Nông nghiệp công nghệ cao: Cuộc chơi không dành cho mọi người

26/06/2018 - 09:00

PNO - Biofresh Farm là một trang trại trồng dâu tây công nghệ cao rộng 2ha ở Đà Lạt. Trang trại này đang sử dụng 15 lao động, cho thu hoạch 30 tấn trái/năm, doanh thu khoảng 240.000 USD/năm (khoảng 5,5 tỷ đồng).

Hiện mỗi hộp dâu nửa ký bán tại đây có giá 125.000 đồng, đắt hơn giá nhiều loại dâu khác ngoài thị trường, nhưng luôn "cháy hàng". Trang trại xuất bán tươi 80% sản lượng, còn lại khoảng 20% được chế biến làm mứt, si-rô...

Nong nghiep cong nghe cao: Cuoc choi khong danh cho moi nguoi
Trang trại dâu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. 

Khách hàng nước ngoài nô nức tìm tới đây để mua dâu với khối lượng lớn. Nhưng chỉ có 2 ha nên trang trại chỉ cung ứng lượng sản phẩm có hạn. Dâu ở đây được chuộng vì sản xuất với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Pháp từ giống, chăm sóc, thu hoạch...

Phát biểu trên báo chí gần đây, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã cảnh báo rằng, các địa phương hãy thận trọng khi xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi mỗi nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, nhân lực, vật lực... khác nhau.

Hơn nữa, định hướng nuôi trồng gì thì cũng nên trên cơ sở những nghiên cứu, tính toán, dự báo cụ thể nhu cầu thị trường, năng lực triển khai.

Mà chủ trang trại này đã đầu tư vào đây 30 tỷ đồng cho việc thuê đất, xây dựng nhà kính, nhà lưới, đầu tư máy móc công nghệ, nhân công... Chưa kể nhiều năm ròng rã, họ đã phải đi học hỏi, nghiên cứu tìm ra cách làm này.

Đây chỉ là một trong những nơi áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Kết quả của các ứng dụng này rất khả quan. Mà theo một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp thì nhờ ứng dụng tốt công nghệ cao (CNC), công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP.

Theo đó, rau trồng trong nhà kính, doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha; đối với cây hoa doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng đã nâng cao đạt 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ...

Cũng theo Bộ NN và PTNT, hiện đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa, lúa được địa phương công nhận Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm 3 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu.

Riêng đối với Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định hồ sơ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng, nhưng hiện tỉnh này đang hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để có đầy đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Nong nghiep cong nghe cao: Cuoc choi khong danh cho moi nguoi
Ngành kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao đang có những bước phát triển đáng kể.

Ngoài các khu CNC, NNCNC ra, đến nay có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực, gồm 12 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.

Như vậy là ngành kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao đang có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên làm ăn trong ngành này không đơn giản.

Nông nghiệp công nghệ cao cho ra sản phẩm sạch, xanh và chất lượng. Nên rõ ràng đây là mục tiêu hướng tới cho các doanh nghiệp, các nông dân làm nông nghiệp quy mô lớn và muốn theo kịp xu hướng tiêu dùng Xanh tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, đây rõ ràng là cuộc chơi không dành cho mọi người. Bởi nó cần tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc, đầu tư chiều sâu cho tới khi thành công. Và cần một tầm nhìn xa trông rộng.

Ví như ngoài việc kinh doanh sản phẩm, chủ các trang trại xanh này có thể cung ứng giống cho nông dân, giúp họ canh tác đại trà theo quy trình và làm đầu mối của việc làm ăn này. Siêu lợi ích từ nông nghiệp kỹ thuật cao rõ ràng gắn chặt với việc phải sẵn sàng cho các đòi hỏi cao bao gồm chi phí đầu tư, giống, đất đai, kỹ thuật công nghệ, thị trường, lao động, quản trị...

Chính vì vậy nó rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các định chế tài chính. Nhất là khi muốn tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp truyền thống của VN.

Chuyên gia nông nghiệp người Đức, ông Chris Schmiz cảnh báo, “không phải ai cũng áp dụng được công nghệ cao vì chi phí rất đắt đỏ, đòi hỏi quy mô diện tích đất lớn. 

Nếu thuận lợi, nông dân phải có 30ha trở lên thì làm nông nghiệp công nghệ cao mới có hiệu quả rõ rệt.”

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Bộ NNPTNT đã và đang triển khai 15 nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 là 86,19 tỷ đồng. Vốn huy động để triển khai dự án từ phía doanh nghiệp lên đến 150 tỷ đồng tập trung vào ứng dụng các công nghệ mới. Dự án đã mang lại những tác động lớn và hiệu quả nhân rộng trong sản xuất.

Vấn đề là các doanh nghiệp cần tích cực vận động nhiều hơn nữa để có thể thúc đẩy  nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời sự hỗ trợ của Nhà nước hay các định chế tài chính cũng cần làm sao để các chủ trang trại, chủ công ty có thể tiếp cận thực sự tới các nguồn vốn này, tránh các thủ tục rườm rà, chồng chéo khiến cho vốn có trên giấy mà rất khó được đưa vào thực tế sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp, chủ trang trại còn có thể vay ưu đãi từ gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.

Và quan trọng hơn, các địa phương cần có cách đầu tư bài bản vào nông nghiệp kỹ thuật cao, tránh làm kiểu phong trào, ào ào mà hỏng việc.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI