Nỗi buồn 'cướp lượt'

22/05/2015 - 07:36

PNO - PN - Trong những trò chơi của trẻ nhỏ, nếu nôn nóng nhào ra chơi trước khi tới lượt, trẻ sẽ bị truất quyền chơi và phải chờ vòng tiếp theo. Một đứa bé chơi nghiêm túc sẽ không bị mất lượt, thế nhưng một người lớn nghiêm túc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị bạn tôi hay tự nhận mình là người “xui xẻo xếp hàng”. Chị phàn nàn những chuyện tiêu biểu như chờ mua bánh mì. Đứng sau lưng bốn - năm vị khách mất 15 phút, tới khi vui vẻ đối diện chủ xe bánh, chị lại bị một thanh niên với tay qua mặt, đưa tiền cho người bán để được mua trước.

Một phụ nữ tấp xe hàng vào giữa dòng người đứng chờ tính tiền, khiến một bé gái chừng 10 tuổi phản đối: “Cô phải đứng sau mẹ con chứ!”. Thấy chị này vẫn tỉnh bơ, những vị khách khác đồng loạt đề nghị “quay lại cuối hàng”. Có người thẳng thừng: “Làm thế, sao dạy được con cái”.

Tôi thông cảm với người bạn “xui xẻo xếp hàng”, vì nhiều lần đang rửa tay ở nhà hàng, quán ăn, tôi từng bị người khác tới chen vai, xỉa tay vào vòi nước để rửa “trên cơ”. Bỗng nhiên thành kẻ hứng nước bẩn từ tay người lạ, tôi đành rút đôi tay đầy xà bông, đi kiếm bồn rửa khác.

Gặp chuyện như vậy, tôi hay lặng lẽ lùi ra, không phản ứng. Vì tôi biết, với những người quen hành xử không chú ý tới xung quanh, đó là những chuyện nhỏ nhặt. Thậm chí họ chẳng nhận ra đã gây bực dọc cho người khác.

Nhưng với đám đông, những hành vi thiếu ý thức hoàn toàn có thể làm bùng nổ một cơn giận dữ. Ai từng đứng chờ ở nhà vệ sinh công cộng sẽ rất thấm thía “nỗi buồn cướp lượt”.

Tại các cảng hàng không, không lạ gì cảnh này: Khi mọi người, kể cả những bé gái tuổi mẫu giáo đang nén nhịn tiểu chờ tới lượt, có cô gái trẻ từ đâu phi thẳng tới đứng choán cánh cửa buồng toilet. Bất chấp dòng người lố nhố phía sau, cô ta áp sát chiếc tay nắm cửa, chờ người phía trong mở ra là lao vào.

Mới đây, một chủ tài khoản facebook đã đưa hình ảnh xấu xí của hai cô gái ăn mặc đẹp tại sân bay Nội Bài: Một cô sau khi “giải quyết nỗi buồn”, đã đứng giữ cửa toilet và í ới gọi bạn. Cô bạn từ cuối hàng chen lên, đủng đỉnh bước qua dòng người đang đợi rồi sử dụng toilet một cách hồn nhiên, không đếm xỉa tới những cái lắc đầu, những ánh mắt cáu giận. Chủ trang facebook đã bỏ vị trí xếp hàng để đi theo chụp hình, giăng lên facebook “cho bõ ghét”.

Noi buon 'cuop luot'

Noi buon 'cuop luot'

Hai cô gái ''cướp lượt'' trong nhà vệ sinh bị chụp ảnh đưa lên facebook

Tại siêu thị, tôi từng chứng kiến một phụ nữ tấp xe hàng vào giữa dòng người đứng chờ tính tiền, khiến một bé gái chừng 10 tuổi phản đối: “Cô phải đứng sau mẹ con chứ!”. Thấy chị này vẫn tỉnh bơ, những vị khách khác đồng loạt đề nghị “quay lại cuối hàng”. Có người thẳng thừng: “Làm thế, sao dạy được con cái”.

Một người liên tục có hành vi thiếu ý thức trong nhiều hoàn cảnh, rõ ràng văn hóa của người đó có lỗ hổng. Điều đáng ngại, những hành động xấu xí của người lớn thường vô tư diễn ra trước mắt trẻ thơ. Những cái đầu như trang giấy trắng khi tiếp nhận những điều bất thường với tần suất dày tới mức như chuyện thường ngày, chúng sẽ phân tích, sắp xếp phải trái, đúng sai thế nào?

Tôi cho rằng, những suy nghĩ “không chen thiệt thân” ngày một nảy nở trong xã hội một phần do lợi ích mà “người chen ngang” nhận được. Có lần tôi phải tới phường vào buổi tối, do anh cảnh sát khu vực hẹn làm việc lúc 18g (ban ngày anh đi học). Ngồi bên những cụ già bị mắc mưa ướt, tôi kiên nhẫn chờ. Tới khoảng 19g, anh công an về trụ sở. Thay vì hỏi xem ai tới trước để giải quyết việc theo tuần tự, anh này thản nhiên vẫy một chị chủ nhà trọ.

Chị này vừa mới tới, không phải đợi phút nào. Họ quen nhau nên vừa làm việc vừa chuyện trò rề rà. Không kìm được, tôi bèn tìm gõ cửa phòng trực của phó công an phường và kiến nghị. Tới khi đó, anh công an mới được nhắc nhở là còn nhiều người chờ bên ngoài. Lời nhắc “cho có” của ông phó công an phường không xoa dịu được chúng tôi, chỉ làm gia tăng nỗi bất bình và ác cảm về sự “ưu tiên người quen” ở nơi công quyền.

Trên một số diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, chúng ta có văn hóa xếp hàng đó chứ. Thực tế có nhiều dòng người đội nắng, trật tự chờ tới lượt mua đồ giảm giá tại siêu thị điện máy, mua vé tại nhà ga, chờ đóng cước tại cửa hàng điện thoại... Xin thưa, những nơi đó luôn có bảo vệ, có phiếu ghi số thứ tự, và phải đúng thứ tự mới được cung cấp dịch vụ, không chấp nhận những kẻ “đi tắt đón đầu”. Cần tới sự giám sát, nhắc nhở, thì đâu phải ý thức. Ý thức là khi đường không một bóng người, chúng ta vẫn tự giác dừng trước đèn đỏ; là khi chúng ta nhẫn nại xếp sau những bà mẹ đang bế đứa con bệnh trên tay, chứ không “bay” vào phòng khám vì quen bác sĩ...

Nếu cả xã hội đồng lòng lên tiếng phản đối sự chen ngang, cướp lượt, chắc chắn nhiều người sẽ phải tuân thủ nguyên tắc: tới trước nhận trước, tới sau nhận sau, sẽ không có chuyện hồ sơ xếp sau được duyệt trước, người tới sau hưởng dịch vụ trước. Tất nhiên, những người có ý thức, có văn hóa thường không ngại nhường lượt của mình cho những trường hợp khẩn cấp hay người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh... Tôi cũng tin những người đọc bài viết này từng nhường lượt cho người khác mà lòng vui như nở hoa vậy!

LÊ KHÁNH HỒNG (P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) 

Sau khi báo Phụ Nữ đăng bài “Người trẻ xấu xí” (ngày 17/4) đề cập đến hành vi xấu của những phi công, tiếp viên hàng không, người mẫu thời trang lợi dụng công việc của mình để buôn lậu, bán dâm…, nhiều bạn đọc đã lên tiếng tán thành góc nhìn của tác giả.

Tiếp nối câu chuyện, nhiều bạn đọc phản ánh đến báo về hành vi không mấy đẹp đẽ của người Việt thông qua những hình ảnh cụ thể. Kể từ hôm nay, báo Phụ Nữ mở diễn đàn “Người Việt xấu xí?”. Mời bạn đọc gửi ý kiến, bài viết về địa chỉ email bandocphunu@gmail.com hoặc ban Chính trị-xã hội báo Phụ Nữ, 311 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI