TPHCM chuẩn bị mô hình một cửa cho nạn nhân bạo lực giới

21/04/2022 - 18:24

PNO - Theo mô hình này, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ cùng lúc cho nạn nhân các dịch vụ cần thiết như chăm sóc y tế, an sinh, tư pháp, hành pháp…

UBND TPHCM vừa có thông báo đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có báo cáo chi tiết về mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục đến khám, điều trị tại bệnh viện.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu sở đánh giá lợi ích khi vận hành mô hình cũng như những bất cập nếu có và đề xuất cụ thể hướng phát triển và điều kiện để duy trì hoạt động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để lắng nghe, ghi nhận mục tiêu và các hoạt động của dự án do trung tâm đề xuất.

Qua trao đổi, đề nghị Trung tâm CSAGA phối hợp với các sở, ngành của TPHCM xây dựng phương án vận hành mô hình theo hướng đồng bộ, bảo đảm tận dụng được nguồn lực, thế mạnh của các bên và không làm xáo trộn quá trình điều phối, kết nối dịch vụ giữa các sở ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn nhằm phục vụ tốt nhất cho nhóm đối tượng bị bạo lực trên cơ sở giới.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi UBND TPHCM nêu ý kiến về đề xuất của CSAGA xin thành lập và vận hành Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) hỗ trợ người bị bạo lực giới tại thành phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sở này và Sở Y tế đang được Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam và Tổ chức Planète Enfants & Développement (PE&D) hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật từ tháng 10/2020 để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm vận hành thí điểm “Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị tại bệnh viện phát hiện bị bạo lực, xâm hại tình dục”.

Mô hình này được đặt tại Bệnh viện Hùng Vương. Hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc vận hành đã được đầu tư hoàn tất. Đội ngũ nhân sự của sở, ngành, quận, huyện và Bệnh viện Hùng Vương đã được tham gia hội thảo, đào tạo để vận hành mô hình. Các văn bản pháp lý đang được dự thảo lấy ý kiến sở, ngành để hoàn thiện thủ tục hành chính ra mắt.

Mô hình trên vận hành theo quy trình khép kín. Nạn nhân chỉ cần đến phòng chức năng của mô hình tại bệnh viện sẽ được các sở, ngành và các đơn vị liên quan cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn, an sinh xã hội, tư pháp, hành pháp… tại chỗ trên cơ sở đánh giá nhu cầu của nạn nhân.

Như vậy, sau khi xem xét mục tiêu và các hoạt động chính của dự án do CSAGA đề xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thấy phù hợp với mô hình mà thành phố đang xây dựng tại Bệnh viện Hùng Vương.

Tuy nhiên, đây là một mô hình hoàn toàn mới đối với TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, vì vậy việc huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên phải đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đầu ra theo quy trình mà thành phố đang xây dựng.

Tránh tình trạng cùng một mục tiêu và đối tượng nhưng các bên có cách vận hành khác nhau sẽ ảnh hường đến tính nhân văn, quyền và lợi ích của nhóm đối tượng thụ hưởng dịch vụ.

Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị không thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới theo đề xuất của CSAGA nữa. Thay vào đó, sở đề nghị CSAGA phối hợp với các sở, ngành, Bệnh viện Hùng Vương và đối tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như UN Women, PE&D... để cùng thảo luận, xây dựng phương án vận hành mô hình.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI