Nở rộ khám chữa bệnh tại nhà, từ xa trong mùa dịch

21/03/2020 - 06:56

PNO - Nỗi lo sợ về dịch COVID-19 khiến người dân, nhất là người cao tuổi không dám ra đường, vào bệnh viện, vì sợ vô tình bị lây nhiễm. Vậy là mô hình khám chữa bệnh vốn ngắc ngoải trước đây, giờ phát triển mạnh: khám chữa bệnh tại nhà, chữa bệnh online…

Từ khám tại nhà đến khám online

Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức (TP.HCM), nơi có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, thông tin: trong mùa dịch này, rất nhiều bệnh nhân gọi điện đến BV đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà. Còn theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà của bệnh nhân hiện gia tăng tại cơ sở y tế này. 

Trang “khamtuxa” hướng dẫn ba bước để được khám bệnh online
Trang “khamtuxa” hướng dẫn ba bước để được khám bệnh online

Cung - cầu đang gặp nhau và dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà trăm hoa đua nở. Nhiều cơ sở y tế tư nhân và những nhóm cá nhân đang đẩy mạnh “xâm nhập” thị phần vốn màu mỡ trong mùa dịch này. Một trong những cơ sở quảng bá nhiều trên mạng xã hội là “Dịch vụ bác sĩ khám bệnh tại nhà” của Công ty T.A., có mạng lưới khắp từ Nam chí Bắc với các dịch vụ: khám bệnh tại nhà, lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà, khâu vết thương tại nhà… Giá khám bệnh 250.000 đồng/lần ở nội thành và 500.000 đồng ở ngoại thành. Rửa vết thương nhẹ, nhỏ 100.000 đồng/lần, vết thương lớn 150.000-200.000 đồng/lần. Còn hầu hết phí khám bệnh tại nhà của các đơn vị khác từ 500.000 đồng trở lên. 

Lúc 10g15 ngày 16/3, chúng tôi gọi điện thoại đến dịch vụ trên mạng “Top 10 dịch vụ bác sĩ gia đình tốt nhất” thì được một nhân viên nam bắt máy. Khi chúng tôi báo tình trạng “người thân bị đau bụng, tiêu chảy” thì bên kia chỉ hỏi địa chỉ và báo giá “công khám 500.000 đồng/lần, chưa kể thuốc và truyền dịch”.

Trong khi đó, chúng tôi gọi điện thoại đến BV Q.2 cũng với yêu cầu như trên, thì cô nhân viên tiếp nhận hỏi kỹ “bệnh nhân bao nhiêu tuổi, đi ngoài bao nhiêu lần, có ói không, trước đây sức khỏe như thế nào…” và báo phí 200.000 đồng, gồm một bác sĩ và một điều dưỡng. Cô còn giải thích: “BV không thu phí dịch vụ, mà là phí hỗ trợ để duy trì hoạt động này và bệnh nhân lớn tuổi được hưởng bảo hiểm y tế như khi đến BV”.

Khi chúng tôi gọi điện thoại đến dịch vụ khám bệnh của BV tư nhân V.H., ở Q.10 lúc 9g35 ngày 16/3, cô nhân viên tiếp nhận báo giá khám 2 triệu đồng/lần, chưa tính phát sinh và tiền xe là 1 triệu đồng. Tổng cộng cho một lần bác sĩ ở BV này đến nhà bệnh nhân khám là 3 triệu đồng. Trong khi với cùng chứng bệnh, khoảng cách địa lý như trên thì nhân viên tiếp nhận của BV Q.Thủ Đức báo phí khám là 390.000 đồng + 50.000 đồng phí xe, gồm một bác sĩ và một điều dưỡng.

Bên cạnh đó, dịch vụ khám bệnh online, từ xa cũng nở rộ. Trang “khamtuxa” quảng bá đây là nơi được chọn bác sĩ, được mở bệnh án điện tử và hiện có hơn 70 bác sĩ thuộc 39 chuyên khoa từ các BV và phòng khám lớn trên cả nước tham gia tư vấn.

Trang này giới thiệu: “Dựa trên hình ảnh, video clip và thông tin mà bạn cung cấp, BS sẽ đưa ra chẩn đoán, dặn dò và toa thuốc. Trong một số trường hợp, BS sẽ yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm hoặc đến BV nếu có dấu hiệu nguy hiểm”. Và hướng dẫn ba bước khám từ xa: “1. Chọn bác sĩ và thanh toán; 2. Tải hình ảnh/video clip và gọi bác sĩ; 3. Nhận dặn dò và toa thuốc”.  Thế nhưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết: Luật Khám chữa bệnh vẫn chưa cho phép mô hình khám chữa bệnh trực tuyến, online. 

Cần giám sát chặt chẽ

Mô hình khám chữa bệnh tại nhà đã được nhiều cơ sở y tế triển khai từ lâu. Như tại BV Q.2, khám bệnh tại nhà đã có từ năm 2018, đến nay đã thực hiện hơn 1.000 ca và được bệnh nhân hài lòng.

Phó giáo sư - Tiến sĩ - BS Cao Văn Thịnh, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách Đơn vị Khám bệnh tại nhà BV Q.2, cho biết: “Khám bệnh tại nhà hầu hết là các bệnh mạn tính, chứ không phải ở nhóm bệnh cần cấp cứu. Tôi đã nhiều lần đến nhà khám cho bệnh nhân và nhận thấy hiệu quả rất tốt. Vì mình có thời gian hỏi thăm bệnh sử, quan sát nơi ăn, chốn ở, cách sinh hoạt của bệnh nhân; tư vấn cho bệnh nhân, người nhà cách chăm bệnh, nâng cao thể trạng và cả giải tỏa tâm lý lo sợ bệnh tật của bệnh nhân”.

BS Thịnh dẫn chứng, có bệnh nhân bị tai biến mạch máu não lở loét ở mông cứ tái đi tái lại, khi BS đến nhà khám và chỉ cần hướng dẫn cách kê gối thì sau đó tình trạng lở loét chấm dứt. 

Khám chữa bệnh tại nhà hiện đang là nhu cầu rất lớn của người dân và phía cung cấp dịch vụ cũng có rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí khám bệnh chưa hẳn đi cùng chất lượng dịch vụ. Vì vậy, mô hình này rất cần sự giám sát và quản lý chặt chẽ của ngành y tế.

Bởi theo BS Cao Văn Thịnh, mô hình này không chỉ có ý nghĩa trong mùa dịch, mà bình thường cũng rất cần thiết, vì có nhiều người cao tuổi mắc bệnh mạn tính hay người mắc nhóm bệnh di chuyển khó khăn như di chứng của đột quỵ bị liệt, người bị tim mạch, người bị đái tháo đường phải đoạn chi… Đối tượng này lại thêm sức đề kháng yếu, dễ lây nhiễm chéo ở BV nên khám bệnh tại nhà vừa nhân văn, vừa hiệu quả. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI