Ostin Fam: Từ cậu bé mù màu đến đạo diễn trẻ “có duyên” với giải thưởng

16/09/2021 - 06:34

PNO - Với giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim ngắn lớn nhất Đông Nam Á SeaShorts 2021 (diễn ra từ 25/8 đến 2/9) dành cho phim "Bình", Ostin Fam khiến không ít người ngạc nhiên trước “cái duyên” của cậu với phim ảnh.

Phát hiện bị mù màu lúc năm tuổi, xuất thân là dân chuyên lý trường Amsterdam (Hà Nội), nhưng Ostin Fam (Phạm Quốc Dũng) lại hứng chí học thêm về phim, và tuy chỉ mới làm được ba phim ngắn nhưng cả ba đều có giải. Mới đây là giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim ngắn lớn nhất Đông Nam Á SeaShorts 2021 (diễn ra từ 25/8 đến 2/9) dành cho phim Bình, Ostin Fam khiến không ít người ngạc nhiên trước “cái duyên” của cậu với phim ảnh.

Phim ngắn - ý nhiều

Bình, phim ngắn thứ ba của Ostin Fam, là một câu chuyện mang màu sắc viễn tưởng lấy chủ đề tâm linh. Phim kể về Bình - một cá thể ngoài hành tinh đến trái đất để tìm cách khôi phục quê hương đã bị hủy diệt của mình. Ẩn sau hình hài con người, Bình gặp một ông già mộ đạo, một anh thợ xây đầy hoài nghi và một cô đồng bí ẩn tại một ngôi chùa đang xây. Khi cả nhóm thực hiện lễ gọi hồn, Bình dõi theo từng người và lắng nghe họ nói những quan điểm khác nhau về “nhà”.

Vượt qua 19 phim khác, Bình lên ngôi Phim ngắn xuất sắc nhất với lời nhận xét của Ban giám khảo Liên hoan phim SeaShorts: “Bộ phim là một cuộc khám phá vui nhộn về những điều kỳ quặc của con người qua con mắt của một người ngoài hành tinh. Một phần khoa học viễn tưởng, phần nào đó lại mang tính nhân chủng học, nó làm sáng tỏ nhiều phong tục, vật thể của người Á châu mà chúng ta thường chấp nhận hời hợt. Ngoài sự táo bạo, bộ phim cũng đưa ra một nhận xét về xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển đổi trong ảnh hưởng của sự tư bản hóa và tâm linh”. 

Ostin Fam (ngồi giữa đội nón) trên trường quay phim Bình
Ostin Fam (ngồi giữa đội nón) trên trường quay phim Bình

Còn nhớ, tại cuộc thi Dự án phim ngắn CJ năm 2019, phim Bình cũng giành giải cao nhất bởi thủ pháp kể chuyện mới mẻ, mang đậm cá tính tác giả. Nhìn lại ba phim ngắn của Ostin Fam, dễ thấy nhà làm phim 26 tuổi này thường chọn những cái tựa rất ngắn và gây ấn tượng bằng ý tưởng, suy nghĩ độc đáo, già dặn. Như phim đầu tay Hành trình (2011) ghi lại chuyến đi lên biên giới của anh và mẹ mình, gợi ra những quan niệm mới về hạnh phúc của một người mẹ đơn thân trong xã hội Việt Nam đang chuyển mình bấy giờ.

Phim thứ hai Short/cut (2017) chỉ đơn giản kể về chuyện cắt tóc của một cô gái trẻ, nhưng qua đó, người xem thấy được những suy nghĩ của anh về mâu thuẫn vẻ đẹp, giới tính và mâu thuẫn thế hệ của những phụ nữ trong một gia đình người Việt ở Mỹ.

Phim Bình (2019) là những trăn trở khi con người ra sức kiếm tiền, niềm tin trong những giá trị vật chất hữu hình, liệu họ sẽ chấp nhận sống an bình hay phải trở nên dũng cảm để đương đầu? Tính đến nay Bình đã chu du qua hơn 10 liên hoan phim trên thế giới, và sẽ tham dự tiếp các liên hoan phim khác tại Thái Lan, Đức và Croatia. 

Năm 2012, phim Hành trình quay bằng máy iPod touch của Ostin Fam nhận giải Búp sen bạc thể loại tài liệu ở giải thưởng thường niên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Sau giải này, Ostin Fam nhận học bổng sang Mỹ học ngành nghiên cứu phim và Đông Á học tại Đại học Wesleyan, và ra trường với tấm bằng xuất sắc. Bộ phim tốt nghiệp Short/cut đoạt giải Steven J.Ross Prize cho bộ phim tốt nhất của trường năm đó. Sau này, Ostin Fam còn nhận học bổng của hãng Sony Pictures và trở thành thành viên của Brooklyn Filmmakers Collective - nhóm đạo diễn phim độc lập lớn và lâu đời nhất tại New York. Năm 2018, Ostin Fam về nước và làm trợ lý đạo diễn cho phim ngắn Một khu đất tốt, Dòng sông không nhìn thấy của Phạm Ngọc Lân và phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của Phan Đăng Di

Nhìn màu sắc cuộc sống qua lăng kính máy quay

“Lúc năm tuổi, đi khám sức khỏe ở y tế phường cùng mẹ, tôi phát hiện mình bị mù màu, dễ nhầm hai màu xanh lá và màu đỏ với nhau. Từ đó mẹ luôn hướng tôi học các môn tự nhiên nhiều hơn, vì nghĩ khiếm khuyết của tôi không hợp với sự sáng tạo. Tôi hứng thú với môn lý nhất, vì môn này yêu cầu trí tưởng tượng về mặt hình ảnh cao hơn toán hay hóa. Năm lớp 11, tôi học làm phim ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD, thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam - PV) vì việc thu thập, trình chiếu hình ảnh khá mật thiết với yếu tố quang học trong vật lý. Nhà vật lý hay nhà làm phim đều sử dụng ngôn ngữ của mình để vượt qua giới hạn hiểu biết của con người và phỏng đoán tương lai”, Ostin Fam kể về mối duyên đến với phim ảnh. 

Ostin Fam thấy rằng phim ảnh giúp an ủi người mẹ đơn thân của mình, rằng anh cũng có sự nhạy cảm nhất định, có thể nhận ra những “màu sắc” khác trong cuộc sống qua lăng kính máy quay. “Lên tám tuổi, ba mẹ tôi ly hôn. Ba biến mất trước khi tôi phát hiện ra ông là một con bạc lớn, làm mất hết tài sản sau một trận cá độ bóng đá. Trước đó ba là một trong những người giàu nhanh nhờ mở cửa kinh tế. Những năm sau tôi quen với việc có người lạ đến nhà đòi nợ. Cũng khoảng thời gian đó, mẹ sinh em trai tôi và nó mắc chứng tự kỷ.

Trailer phim Bình:

 

 

Năm 2018, tôi về nước sau sáu năm học tập và làm việc ở Mỹ. Lúc này ba mẹ con dọn đến một chung cư cũ sống. Tôi sốc vì khung cảnh xung quanh mình hoàn toàn lạ lẫm. Sự bùng nổ xây dựng diễn ra không chỉ quanh nơi ở mới, mà còn trên cả nước và khắp các vùng quê. Thời ấy báo đài đưa tin về quần thể chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới. Đến thăm chùa lúc đang xây, tôi bị ấn tượng về sự đồ sộ của công trình, và nghĩ đến những ảnh hưởng, thay đổi sắp tới của người dân trước những ký ức và khái niệm về thiên nhiên, tiền bạc và thần thánh”, Ostin Fam kể về ý tưởng làm phim Bình

Như nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam, Ostin Fam chọn con đường trở về sau thời gian du học, vì theo anh: “Các nền điện ảnh, tác giả châu Á như Iran, Nhật, Hàn, Đài Loan hay Trung Quốc đều xuất phát từ sự chuyển mình của xã hội về chính trị hoặc kinh tế. Việt Nam đang ở trong bối cảnh đó, và tuổi thơ của tôi gắn với sự thay đổi chóng mặt này, nên chỉ khi ở đây, và phải đối diện với những mâu thuẫn cá nhân, tôi mới có thể được kể câu chuyện của mình. Có điều khi về nước, tôi hơi bỡ ngỡ khi thấy Việt Nam có ít sự hỗ trợ về tài chính lẫn chính sách để nuôi dưỡng thế hệ làm phim trẻ, trong khi nhiều nước Đông Nam Á, kể cả Lào hay Campuchia, đều đã có liên hoan phim độc lập, quỹ điện ảnh, trại dự án cho người làm phim trong nước và trong vùng”. 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI