Nữ tiếp viên hàng không kháng cáo, đề nghị tăng án với tài xế Mercedes

21/12/2020 - 14:52

PNO - Ngày 21/12, chị Nguyễn Thị Bích Hường, 1 trong 2 nạn nhân vụ Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes gây tai nạn, đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Theo đó, nữ tiếp viên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trong vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) xét xử vào ngày 15 và 16/12/2020.

Bị hại Hường tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Minh Tâm/PLO
Chị Hường tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Minh Tâm/PLO

Nữ tiếp viên hàng không bị Mercedes chạy với vận tốc 84km/h tông yêu cầu tòa làm rõ việc Phong tẩu tán tài sản để tránh né việc bồi thường.

Trong đơn, chị Bích Hường cho rằng, về trách nhiệm hình sự, bản án mà Tòa án nhân dân Q. Phú Nhuận tuyên án với Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù là chưa phù hợp, chưa tương xứng với hành vi, hậu quả mà Phong gây ra. Mức phạt như vậy còn quá nhẹ đối với bị cáo nên nữ tiếp viên đề nghị phải tăng hình phạt.

Về phần trách nhiệm hình sự, chị Hường nêu rõ những điểm còn bất cập trong phiên tòa xét xử sơ thẩm. 

Cụ thể, về người chịu trách nhiệm bồi thường, tòa chấp thuận yêu cầu buộc bị cáo Phong bồi thường cho nữ tiếp viên số tiền 1,4 tỷ đồng là chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, chi phí trả cho người chăm sóc chị Hường trong thời gian điều trị, tiền bồi thường về tổn thất tinh thần, thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe...

"Theo tôi, bản án chỉ yêu cầu bị cáo Phong bồi thường là chưa phù hợp vì việc giao xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM Du lịch Vận tải Khang Gia và Công ty Fumita. Vì vậy, cả hai công ty này phải có trách nhiệm liên đới với bị cáo trong việc bồi thường", nữ tiếp viên trình bày.

Cũng theo chị Bích Hường, tòa cần làm rõ về việc thuê xe giữa hai công ty trên có hợp pháp hay không và giữa Công ty Khang Gia với Phong, vì công ty này cho Phong thuê xe mà không yêu cầu xuất trình bằng lái. Từ đó, Phong điều khiển xe dẫn đến tai nạn và hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh của Công ty Khang Gia cũng không bao gồm cho thuê xe. 

Theo chị Hường, trong các hợp đồng cho thuê xe giữa Công ty Khang Gia có dấu hiệu giả mạo nhưng tòa sơ thẩm chưa làm rõ, không tiến hành giám định chữ ký khiến việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện.

Do đó, cả phía Công ty Fumita và Công ty Khang Gia đều có lỗi trong việc giao xe cho bị cáo Phong điều khiển, các bên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường là phù hợp. 

Cũng theo chị Hường, sau khi gây tai nạn, Phong bị bắt tạm giam nhưng đã cùng mẹ, công chứng viên… làm thủ tục bán căn hộ, sang tên căn hộ của mình sang cho mẹ nhằm mục đích tẩu tán tài sản để không phải bồi thường sau này.

Việc này là trái pháp luật, nhưng tòa án không thu thập chứng cứ này, không áp dụng biện pháp cưỡng chế là kê biên tài sản là căn nhà, để đảm bảo việc thi hành án sau này là không phù hợp.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI