hại đến môi trường.

Nước ta có hơn 3.300km bờ biển. Vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng khoảng một triệu km2, gấp ba lần lãnh thổ trên đất liền. Vùng ven biển là nơi tập trung cao các hoạt động kinh tế và xã hội, với gần 60% dân số, khoảng 50% đô thị lớn, quan trọng, và hầu hết các khu công nghiệp lớn của cả nước.

Việt Nam đã thực hiện một số chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển. Dù vậy, trở ngại đối với việc bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều, đặc biệt là sức ép dân số và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh ở các vùng ven biển, gây ra nhiều hậu quả xấu đối với tài nguyên ven biển và trong lòng biển.

Phat trien kinh te co tra gia cho moi truong?
Ảnh minh họa: Internet

Các thành phố, khu công nghiệp, nhà máy lớn ở vùng ven biển đổ một lượng nước thải không qua xử lý và một phần chất thải rắn vào sông, biển, gây ô nhiễm môi trường nước. Các trung tâm du lịch nằm ven biển cũng là những nguồn xả lớn nước thải và rác thải ra biển. Các cảng sông, cảng biển, công nghiệp khai thác dầu khí; các sự cố môi trường như tràn dầu, đắm tàu… và thiên tai thường xuyên xảy ra đều là những tác nhân gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường biển.

Cho nên, câu nói của một vị lãnh đạo nhà máy thép rằng chỉ chọn được một trong hai: nhà máy thép hay tôm cá, thoạt nghe có lý nhưng rất cay đắng. Với đa số người Việt, chắc chắn chúng ta sẽ chọn môi trường sống trong lành vì một chất lượng sống tốt hơn cho chúng ta và các thế hệ tiếp theo.

Nước ta còn nghèo. Vì vậy, trong một thời gian dài, đầu tư được tập trung chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp, còn rất ít đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Vậy làm thế nào để dung hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống?

Cần áp dụng rộng rãi nguyên tắc “người gây tổn hại đối với tài nguyên và môi trường thì phải bồi hoàn”. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ và có hiệu lực về công tác bảo vệ môi trường; chủ động gắn kết và có chế tài bắt buộc yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập dự án phát triển kinh tế xã hội, coi yêu cầu về bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá hiệu quả dự án. Đối với doanh nghiệp, cần áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Nguyễn Tuấn Quỳnh (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI