Nông sản Việt-những lát cắt buồn: Héo... toàn tập ở chợ đầu mối

07/12/2015 - 10:53

PNO - Lâu nay nghĩ những chủ vựa ở chợ nông sản Thủ Đức, vốn chi phối thị trường trái cây của cả thành phố và các tỉnh, hẳn nắm quyền "sinh sát"giá cả.

Thế nhưng, giữa nhập nhòa sáng - tối, tình cảnh khốn khổ trong cơn xoáy rớt giá đến thành thảm hại của nông sản cũng không chừa họ.

Ế như... trái cây!

2g sáng. Náo nhiệt người và trái cây các nơi đổ về. Mấy lần tôi bị những người bốc vác hất vai vì làm vướng lối đi chật cứng. Mấy thanh niên nói vui: “Chụp ảnh đưa mấy bà lên mạng đi anh. Toàn trái cây ế”. Trước vựa trái cây Hai Danh, một bà bán thanh long ngồi... mê say ngủ. Tôi buột miệng: “Buôn bán kiểu chi lạ vậy trời?”.

Một phụ nữ ngồi trong vựa nói vọng ra: “Ai hỏi mua đâu mà không ngủ? Đêm nào cũng thức lòi tròng, mà ế quá, càng ngày càng ế. Thanh long ế lắm, giờ 10.000đ/kg, chứ trước chỉ 4.000đ/kg”. Giọng chị mỏi mệt. Thức giấc vào cái giờ phải ngủ, khỏe sao được.

Cạnh đó, một chủ vựa gục lên gục xuống trên bàn. Tôi bước vào, vừa thưa chuyện, thì nhận được cái hất tay: “Tôi không có chi nói hết, anh đi hỏi chỗ khác đi”. Tôi cố gắng lần nữa. “Đã nói rồi - giọng không sừng sộ nhưng kiên quyết - nói thì được cái chi. Bán ế, thuế không giảm mà cứ tăng. Các ổng cứ tưởng sướng lắm, chẳng thèm biết tụi này ngày nào cũng lỗ. Mua bán lâu năm ăn chịu với bạn hàng dưới tỉnh, giờ lỗ không lẽ ngưng làm ăn với người ta. Tụi tôi khổ biết bao, ai hiểu?”.

Nong san Viet-nhung lat cat buon: Heo... toan tap o cho dau moi
Cả đêm đến sáng vạ vật bên đống trái cây

Trái cây, lớp chưa lấy ra khỏi thùng, lớp đã được vào lưới, la liệt, xanh đỏ tím vàng chen nhau như bức vẽ lộn xộn. Lời tôi vừa nghe sao chua chát. “Chị buôn bán ở đây 16 năm rồi, không hiểu sao sức mua năm nay giảm dữ, ngày lễ, cúng cũng không tăng mấy" - chị Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ vựa trái cây Minh Phát, nói - "Ở đây, chị lấy trái cây từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận... rồi xuất đi chợ tỉnh, chợ lẻ trong thành phố. Hàng ế hơn phân nửa, lúc trước mỗi ngày bán được một tấn, nay giảm xuống chừa đầy 500kg”.

“Thuế có giảm không?”. “Giảm chết liền, tăng thì có - chị Nguyễn Thị Giàu, chủ vựa E 6-7 to tiếng - anh nhà báo nói giúp tụi tôi đi, quýt, ổi, xoài, đu đủ, giảm hết. Các vựa dưới tỉnh cũng lỗ tè le, lâu lâu họ mới lên một chuyến. Thuế không giảm, mà còn bị thuế giá trị gia tăng nữa, làm ăn sao nổi?”.

Tiếng than chen lẫn tiếng cười, la hét, tiếng xe đẩy, lời chào mua, trả giá. Cứ hình dung một ngày các chợ trái cây đóng cửa, ở dưới tỉnh không bán, tình hình sẽ ra sao? Hẳn sẽ loạn lên, ít nhất là khi bao khuyến cáo tràn ngập báo chí, phòng mạch, rằng hãy bổ sung chất xơ tự nhiên, chuyển từ dùng thức ăn có nguồn gốc động vật sang thực vật để phòng bệnh, giữ dáng đẹp da...

“Sao được anh - chị Mỹ, một tiểu thương ở đây kéo ghế mời tôi ngồi - Cơm áo con cái mà anh, lỗ mấy cũng làm, không trồng thì bà con dưới tỉnh lấy gì sống, không bán thì tụi tôi lấy gì nuôi con, nhưng thiệt là cực quá, người trồng, người mua bán đều cực. Tôi bán trái cây lúc 15 tuổi, từ cầu Ông Lãnh đến Cầu Muối, chợ này khai trương là tôi có mặt”.

Tôi hình dung, nay chị đã hơn 40 tuổi, chừng ấy năm, toàn... thức đêm, xáo trộn thời khắc ăn ngủ làm người ta thay đổi, giọng phụ nữ vốn hiền lành, âm vực càng hạ thấp hơn. “Bán trái cây, lời lỗ hay không, từ đây đến 5g sáng là biết liền”. “Sao vậy?”.

Chưa kịp trả lời tôi, chị lên tiếng: “Thông ơi, mua giúp chị đi, tám ngàn một ký”. Một người đàn ông đứng trước mấy sọt thanh long, đảo mắt tới lui. “Chị lấy gốc bảy ngàn đó Thông”. Ông kia lắc đầu và bỏ đi.

“Đó, anh thấy đó. Nó mua về bán ở chợ lẻ, lời vài ngàn một ký, nhưng người ta chê thì nó chê lại mình, đâu có phải ngồi ở đây ưng hét giá là được. Thanh Long mua ở Phan Thiết, hôm qua bán tám ngàn. Đến sáng mà không được, thì bốn ngàn cũng bán, chứ giữ lại thì thua chết, mang đổ chứ làm chi”.

Bà bên kia nói vọng qua: “Cái nghề này... chảnh có chút xíu à, tới sáng là tàn thôi”. Giọng chị nghe thảm: “Mua từ dưới tỉnh lên, đóng sọt, vào lưới, công vận chuyển, bốc vác, lời từ 1.000-4.000đ/kg. Tôi mới mở sổ năm ngoái coi lại, chôm chôm 16.000đ/kg, thì giờ còn 13.000đ, nhưng đến 5g sáng, sẽ xuống 10.000đ. Đừng mơ đến ngày hôm sau anh ơi, đem đổ hết. Đó, 20 sọt nhãn, 13.000đ/kg là vốn, ổi 3.000đ/kg, từ 8g đêm đến giờ, chẳng ai mua. Chưa bao giờ trái cây ế như những ngày qua. Cũng phải nhìn ở nhiều khía cạnh, một phần trái bị xịt thuốc, nên người ta sợ, mình bán cũng sợ”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI