Phận người lăn theo bánh xe thí điểm

18/12/2019 - 11:00

PNO - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng thực tế để làm cơ sở xem xét, đề xuất hạn chế, tiến tới ngừng sản xuất xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Việc “khai tử” xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (tên thường gọi là xe 50TĐ) được nhiều chuyên gia đồng tình, nhưng đằng sau nó, vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Số phận kỳ lạ của xe thí điểm

Tôi gọi điện hẹn gặp anh Lê “ba gác” lúc 17g, nhưng hơn nửa giờ sau, người đàn ông ngoài 50 tuổi này mới xuất hiện. Đưa tay quệt những vết than đen còn dính dưới đuôi chân mày, anh Lê phân trần: “Tranh thủ giấc chiều, tôi đánh cuốc hàng chở than đi Hóc Môn nên về muộn. Cuối năm, người ta thuê chở hàng nhiều nhưng cảnh sát giao thông cũng tăng cường xử lý nên mình phải chạy trái giờ. Bữa nay, mấy anh em râm ran bàn chuyện chuẩn bị cấm xe thí điểm, chúng tôi đang lo, không biết sắp tới, liệu có xe thí điểm nào khác thay thế xe thí điểm hiện tại hay không”.

Tính đến nay, cũng ngót nghét gần chục năm, anh Lê ôm vô-lăng xe 50TĐ nhưng tên anh vẫn gắn hai chữ “ba gác” vì thời gian chạy ba gác của anh gấp đôi xe 50TĐ. Sau gần chục năm mưu sinh cùng xe thí điểm, anh Lê cho rằng, đây là chiếc xe có số phận kỳ lạ vì anh chưa thấy chiếc xe nào lại long đong, lận đận như xe 50TĐ. 

Phan nguoi lan theo banh xe thi diem
Người mua xe 50TĐ lao đao 10 năm nay vì chạy theo những thay đổi liên quan đến chiếc xe này

Năm 2011, sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 04/2009 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế, anh Lê đem chiếc xe ba gác của mình lên “nộp” cho UBND quận để nhận số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng. Thời điểm đó, một chiếc xe 50TĐ mới xuất xưởng có giá 77 triệu đồng.

Theo anh Lê, 72 triệu đồng tự xoay xở là quá lớn với những người có thu nhập thấp như anh; có người phải về quê mượn mấy “sổ đỏ” cầm cố ngân hàng mới đủ tiền để “chuyển đổi phương tiện”. “Lúc đó, tôi cũng phải bán miếng đất ở Gò Công rồi vay thêm mẹ vợ nữa, mới sắm được chiếc xe” - anh Lại Minh Tân, một chủ xe thí điểm, cho hay.

Những người như anh Lê, anh Tân thời đó chấp nhận dốc cả gia tài mua xe thí điểm cũng chỉ với mong muốn có được một cái “cần câu cơm” hợp pháp, không còn phải vừa chạy xe, vừa trông chừng cảnh sát giao thông. Thế nhưng, có hai sự thay đổi trong quy định đối với xe 50TĐ khiến những người mưu sinh bằng xe này điêu đứng.

Lúc mới mua, xe 50TĐ được cấp giấy chứng nhận chất lượng và không cần phải dán tem, sổ đăng kiểm. Đến năm 2014, quy định “tất cả các xe đều phải kiểm định” trong Thông tư 16 của Bộ Giao thông Vận tải đã đẩy xe thí điểm vào tình trạng đứng bánh. Bởi lẽ, ban đầu, kết cấu loại xe này đã không đáp ứng được nhu cầu chở hàng trên thực tế. Khi đó, các chủ xe phải “độ” lại phần thùng, làm mái che để thuận tiện trong việc chở hàng.

Ngoài ra, sau khi chạy một thời gian, nhiều phụ tùng bị hư hỏng, chủ xe phải gắn phụ tùng của xe máy, ba gác vào mới phù hợp. Do đó, rất nhiều xe 50TĐ đi đăng kiểm bị “rớt” và có xe chưa từng được đăng kiểm. Anh Lại Minh Tân nói: “Chín năm qua, xe tôi chưa thể đăng kiểm vì phải lấy linh kiện ô tô, ba gác, xe máy kết hợp lại mới chạy được”.

Ban đầu, người điều khiển xe 50TĐ chỉ bị yêu cầu phải có giấy phép lái xe hạng A4, nhưng sau đó, lại bị buộc phải có giấy phép lái xe hạng B2. Anh Lê kể, năm 2011, bạn anh đã có giấy phép lái ô tô hạng B2. Do có người thân kinh doanh nước giải khát, anh này mua xe 50TĐ để chở hàng.

“Thời đó, giấy phép lái xe hạng B2 không được chấp nhận cho xe 50TĐ vì họ cho rằng xe 50TĐ có tính thô sơ nên giấy phép hạng A4 mới phù hợp. Bạn tôi phải đi thi lấy giấy phép hạng A4 nhưng không lâu sau, lại có quy định lái xe 50TĐ phải có giấy phép hạng B2” - anh Lê kể.

Sau 10 năm, thu nhập trung bình của chủ những chiếc xe 50TĐ này chỉ ở mức 300.000 đồng/ngày. Những người như anh Lê, anh Tân vẫn chưa thể đổi đời nhờ xe thí điểm. Trong khi đó, số phận của chiếc xe này lại sắp có biến động lớn khi bị đề xuất “khai tử”.

Xe thí điểm là một sai lầm về chính sách

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, hiện nay, đơn vị đang quản lý hơn 2.990 xe 50TĐ. Theo các chủ xe, số liệu trên chỉ là những xe 50TĐ có đăng ký và quản lý, còn nhiều xe khác vẫn đang chạy “ngoài luồng”, không đăng kiểm và đăng ký.

Nhiều người có thâm niên lái xe 50TĐ thừa nhận, loại xe này rất dễ gây tai nạn. Theo Thông tư 16 của Bộ Giao thông Vận tải, xe 50TĐ là “loại phương tiện tương tự ô tô tải có tải trọng dưới 3.500kg” nên người điều khiển phải chấp hành quy tắc giao thông theo các quy định về điều khiển ô tô tải, đảm bảo an toàn cho người đi đường. Nghĩa là, xe 50TĐ phải chạy trong làn đường dành cho ô tô.

Tuy nhiên, trên thực tế, xe này chỉ chạy tối đa khoảng 50km/h; khi chở hàng, chỉ chạy được khoảng 30-40km/h, tay lái lại rất cứng, khó giữ thẳng nên chạy vào làn ô tô rất nguy hiểm, nhất là khi chạy chung làn với xe tải lớn hoặc xe container.

Xe 50TĐ được sản xuất từ năm 2009, đến nay, nhiều xe đã hết thời hạn chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, sự thay đổi, chắp vá phụ tùng khiến rất nhiều xe không đủ điều kiện an toàn khi vận hành trên đường.

Phan nguoi lan theo banh xe thi diem
Xe 50TĐ lưu thông trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Trước đề xuất “khai tử” xe 50TĐ, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TP.HCM - nhận định: “Việc đưa ra quyết định khai sinh xe thí điểm là một sai lầm rất lớn. Đây là sai lầm chính sách nên nay “khai tử” xe này là một việc làm quá đúng, lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Xe thí điểm là bốn bánh nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn của xe ô tô. Nói đúng ra, đó là dạng xe gắn máy và kéo thêm cái thùng, thành xe bốn bánh. Không thể khuyến khích loại xe kỳ lạ này vận hành trong đô thị được”.

Ông Mai cho rằng, việc “khai tử” xe 50TĐ chắc chắn sẽ gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có vấn đề “ảnh hưởng đến cuộc sống người nghèo”. Tuy nhiên, theo ông, đưa tư duy người nghèo áp dụng cho một thành phố hiện đại là không ổn. Thương người nghèo phải đúng cách, đúng chỗ. Một xã hội phải tiến tới sự tiến bộ. Vì người nghèo thì phải tìm công việc phù hợp để họ có thu nhập ổn định chứ không phải để họ chạy xe thô sơ.

“Hiện nay, TP.HCM có rất nhiều xe máy phế thải mà báo chí gọi là xe mù, gây nguy hiểm rất lớn cho người đi đường. Người ta cứ nói du di cho người nghèo, nhưng người lái xe đó nghèo thật, còn ông chủ của các dịch vụ đó lại rất giàu. Thực chất, xe đó là sở hữu của người giàu và người nghèo chỉ đang làm thuê cho họ” - tiến sĩ Phạm Xuân Mai nói.

Về nhu cầu vận chuyển hàng hóa, ông Mai cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp ở Việt Nam đã chế tạo được xe bốn bánh cỡ nhỏ chở khoảng 500kg và bán rất nhiều ngoài thị trường. Loại xe này hoàn toàn thay thế được các loại xe thô sơ và đảm bảo an toàn giao thông lẫn quy chuẩn về môi trường.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai góp ý, trước khi “khai tử” xe 50TĐ, cần thống kê chính xác hiện nay, TP.HCM có bao nhiêu xe, những người chủ sở hữu xe này nếu là người nghèo thì phải có phương án tạo công ăn việc làm để đảm bảo thu nhập cho họ. “Việc rà soát phải đầy đủ, chính xác và cụ thể” - ông Mai nói. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI