Nhạc sĩ Đức Trí: 'Đã tháo được những con ốc khóa chặt tôi'

25/11/2017 - 07:00

PNO - Có thể nói Tiên Nga thành công nhờ tài dàn dựng của NSƯT Thành Lộc, diễn xuất của diễn viên và âm nhạc của Đức Trí.

Có thể nói Tiên Nga thành công nhờ tài dàn dựng của NSƯT Thành Lộc, diễn xuất của diễn viên và âm nhạc của Đức Trí. Trong đó, âm nhạc đóng góp rất lớn trong việc chạm tới trái tim khán giả. Trò chuyện cùng Đức Trí mới hiểu anh tâm huyết với dự án này như thế nào, hiểu vì sao khán giả rơi nước mắt khi nghe diễn viên cất tiếng hát.   

Nhac si Duc Tri: 'Da thao duoc nhung con oc khoa chat toi'

Một lớp diễn đầy chất thơ của Lê Phương và Dương Cường

* Anh từng chia sẻ, Tiên Nga là một dự án xứng đáng để anh đầu tư thời gian vì được làm việc mang tính chuyên môn?

- Vâng, tôi tốn rất nhiều thời gian, không hẳn lúc nào cũng viết nhạc mà để suy nghĩ, tưởng tượng. Âm nhạc sẽ được cất lên như thế nào để khán giả cảm được văn hóa Nam bộ, hiểu được nội dung vở nhạc kịch muốn nói? Những thử thách này đem lại cho tôi nhiều cảm hứng.

Tiên Nga là một dự án rất xứng đáng để dành thời gian, “ca khó” như thế mới đủ thử thách mình. Tôi đã được làm việc mang tính nghệ thuật. Dạy học, làm đĩa cho ca sĩ hay viết nhạc cho phim… với tôi, đó là công việc nhiều hơn là công trình. Tiên Nga là một công trình, tôi đã vận dụng những gì tích lũy được sau nhiều năm học nhạc vào dự án này. Nó không dễ như mọi người nghĩ. Đó là một thử thách thật sự.

* Tôi nghĩ thử thách lớn nhất là dàn diễn viên kịch, họ thoại kịch chứ không hát trực tiếp. Anh có bị áp lực khi viết nhạc cho vở Tiên Nga

- Trước Tiên Nga tôi đã viết nhạc cho Ngàn năm tình sử. Cả hai đều là kịch lịch sử, cổ trang có hát. Phần nhạc cho Tiên Nga nhiều hơn gấp ba lần so với Ngàn năm tình sửTiên Nga là một vở nhạc kịch, Ngàn năm tình sử là một vở kịch lịch sử có vài phần âm nhạc. 

Tuy nhiên, tôi gặp áp lực nhiều hơn khi viết nhạc cho vở Ngàn năm tình sử vì khi đó chưa biết diễn viên hát thế nào. Phần nữa tôi luôn hình dung nhạc kịch là phải hát như mình đã được nghe nhạc kịch của nước ngoài. Sau đó, tôi nghĩ nếu cứ bắt chước Tây phương thì mình mãi mãi là cái bóng. 

Cũng may là lịch sử sân khấu Việt Nam đã từng có ca kịch: chèo, tuồng… nhưng người ta hát bằng những bài truyền thống, tức là viết lời trên những bản nhạc sẵn có. Những vở nhạc kịch hiện đại sau này, tôi viết bằng âm nhạc hoàn toàn chứ không viết trên nền nhạc có sẵn. 

Thách thức là làm sao kế tục được cái đã có ở sân khấu truyền thống và từ sự kế tục này, tôi sẽ nói gì ở thời hiện đại bằng ngôn ngữ âm nhạc. Tôi rất thích sự kế tục bởi chỉ có vậy ta mới có được truyền thống lâu đời, việc người sau phủ nhận thành quả của người trước, hoặc sáng tạo lại cái người trước đã làm thì rất lãng phí. 

Về diễn viên, có nhiều diễn viên hát tốt như nghệ sĩ Thanh Thủy, Hữu Châu và cả anh Thành Lộc. Có lẽ vì vậy mà anh Lộc tự tin để diễn viên ca hát nhiều hơn so với những vở kịch trước. Nhìn lại, tôi thấy điều này hợp lý vì khi đi từng bước như vậy, chúng tôi cẩn thận và có sự chuẩn bị tốt hơn.

Nhac si Duc Tri: 'Da thao duoc nhung con oc khoa chat toi'

* Cảm giác của anh thế nào khi phần âm nhạc trong vở kịch đã xong, đêm diễn đầu tiên đã khép lại?

- Tôi thở phào: tất cả đã diễn ra đúng như mình mong đợi. 

* Khán giả rất cảm động khi ở cảnh đầu tiên cụ Đồ Chiểu xuất hiện, nhưng có lẽ họ khó phân tích được vì sao như vậy. Vì diễn xuất của Thành Lộc, điệu hát của diễn viên hay chính là âm nhạc?

- Tôi nghĩ vì thông điệp của vở nhạc kịch. Cho nên khi làm nhạc, tôi luôn lưu ý đến thông điệp mà vở diễn muốn gửi gắm. Bài hát nào trong Tiên Nga cũng có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ. Như cảnh bạn vừa nói, cụ Đồ Chiểu hát: “Tôi là một người mù nhưng lương tri vẫn sáng… dùng ngòi bút soi nghĩa nhân”, lời hát rõ ràng, người nghe cảm nhận được ngay. Cảm xúc của khán giả là sự cộng hưởng từ tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu, của soạn giả Năm Châu và từ những điều anh Thành Lộc nhìn thấy, khơi gợi lên những điều chưa ai nói đến trước đó.

* Xin cảm ơn anh!

Lam Hạnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI