Nobel Hòa bình và những thách thức đối với nhân loại

13/10/2014 - 15:55

PNO - PN - Sự tôn vinh của giải Nobel Hòa bình năm nay đã đặt ra những thách thức mới không chỉ cho Malala và ông Kailash, mà còn cho cả nhân loại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nobel Hoa binh va nhung thach thuc doi voi nhan loai

Malala Yousafzai

Malala Yousafzai, nhà hoạt động giáo dục 17 tuổi vừa nhận được giải Nobel Hòa bình. Mọi người đều công nhận cô gái trẻ này hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng cao quý này. Malala đã đấu tranh đòi quyền được đến trường cho các bé gái từ năm mới 11 tuổi. Khi còn sống tại một ngôi làng ở thung lũng Swat ở Pakistan, cô đã viết blog về tầm quan trọng của việc các bé gái phải có quyền đi học.

Hoạt động can đảm của Malala khiến cô bị phiến quân Taliban bắn vào đầu năm 2012, khi cô mới 15 tuổi. Sự sống sót của Malala khiến những kẻ định ám sát cô kinh ngạc và cô trở thành hình mẫu cho cả thế giới về lòng quả cảm và tinh thần đấu tranh không mệt mỏi. Malala được Liên Hiệp Quốc ghi nhận công lao và tổ chức này đã lấy ngày sinh của cô - ngày 12/7 - làm Ngày Malala, một ngày hoạt động toàn cầu đòi quyền hưởng giáo dục cho trẻ em.

Malala trượt giải Nobel Hòa bình năm 2013, điều này khiến cho những người ngưỡng mộ cô vô cùng thất vọng. Bù lại, năm nay họ hết sức vui mừng vì cuối cùng công sức của cô đã được ghi nhận.

Mặc dù còn nhỏ tuổi, Malala đã có tố chất của nhà hoạt động can trường. Cô từng nói: “Tôi tin rằng một cây súng không có sức mạnh gì cả vì nó chỉ có thể giết người, nhưng một cây bút lại mang đến nhiều điều cho cuộc sống. Một cây bút có thể cứu sống nhiều cuộc đời”. Malala đã có bài phát biểu đầy sức mạnh tại giải “Phụ Nữ của năm 2013” của tạp chí Glamour. Ca sĩ Lady Gaga, người được chụp ảnh bìa của tạp chí tháng đó, cùng những khán giả tại buổi lễ đã vô cùng xúc động. Ca sĩ nổi tiếng này cho biết sau buổi lễ: “Nếu tôi có thể thay hình của tôi trên tạp chí, tôi sẽ dành phần đó cho Malala”.

Tại buổi lễ ra mắt cuốn hồi ký Tôi là Malala (I am Malala) năm ngoái, cô tâm sự rằng cô muốn trở thành một chính trị gia “để giúp trẻ em ở Pakistan đến trường, để giúp mọi trẻ em trên toàn thế giới, giúp 57 triệu trẻ em không thể đến trường”.

Malala đã có bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc vào sinh nhật 16 tuổi của cô năm 2013. Trong đó, cô chia sẻ tầm quan trọng của quyền phụ nữ: “Trước kia, các nhà hoạt động nữ quyền đã kêu gọi nam giới đứng lên vì quyền lợi của họ, nhưng đây là thời điểm để chúng ta tự làm điều đó. Tôi không có ý nói đàn ông không dính líu gì đến việc kêu gọi nữ quyền, tôi chú tâm đến sự độc lập của phụ nữ trong việc tìm kiếm quyền lợi cho chính mình”.

Malala nhận được tin về giải thưởng Nobel khi đang học môn hóa tại một trường trung học ở Birmingham, Anh. Cô nói, cô rất tự hào được là người Pakistan đầu tiên, cũng như là người phụ nữ trẻ nhất giành được giải này. Cô đã gửi lời cảm ơn đến người cha đã nâng cánh ước mơ đến trường của cô, để cô nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục cho trẻ em.

Con đường đến với giải thưởng vinh dự của Malala đầy gập ghềnh, và phía trước còn vô vàn những thử thách cho cả cô và ông Kailash Satyarthi, nhà hoạt động giải phóng lao động trẻ em của Ấn Độ, người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay. Hoạt động dũng cảm và không mệt mỏi của Malala và ông Kailash được những nhà hoạt động nữ quyền và quyền trẻ em hết sức thán phục, cho rằng giải thưởng là một thông điệp chính trị đối với tình hình hiện nay, khi nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang ngày càng lộng hành ở Trung Đông. Hàng ngàn gia đình và vô số trẻ em bị buộc phải rời nhà để tìm nơi trú ẩn trong các trại tị nạn trên biên giới. Các em phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt và việc đến trường của các em phải đối diện với vô vàn khó khăn.

Meenakshi Ganguly, đại diện cho tổ chức Quan sát nhân quyền tại Đông Á nói: “Giải thưởng được trao cho một người Ấn Độ và Pakistan trong thời điểm trẻ em cả hai nước đang phải chạy trốn những trận pháo kích tại vùng biên giới. Vì thế, giải thưởng nói lên quyền lợi của những đứa trẻ kém may mắn này”. Sự tôn vinh của giải Nobel năm nay đặt ra những thử thách mới không chỉ cho Malala và ông Kailash, mà còn cho cả nhân loại.

Trong khi thầy cô và bạn bè tại ngôi trường cũ của Malala ở Pakistan chia vui với vinh dự của cô, Malala vẫn chưa thể trở về quê nhà vì chính quyền sợ rằng sẽ có một cuộc ám sát khác xảy ra. Cuốn sách Tôi là Malala vẫn bị cấm xuất bản tại một số nơi ở Pakistan vì bị cho là xúc phạm đến Hồi giáo.

PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph, Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI