NSƯT Thành Lộc từng rất 'choáng' khi hầu hết diễn viên không rành nhạc lý

27/11/2017 - 07:25

PNO - Trong 'Tiên Nga', chất Nam bộ đầy ắp trong mọi ngũ cung, trong từng điệu thức Ai, Xuân, Bắc… của đờn ca tài tử, rất quen nhưng rất lạ.

* Chào NSƯT Thành Lộc, trước khi bắt tay dàn dựng, anh có nghĩ Tiên Nga sẽ tạo thành “cơn sốt” như hiện nay?

- Nỗi “thèm muốn” dàn dựng Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga đã có trong tôi từ hơn ba mươi năm trước. Ước mơ được vun bồi theo thời gian, ở từng chặng đường làm nghệ thuật và được tiếp cận với những bản dựng Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga khác nhau. Tôi tích cóp để hoàn thiện ước mơ của mình, từ việc hoàn thành ý tưởng kịch bản đến tìm kiếm ê-kíp những người sáng tạo, cộng tác và lên kế hoạch thực hiện dự án Tiên Nga.

Tôi làm bằng lòng ngưỡng mộ, yêu kính dành cho cụ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước, niềm tự hào của thơ văn Nam bộ. Tôi thực hiện dự án để thỏa mãn đam mê sáng tạo, cho khát khao có một vở nhạc kịch thuần Việt. Dự án là cách để tôi tự vun bồi cho ngọn lửa đam mê của mình và truyền lửa cho thế hệ diễn viên trẻ. Vì thế tôi tập trung làm việc, sáng tạo bằng tất cả khả năng để có một tác phẩm tốt nhất, ưng ý nhất và mong được khán giả đón nhận. Tôi nghĩ đến những điều đó nhiều hơn là bận tâm việc liệu tác phẩm của mình có tạo thành một cơn sốt.

NSUT Thanh Loc tung rat 'choang' khi hau het dien vien khong ranh nhac ly
NSƯT Thành Lộc trong vai cụ Đồ Chiểu

* Sau ngày phúc khảo anh mới thú nhận mình từng rất choáng khi nhận ra hầu hết các diễn viên tham gia Tiên Nga không rành về nhạc lý, gần như “mù” nhịp. Anh có liều khi đặt niềm tin vào diễn viên?

- Thực sự tôi rất choáng với khả năng ca hát, vũ đạo của không ít diễn viên tham gia Tiên Nga. Có lúc tôi hoang mang đến mức thoáng nghĩ “liệu mình có làm được điều từng ấp ủ?”. Giữa lúc chông chênh nhất thì niềm tin tâm linh trỗi dậy. Tôi xuống Bến Tre khấn nguyện cụ Nguyễn Đình Chiểu phù hộ để mình có thể hoàn tất dự án Tiên Nga theo đúng kế hoạch. Niềm tin đó đã giúp tôi và cả ê-kíp vượt qua mọi khó khăn, kể cả việc phải thay đổi thời gian tập luyện, phúc khảo do bị động về nhà hát, để có buổi diễn phúc khảo được đánh giá là khá thành công.

* Dựng nhạc kịch với phần âm nhạc mang điệu thức của ngũ cung, đờn ca tài tử, thoạt nghe đã thấy rất khó so với khả năng của diễn viên kịch, nhưng anh vẫn không thay đổi sự chọn lựa? 

- Quả thực, với diễn viên kịch, có người may mắn sở hữu giọng hát hay, có người chất giọng chỉ nghe được. Nhưng dù hát hay đến đâu cũng khó so sánh với các ca sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều tôi cần ở nhạc kịch Tiên Nga là diễn viên phải biết ca có cảm xúc, có hồn, có lực để chuyển tải được thần thái nhân vật. Điều này diễn viên kịch có nhiều lợi thế hơn ca sĩ chuyên nghiệp. Hiểu điểm yếu của các diễn viên kịch nói khi ca hát, tôi đã đưa thêm dàn hợp xướng là những ca sĩ được đào tạo bài bản ở Nhạc viện TP.HCM vào vở diễn. Dàn hợp xướng sẽ hỗ trợ cho các diễn viên, đồng thời cho khán giả những cảm nhận tròn trịa, đầy đặn hơn về phần âm nhạc của vở diễn. 

NSUT Thanh Loc tung rat 'choang' khi hau het dien vien khong ranh nhac ly
Nghệ sĩ Hữu Châu xuất thần trong vai cha của Võ Thể Loan

* Biết là khó, vậy mà anh vẫn “làm khó” diễn viên khi yêu cầu tất cả phải hát trực tiếp với dàn nhạc? 

 - Đúng, không trường hợp nào được hát nhép. Khi nhận lời viết nhạc cho Tiên Nga, dù biết đây là công việc rất khó, nhưng nhạc sĩ Đức Trí nói với tôi: “Những gì càng thử thách, càng có nhiều động lực, để được khám phá chính mình”. Đó không chỉ là suy nghĩ của nhạc sĩ Đức Trí mà là của cả ê-kíp tham gia. Các bạn đều rất yêu nhân vật của mình, sẵn sàng thu xếp nhiều kế hoạch khác để đi cùng Tiên Nga. Tôi muốn được nói lời cám ơn đến các bạn diễn viên, những người đang cùng tôi “phiêu linh” với Tiên Nga.

* Kim Liên là một trong những điều bất ngờ nhất ở Tiên Nga, anh có thể chia sẻ thêm về điều này? 

 - Nhân vật Kim Liên được tôi phát triển từ một chi tiết trong bản dựng Kiều Nguyệt Nga của đạo diễn Chi Lăng, trên sân khấu Đoàn cải lương Trần Hữu Trang cách đây khá lâu. Chi tiết Kiều Nguyệt Nga nhờ Kim Liên thay mình sang làm vợ vua Ô Qua khiến tôi thấy lấn cấn. Tôi nghĩ nếu làm lại Kiều Nguyệt Nga mình sẽ tiếp tục phát triển chi tiết này và cả nhân vật Kim Liên theo một hướng khác.  

 Ở Tiên Nga, tôi đã hiện thực hóa suy nghĩ đó với một góc nhìn khác. Kiều Nguyệt Nga lớn lên với những bài học về lễ giáo thời phong kiến nên chỉ biết vâng lời mẹ cha, buông mình theo sự sắp đặt của số phận, chỉ phản kháng bằng cách kết liễu cuộc đời mình. Nhưng Kim Liên lại khác, dù chỉ là người ăn kẻ ở của một tiểu thư đài các, nhưng cô lại mạnh mẽ phản kháng, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Chẳng phải trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã có biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng, vốn xuất thân từ những người chân lấm tay bùn đó sao? Kim Liên chính là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ ấy. 

 * Dường như anh có sự chăm chút đặc biệt cho các nhân vật nữ ở Tiên Nga? 

- Tôi yêu cả ba nhân vật nữ là Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên và Võ Thể Loan trong vở nhạc kịch của mình. Đó là ba mẫu phụ nữ với tính cách khác biệt nhưng luôn tồn tại trong xã hội ở bất kỳ thời đại nào, bất kỳ quốc gia nào. Cuộc sống trong mọi bối cảnh xã hội luôn có những người phụ nữ thủ phận; những người phụ nữ không cam chịu số phận, sẵn sàng hy sinh thân mình, có thể làm nên những việc phi thường vì lợi ích của quốc gia, của cộng đồng; và những người phụ nữ lợi dụng sắc đẹp trời cho, lợi dụng thời cuộc để trục lợi, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.

NSUT Thanh Loc tung rat 'choang' khi hau het dien vien khong ranh nhac ly
Phần đời bất khuất của cụ Đồ Chiểu được tái hiện trên sân khấu

* Vì sao anh chọn cách lồng những yếu tố lịch sử vào một câu chuyện thơ, thay vì làm một vở diễn thuần về lịch sử như Bí mật vườn Lệ Chi hay Ngàn năm tình sử trước đây?

- Cảm ơn cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có tác phẩm Lục Vân Tiên tuyệt vời, cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo và truyền cảm hứng đó cho cả ê-kíp. Từng ấp ủ có thể dàn dựng lại Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, nhưng khi có ý tưởng đó, tôi đã nghĩ mình phải làm được điều gì khác với những bản dựng từng có. Thật ra, các nhân vật trong truyện thơ đã được tác giả xây dựng rất hay với nhân, trí, lễ nghĩa và tinh thần trung quân, ái quốc. Chỉ cần phát triển thêm từ đó tôi đã có một tác phẩm chuyển tải được những thông điệp muốn gửi gắm ngoài sự nhân nghĩa, lòng thủy chung: đó là lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của người Việt Nam. 

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc Tiên Nga thành công khi chính thức ra mắt công chúng. 

Ta là người Việt. Người Việt lòng lành không mong chiến tranh. Ta là người Việt. Người Việt hiền hòa ấm như phù sa. Đời thủy chung sống với sông nước. Cùng với đất nuôi lớn từng ngày. Dùng yêu thương nuôi thêm yêu  thương bất khuất ngoan cường...

Hào hùng, tha thiết, lời bài hát là chủ đề xuyên suốt vở nhạc kịch Tiên Nga (hợp soạn của các tác giả Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Hồng Dung, Nguyễn Thị Minh Ngọc, biên kịch NSƯT Thành Lộc, âm nhạc: nhạc sĩ Đức Trí) đã mang đến cho khán giả những cảm nhận, góc nhìn mới về truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.     

Bám sát mối tình trắc trở của Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, nhưng đẳng cấp của biên kịch - đạo diễn Thành Lộc nằm ở góc nhìn trong xây dựng tính cách nhân vật, “bày biện” những tình huống, sự kiện trên sân khấu. Tài hoa của Thành Lộc thể hiện ở việc Tiên Nga đẹp như một bài thơ ngay trong những tình huống kịch tính. Có lẽ tình yêu, niềm tự hào của NSƯT Thành Lộc dành cho nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - một trong những đại thi hào đại diện cho thơ văn Nam bộ ở thế kỷ XIX, đã dẫn dắt để có một Tiên Nga đậm tinh thần, cốt cách của nhà thơ yêu nước.

NSUT Thanh Loc tung rat 'choang' khi hau het dien vien khong ranh nhac ly
Vượt lên tình yêu chung thủy của Tiên Nga là ước vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam

Không đơn thuần là người dẫn chuyện, kể lại chuyện tình yêu của Vân Tiên - Nguyệt Nga, sự xuất hiện của cụ Đồ Chiểu trên sân khấu là điểm nhấn đặc biệt. Ở đó có phần đời bất hạnh của đại thi hào trong văn học Việt Nam, có tình yêu, sự trăn trở của ông khi chấp bút cho từng số phận nhân vật. Hơn hết, đó là nỗi khắc khoải của một sĩ phu yêu nước trước vận mệnh nước nhà.

Câu chuyện của Vân Tiên - Nguyệt Nga được kết nối mạch lạc, đầy cảm xúc với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Mạch nối mượt như dải lụa để lớp diễn trở thành một bài bi hùng ca, như lời nhắc nhở về những tấm gương nghĩa sĩ anh hùng đã ngã xuống ở Cần Giuộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời giới thiệu lại bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu bên cạnh truyện thơ Lục Vân Tiên

Bất ngờ hơn, NSƯT Thành Lộc đã “cởi bỏ” sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến để tôn vinh hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Mềm mại, nhỏ bé nhưng khi cần bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ đất nước, những người phụ nữ, như đóa sen mong manh, vẫn có thể làm nên chuyện lớn.  vì thế mang theo hơi thở thời đại, những câu chuyện hôm nay chứ không đóng khung trong chuyện tình yêu, nhân nghĩa được nhìn trong bối cảnh xã hội cách đây hơn 100 năm.

Trong Tiên Nga, chất Nam bộ đầy ắp trong mọi ngũ cung, trong từng điệu thức Ai, Xuân, Bắc… của đờn ca tài tử, rất quen nhưng rất lạ. Quen bởi dường như ai cũng đã nghe những giai điệu đó từ thuở ấu thơ. Lạ bởi những giai điệu, thanh âm đó không hề giống cải lương hay tuồng, cũng không phải nhạc nhẹ Tây phương. Tất cả là những giai điệu rất riêng chỉ có ở Tiên Nga: đương đại nhưng vẫn vẹn nguyên hồn dân tộc. 

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI