Nói không với thịt rừng để làm người văn minh

26/12/2022 - 14:31

PNO - Nói không với thịt rừng là hành động của con người văn minh, người biết quý trọng môi trường sống của chính mình.

Càng về cuối năm càng có nhiều ngày tụ họp đại gia đình. Mâm cơm ngày họp mặt thường có món ngon vật lạ do mọi người mang về để cả nhà biết đặc sản ở xứ người. Người thì đem chai rượu ngoại, đứa thì mớ khô cá đồng, đứa bày ra hải sản… Người già như tôi quen thói đạm bạc lại phải kiêng cữ nhiều thứ theo lời khuyên của bác sĩ nên không hứng thú gì mấy với các thực phẩm quý giá đó. Gọi là quý giá vì ngoài ngon, lạ, nó còn mang tấm lòng thơm thảo của những người xa quê đem về để ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì… những người ít có dịp đi xa thưởng thức.

Thú rừng bị thợ săn đặt bẫy
Thú rừng bị thợ săn đặt bẫy

Gắp mỗi món một đũa cho tụi nó vui rồi tôi cũng lấy thịt kho dưa giá là “nòng cốt” để no bụng. Riêng các dĩa thú rừng tôi không đụng đến. Đứa cháu mang món đó về cố nài ép tôi dùng thử, nó bảo đảm mềm, thơm. Tôi dùng đũa ngăn lại, chỉ cười xòa không nói gì. Ngày xưa còn trẻ tôi cũng hay ăn thịt rừng. Nói cho cùng vì tò mò ham của lạ chứ thật ra thịt rừng cũng chẳng quá đặc biệt so với thịt cá thông thường. Món nào cũng dai dai, đậm mùi ngũ vị hương để át đi mùi hôi đặc trưng của động vật hoang dã.

Ngày vui tụ họp, các con, các cháu trong đại gia đình đi làm ăn xa quê tề tựu về nhà mừng vui gặp gỡ. Không muốn làm mấy đứa nhỏ cụt hứng nên lúc tiễn tụi nó đi tôi mới căn dặn đừng mang thịt rừng về nhà nữa. Mà tôi cũng khuyên tụi nó đừng nên ăn thịt rừng. Ông bà tổ tiên chúng ta từng  hàng vạn năm về trước đã thuần giống động vật hoang dã để có bò, heo, gà vịt thì hà cớ gì mình lại tìm ăn những con thú ngoài rừng để ăn. 

Ngày nay khoa học đã chứng minh mọi sinh vật từ nhỏ nhoi như vi khuẩn cho đến to lớn như voi rừng, cá nhà táng… đều mang lại cân bằng sinh thái. Mọi sự can thiệp thô bạo của loài người có thể dẫn đến tuyệt chủng loài này loài khác hay chí ít cũng làm mất đi sự cân bằng. Điều đó dẫn đến thảm họa thiên nhiên, xảy ra ngày càng nhiều. Trước mắt, dễ thấy nhất, gần gũi nhất là thịt rừng mất vệ sinh. Người đi săn vì muốn tránh nhân viên kiểm lâm thường phải tẩm ướp chất bảo quản để cất giấu, vận chuyển, khi đến bàn ăn đã kéo dài biết bao ngày. Hơn thế nữa thú sống hoang dã đâu có trải qua khâu kiểm dịch động vật, vì thế biết đâu những con thú đó mang mầm bệnh, mang ký sinh trùng gây hại cho vật nuôi và lây bệnh cho chính con người. 

Trong khi chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền mạnh tay hơn với việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã, chính chúng ta cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho mình. Nói không với thịt rừng là hành động của người văn minh, người biết quý trọng môi trường sống của chính mình.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    03-04-2024 18:46

    Việc chuyển đổi số chưa hiệu quả khi người ta không biết (hoặc cố tình không muốn) vận dụng công nghệ vào công cuộc cải cách hành chính.

  • Tự hào dân tộc

    Tự hào dân tộc

    31-03-2024 07:26

    Chỉ khi lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người, mấy tiếng "tự hào dân tộc" mới trỗi dậy, nhắc tôi thêm mạnh mẽ, vững vàng mà không thấy mặc cảm, tự ti.