Pashupatinath - 'đưa người ta không đưa qua sông'

24/03/2017 - 18:02

PNO - Buổi chiều rờn rợn đó càng thêm u buồn khi tôi nhìn những phụ nữ Nepal lặng lẽ bên này bờ Bagmati.

Không qua sông, chỉ đau đáu từ bên này bờ, dù lần này là lần cuối, là hai cõi âm dương cách biệt. Buổi chiều rờn rợn đó càng thêm u buồn khi tôi nhìn những phụ nữ Nepal lặng lẽ bên này bờ Bagmati.

Pashupatinath - 'dua nguoi ta khong dua qua song'
 

Thành Kathmandu nhỏ xíu và vùng ngoại vi có đến bảy di sản UNESCO, nhiều danh lam thắng cảnh.

Pashupatinath dễ bị khách Việt bỏ sót bởi hơi xa, cách phố khoảng 5 km mà giao thông công cộng Nepal không hề tiện lợi. Thêm một lý do nữa là người nước ngoài sẽ không được vào trong cụm đền Hindu chính. 

Sau khi la cà khu Tây ba-lô Thamel coi ké vài tấm hình, tôi chen lấn trên xe buýt, cuốc bộ thêm một cây số tìm đến Pashupatinath và ngỡ ngàng, không chỉ với kiến trúc cổ xưa, quý, đẹp. 

Là nơi thờ phụng chúa tể của muôn loài - thần Pashupati hóa thân của Shiva, đây là cụm đền Hindu linh thiêng nhất Nepal.

Pashupatinath - 'dua nguoi ta khong dua qua song'
 

Những kiến trúc hiện nay được xây từ thế kỷ XV, nhưng nhiều sử thi, tài liệu cho rằng Pashupatinath đã có từ thế kỷ IV Tr.CN, là ngôi đền Hindu cổ xưa nhất xứ này. Rất nhiều chuyện lịch sử, huyền thoại về các thần Hindu bảng lảng quanh nguồn gốc ngôi đền, tô thêm nét thú vị cho di tích.

Tuy không được vào trong vài ngôi đền chính, tôi cũng chẳng thiệt thòi là mấy khi có thể chiêm ngưỡng, ghi hình chúng từ xa, toàn cảnh và thanh thoát hơn khi đến gần bị hạn hẹp góc hình, hạn chế không gian bởi quá nhiều những đền đài.

Nghe rằng có 518 đền tháp, tượng đài… trong khuôn viên rộng đến 264 ha, khách có thể nghĩ không chật chội là mấy. Nhưng thật ra, hầu hết các công trình đều tụ quanh cụm đền đài chính, nằm ngay bên bờ Bagmati nên rất dễ gây choáng ngợp bởi cơ man công trình lớn nhỏ ken dày. 

Dù đền mới xây lại cách đây 500 năm, nhưng nhiều pho tượng, phù điêu được xác định đã hai thiên niên kỷ tuổi tác. Kiến trúc tinh tế của những người thợ thủ công người Newari nổi tiếng in dấu lên những phù điêu, đá xưa hay gỗ xám. Nhiều chạm khắc khác trên rường, giằng, kèo cột hay tường mái ghi lại hình ảnh sinh động đời sống người dân thời đó…

Khói nhang nghi ngút, loáng thoáng bóng hình khắc khổ, nghiêm cẩn của những vị sadhu - nhà tu khổ hạnh, thiền định dưới chân đền, bên cội già um tùm xanh càng tăng thêm vẻ huyền hoặc cho Pashupatinath. 

Nhưng tôi tìm đến Pashupatinath vì lẽ khác, lại là lý do nhiều người ngại đến - bến sông Bagmati, nơi hỏa táng linh thiêng nhất của người dân thành Kathmandu.

Theo Hindu giáo, cái chết là kết thúc của một kiếp trầm luân, thân thể sẽ được hỏa táng thành tro bụi và khi được sông thiêng đưa đi, linh hồn sẽ siêu thoát.

Bên bến Bhasmeshvar, không xa lắm ngôi chánh điện của Pashupatinath, chặng đường cuối của một kiếp người diễn ra rất chóng vánh. Nhiều ụ cao bên sông liên tục có những đống lửa nghi ngút tiễn đưa những kiếp người sang thế giới bên kia, chỉ sau vài nghi thức đơn giản. 

Nhưng, với quan niệm chết đi là thoát khỏi khổ ải của kiếp người, người Hindu giáo kiêng kỵ và cấm việc khóc lóc thở than vì sợ rằng nước mắt sẽ níu chân người đi. Do vậy, phụ nữ bị cấm tham dự tang lễ. Buổi chiều đó, bên kia Bagmati lửa khói nghi ngút, bên này bờ sông những người phụ nữ lặng lẽ nín lặng nhìn sang. Đau đáu. 

Tôn giáo nói gì không biết, sự ra đi là siêu thoát thì có ai khi đang sống mà hay… Chỉ biết lần này là lần cuối. Nhưng chỉ một bờ sông hẹp mà nghìn trùng cách xa. Nên những đôi mắt bị cấm khóc long lanh nghẹn buồn càng làm Pashupatinath thêm buồn. Buổi chiều rờn rợn bên sông gió lạnh, phừng phực lửa, nghi ngút khói thiêu đó làm sao có thể quên!

Trần Thái Hoãn
Thơ: Thâm Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI