Phản ứng nữ quyền

25/04/2022 - 06:09

PNO - Có một điều rất thú vị là, nhà tiên phong về nữ quyền trong lịch sử Việt Nam không phải là một “nữ cường nhân”, mà là một người đàn ông.

Bộ phim Anh có phải đàn ông không (đạo diễn Trịnh Lê Phong, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất) vừa mới kết thúc cách đây vài ngày. Trong phim, diễn viên Đan Lê vào vai Mai Ngọc - một phụ nữ chấp nhận, nhẫn nhịn để chồng chà đạp tinh thần lẫn thể xác suốt thời gian dài. Về vai diễn của mình, Đan Lê trải lòng, cô là một người có cơ chế tự vệ cao, không cho phép ai làm tổn thương cô dù chỉ bằng lời nói; vì thế, cô đã không thể nào hiểu nổi vì sao có những phụ nữ như Mai Ngọc.

Để có thể nhập vai tốt, Đan Lê đã nói chuyện với rất nhiều phụ nữ đã và đang chịu cảnh bạo hành. Trong số họ, có những người học cao hiểu rộng, kiếm được tiền và có địa vị trong xã hội. Điều khiến cô bất ngờ nhất là suy nghĩ của họ, rằng họ đáng bị vậy; chồng họ được phép làm như vậy; chồng họ chỉ nóng nảy nhất thời chứ rất yêu thương vợ con; bạo hành chỉ là tật xấu của đàn ông, nó còn tốt hơn gái gú, cờ bạc, nghiện hút… 

Nếu không có Mai Ngọc, Đan Lê đã không biết rằng, giữa thế kỷ XXI này, vẫn còn có những suy nghĩ như thế tồn tại. Cô gọi đó là những “suy nghĩ độc hại”, và chừng nào những suy nghĩ đó vẫn tồn tại thì chúng ta đừng bất ngờ nếu đôi ba tháng, lại có những câu chuyện rúng động xã hội liên quan đến bạo lực gia đình.

Tính tới nay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tròn 15 năm (được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008). Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn tiến đời sống cho thấy luật bộc lộ những bất cập, bởi những vụ bạo hành gia đình vẫn diễn ra như “cơm bữa”. 

Vài ngày trước, clip chồng đánh vợ dã man trước mặt con nhỏ ở P.Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Điều đáng quan ngại là, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nạn nhân V.T.H. “không có yêu cầu giải quyết và không có yêu cầu thưa kiện gì”. 

Nạn nhân của bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng là phụ nữ và trẻ em, nhưng nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, phần đông thủ phạm của bạo lực gia đình là nam giới. Hơn nữa, nam giới thường là nạn nhân bạo lực của những người đàn ông khác trong gia đình và phụ nữ chỉ bạo hành nam giới để tự vệ hơn là bên chủ động gây bạo lực. 

Trong lịch sử thế giới, trước năm 1970, bạo lực gia đình của chồng đối với vợ thường được chấp nhận và người ta xem đó là chuyện riêng tư, chuyện trong nhà giữa hai cá nhân. Phụ nữ bị coi là ở vai dưới, thấp hơn nam giới. Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao hơn, các cuộc thảo luận về bạo lực gia đình được mở rộng, các phong trào liên quan đến quyền phụ nữ cũng diễn ra, giúp cải thiện phần nào nhận thức của xã hội. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không dễ để đạt được sự bình đẳng trong gia đình. 

Nhà xã hội học và học giả về hòa bình người Na Uy Johan Galtung cho rằng: “Chồng đánh vợ là bạo lực cá nhân, nhưng 1 triệu người chồng áp dụng điều đó lên 1 triệu người vợ trong sự thiếu hiểu biết sẽ tạo thành bạo lực cấu trúc”.

Bạo lực cấu trúc là một khái niệm được học giả này phát triển vào những năm 1960, trong đó đề cập đến cách mà một số tổ chức hoặc cấu trúc xã hội gây hại cho một số cá nhân, ngăn họ phát triển. Bạo lực cấu trúc sẽ ngăn cản việc đạt được sự bình đẳng giữa các công dân. Và như vậy, bạo lực gia đình chắc chắn không chỉ là vấn đề của một số cá nhân nữa, mà là vấn đề của cả xã hội.

Chính sự im lặng của các nạn nhân đã góp phần “thúc đẩy” tình trạng này. Họ vừa là nạn nhân, vừa đồng minh trong bóng tối của thủ phạm gây ra nỗi đau cho chính họ, đồng thời cũng là đồng minh của một hệ thống không tương thích với sự giải phóng phụ nữ. Nếu không có sự “trợ giúp” của phụ nữ, liệu hành vi bạo lực có được tiếp tục?

Có một điều rất thú vị là, nhà tiên phong về nữ quyền trong lịch sử Việt Nam không phải là một “nữ cường nhân”, mà là một người đàn ông. Ông là Đặng Văn Bảy - tác giả cuốn sách Nam nữ bình quyền nổi tiếng, được in từ năm 1928 tại Sài Gòn, được Nhà xuất bản Phụ Nữ tái bản gần đây. Là một người yêu nước, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nền dân chủ nhân dân, ông Đặng Văn Bảy đồng thời cũng là người “chiến đấu” cho nữ quyền.

Ông viết: “Nam nữ bình quyền, đời đời vốn có, mà nam nữ bình quyền, đời đời vốn không. Không có, có không, chỉn (vốn) tại ý người, thật sự nào nơi lẽ trời. Theo lẽ trời, trai gái vốn đồng; ở tình người, trai gái vốn cao thấp…”.

Ông tiếp: “Chẳng qua tại cái lòng quá tự trọng tự cao, cái quyền sanh sát, cái thói hẹp hòi của người đàn ông và cái lòng quá e dè sợ sệt, cái tánh quá êm thấm, cái thói yếu ớt của người đàn bà nước ta mà ra”. Ông gọi đây là “tập tục”, “chớ chẳng phải lẽ tự nhiên, nhưng mà vì như thế”, “rồi cái tập tục tập quán kia cũng là lẽ tự nhiên đó”.

Từ đầu thế kỷ trước, một người đàn ông làm cách mạng đã gọi những thói xấu của đàn ông và cả đàn bà một cách thẳng thừng như thế thì vì cớ gì cánh chị em ở thế kỷ XXI không lĩnh ngộ được đôi điều để có phản ứng nữ quyền thiết thực nhất cho chính mình? 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI