Nữ doanh nhân và bình đẳng giới

13/10/2022 - 06:00

PNO - Cuộc đấu tranh bình quyền vẫn đang tiếp diễn, ngay chốn thương trường. Đó không chỉ là một cuộc đấu tranh về nhận thức của chính phụ nữ mà còn là cuộc đấu tranh của một xã hội hướng tới văn minh.

Trong lịch sử, có một bậc nữ nhi mà cuộc đời sống động của bà trở thành nguồn cảm hứng để hai nhà văn ở hai thời đại khác nhau viết tiểu thuyết. Bà là Trần Thị Lan - một thương nhân nổi danh của đất Việt cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 

Tiểu thuyết về bà là cuốn Cô Tư Hồng (Đào Trinh Nhất, đăng báo nhiều kỳ năm 1940, xuất bản thành sách năm 1941) và cuốn Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến, 2014). Tiểu thuyết lịch sử Bóng nước Hồ Gươm của tác giả Chu Thiên cũng dành nhiều trang kể về Tư Hồng. Chưa kể, tên bà còn được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn hóa về Hà Nội. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Đại hội Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) lần thứ 2. Ảnh VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Đại hội Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) lần thứ 2. Ảnh VGP/Lê Sơn

Bà là người phụ nữ lập công ty đầu tiên của xứ Bắc, cũng là công ty duy nhất của ta khi đó cạnh tranh cùng hai công ty của Pháp, hai công ty của Hoa kiều và trúng thầu phá tường thành Hà Nội vào năm 1894, hoàn thành dự án trước thời hạn gần sáu tháng. 

Thương nhân Trần Thị Lan - một phụ nữ sống chủ động, mạnh mẽ trong buổi giao thời nhiều biến động - là tấm gương soi cho không ít phụ nữ thời đó. Thậm chí, nói vui một chút, không ít chị em thời này còn phải… xách dép chạy theo bà không kịp. Nhưng mà, đâu chỉ bà Tư Hồng, lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay cũng không thiếu những nữ kiệt. 

Ôn chuyện cũ để thấy, thời nay, vẫn có không ít chị em vừa tự nguyện đeo vào cổ chiếc vòng kim cô “tam tòng tứ đức”, vừa đòi bình quyền. Không ít người nghĩ, những việc lớn chỉ dành cho cánh mày râu. Việc lớn ấy có khi chẳng phải là điều chi to tát lắm mà chỉ là chuyện bước chân ra ngoài làm ăn, buôn bán.

Năm ngoái, trong đại hội của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tại TP.Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ khi đó - ông Trương Hòa Bình - cho hay, Việt Nam xếp thứ sáu trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cao nhất thế giới. Một con số thật biết nói.

Chúng ta cũng đang có những “nữ tướng” trên thương trường như Nguyễn Thị Mai Thanh, Mai Kiều Liên, Thái Hương, Trương Thị Lệ Khanh… là lãnh đạo của những doanh nghiệp, tập đoàn tầm cỡ. 

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 4% vào năm 2009 đã lên tới 21% vào năm 2011 và đạt tỷ lệ 25% vào năm 2021. Điều đó cho thấy những nữ lãnh đạo của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã và đang hoạt động mạnh mẽ, đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Đó là chưa nhắc tới một nền kinh tế phi chính thức đang trỗi dậy, mà thành phần chính tham gia, thúc đẩy đa phần là phụ nữ. Tức là, chị em đã bước ra ngoài làm kinh tế từ lâu lắm rồi. 

Song, không ít nghiên cứu chỉ ra rằng, các nữ doanh nhân vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi do định kiến giới, như quan niệm phụ nữ chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh nhỏ như “công việc tay trái”; phụ nữ có con nên không có thời gian để lãnh đạo doanh nghiệp; phụ nữ chỉ làm việc trong các doanh nghiệp gia đình và phần lớn do nam giới làm chủ; phụ nữ không có thời gian cho học hỏi…

Xã hội ngày càng văn minh nhưng một số người vẫn thích đứng lại trong cái hủ lậu. Họ vẫn cho rằng, đàn bà thì xông pha ra ngoài kiếm tiền mà làm gì? Hoặc họ đòi chị em phải vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Làm đàn bà sao mà khổ quá! 

Sao chị em có thể đủ ba chân sáu cẳng mà hoàn thành cái chỉ tiêu đó nếu không có sự chia sẻ, đồng cảm của chồng? Chị em không thể quần quật cả ngày ở công ty, lại về nhà quần quật bếp núc, con cái trong khi chồng đi làm về lại quẳng cặp xách, ngồi vểnh xem ti vi. 

Vì thế, cuộc đấu tranh bình quyền vẫn đang tiếp diễn, ngay chốn thương trường. Đó không chỉ là một cuộc đấu tranh về nhận thức của chính phụ nữ mà còn là cuộc đấu tranh của một xã hội hướng tới văn minh.

Đậu Dung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI