Những nữ sinh kiên cường vượt qua khuyết tật

08/03/2022 - 06:29

PNO - Cơ thể không trọn vẹn, phải sống những tháng ngày tuổi thơ nhiều khó khăn, tủi phận, song những nữ sinh khuyết tật ấy vẫn ngày ngày vun đắp thêm sức sống cho mình và cho đời.

Ước mơ cho người khác

Mười mấy ngày tuổi, khi còn đỏ hỏn trên tay mẹ, Danh Thị Bích Vân, sinh viên Khoa Văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TPHCM, đã bị khiếm thị do một sự cố ngoài ý muốn. Gia đình đã nhiều lần tìm cách chạy chữa, cô bé chưa kịp thu cảnh vật thế giới này vào đôi mắt thì ánh sáng của Vân đã khép lại. Nhưng đôi khi, cô lại thấy may mắn vì chưa từng ôm ấp hy vọng, để rồi chẳng có thất vọng nào được phép xảy ra.

Danh Thị Bích Vân (bên phải)
Danh Thị Bích Vân (bên phải)

5 tuổi, Bích Vân rời quê nhà Kiên Giang lên TPHCM học tập tại một mái ấm dành cho người khiếm thị, bắt đầu chuỗi ngày tự lập của mình. 7 tuổi, cô bé đã có thể tự tắm gội, giặt giũ… và đặc biệt là biết chữ nổi - loại chữ dành riêng cho người khiếm thị. Tốt nghiệp THPT, cô chọn Khoa Văn học của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn làm nơi nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo.

Cuộc đời lấy đi của Vân đôi mắt nhưng lại trao cho cô một trái tim kiên cường: “Tôi chưa từng rơi nước mắt vì chuyện mình không nhìn thấy, cũng không thấy mặc cảm hay bất hạnh quá nhiều”. Suốt những năm đại học, gia đình hầu như không phải lo lắng về vấn đề kinh tế dành cho Vân. Bởi lẽ, thành tích học tập ổn định cùng sự năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động thiện nguyện đã mang đến cho nữ sinh nhiều nguồn học bổng khác nhau. 

Đợt dịch thứ tư bùng phát, việc học chuyển sang hình thức online có lẽ chính là thử thách lớn nhất mà Vân phải trải qua. Không quen với công nghệ, không theo kịp bạn bè, không biết cách tương tác… mọi thứ đã khiến cô bị áp lực. Thậm chí, nữ sinh đã nghĩ đến việc hoãn lại việc học để chờ đến lúc được học trực tiếp. May thay, với tinh thần ham học hỏi, Vân đã kết nối được với nhiều thầy cô, các bạn khiếm thị từng gặp phải vấn đề này, cũng như hỏi thêm bạn bè trong lớp rồi dần thích nghi.

Sự ủng hộ của gia đình và giúp đỡ từ mọi người dường như đã trở thành động lực để Bích Vân vượt qua mọi trở ngại. Để rồi khi nghĩ về tương lai, cô nhẹ giọng: “Mình biết rằng ước mơ này lớn và cần nhiều thời gian, nhưng mình mong rằng bản thân sẽ có thể hỗ trợ xây dựng một ngôi trường khiếm thị tại quê nhà. Đây sẽ là nơi dạy chữ, dạy kỹ năng hòa nhập và giúp đỡ các em cả khi đã ra trường”. Ước mơ vốn luôn lớn, nhưng ước mơ dành cho người khác sẽ càng lớn hơn, và đó chính là cách cô nữ sinh khiếm thị muốn làm để cảm ơn cuộc đời. 

Biết ơn vì khiếm khuyết

Mồ côi từ thuở lọt lòng, lại mang trên mình đôi chân teo nhỏ phải đi lại bằng đầu gối, Phạm Thị Thu Thủy hiện đang cố gắng hoàn thành chương trình đại học tại Khoa Giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TPHCM.

Phạm Thị Thu Thủy
Nữ sinh Phạm Thị Thu Thủy

Những năm tháng tiểu học, Thủy học cùng trẻ em bình thường. Vì không nhận thức được bản thân là người khuyết tật nên mỗi khi bị bạn bè xa lánh, chọc ghẹo, cô lại thu mình vào một góc tủi thân. Mãi cho đến khi học cấp II cô mới được chuyển đến trường dành cho người khuyết tật, từ đó hiểu rõ khiếm khuyết của mình. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Thủy lúc này lại nhẹ nhõm hơn bao giờ hết: “Khi còn bé, mình hay trách ba mẹ sao lại bỏ rơi mình, sao lại sinh ra mình với hình hài không trọn vẹn. Nhưng từ khi có nhận thức, mình lại thấy biết ơn vì thân thể này, nó khiến mình đặc biệt hơn, có nhiều động lực để tiến về phía trước hơn”. Có lẽ, từ sâu bên trong Thủy vẫn luôn là một nguồn năng lượng tích cực.

Những năm tháng rèn giũa trong môi trường người khuyết tật đã hình thành trong Thủy ước mơ trở thành sinh viên ngành giáo dục đặc biệt. Với cô, đại học chính là một cánh cửa mà khi cô rời khỏi vùng an toàn để bước vào, cô đã từng chênh vênh, lạc lõng về mọi thứ. Tự nhủ rằng ai mà chẳng gặp thử thách, quan trọng là cách mình nhìn nhận và vượt qua vấn đề, Thủy đã từng bước hòa nhập vào môi trường mới.

Vì bản thân là khiếm khuyết vận động trong khi nghề giáo viên phải đi lại rất nhiều, nữ sinh đã chọn học chuyên về ngôn ngữ ký hiệu. Bởi lẽ, ngành nghề này chỉ cần dùng tay để ra hiệu và cô cũng đã sớm giao tiếp được với người khiếm thính. Trên đôi chân không nguyên vẹn, Thủy vẫn ngày ngày học tập, tham gia câu lạc bộ, làm thêm bằng việc hỗ trợ trẻ tự kỷ tại các trung tâm, tự cân bằng cuộc sống của mình.

“Mỗi lần vấp ngã, mình lại nghĩ đến ba mẹ, dù mình không biết họ là ai, họ cũng có thể đã quên mình, nhưng mình nghĩ rằng mình không nên làm họ thất vọng. Mình vẫn luôn mơ gặp ba mẹ một lần, chỉ để biết chứ không mong cầu sẽ được chăm sóc, dù sâu thẳm bên trong mình rất muốn điều này”, cô nàng lạc quan.

Nhận thấy rằng những người khuyết tật xung quanh không phải ai cũng có thể tự tin trong cuộc sống, Thu Thủy vẫn đang cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày để truyền nguồn năng lượng tích cực của mình. 

“Tôi làm được”

Khuyết tật đến 61% nhưng Lê Trần Kim Thảo vẫn là một sinh viên ưu tú của Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Quảng Nam.

Ngay từ khi mới chào đời, Kim Thảo đã mắc bệnh bại não dẫn đến nhiều di chứng như cong vẹo cột sống, khó khăn trong vận động và giao tiếp… Nhưng vì hoàn cảnh túng thiếu nên chỉ vài tháng sau sinh, ba mẹ đã gửi cô lại cho ông bà ngoại rồi vào TPHCM làm công nhân. Tưởng chừng bất hạnh chỉ dừng lại ở đó thì năm Thảo học lớp 6, ba mẹ cô ly hôn, mẹ lập gia đình sau đó không lâu.

Lê Trần Kim Thảo vẫn là một sinh viên ưu tú của Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Quảng Nam
Lê Trần Kim Thảo là sinh viên ưu tú của Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Quảng Nam

“Thời điểm đó mình thật sự muốn từ bỏ tất cả, mình không hiểu tại sao ông trời bất công với mình đến vậy. Nhưng rồi nghĩ đến ông bà ngoại - những người đã luôn cố gắng bù đắp cho sự bất hạnh của mình, mình cũng dần chấp nhận mọi thứ”, Kim Thảo kể.

Thương cháu gái chậm chạp, yếu ớt, năm Thảo chuẩn bị vào THPT, ông ngoại định đăng ký cho cô vào trường của người khuyết tật. Đứng trước yêu cầu này, cô đã khóc rất nhiều, cô muốn học với những người bình thường, muốn chứng minh rằng bản thân làm được tất cả. Và rồi trước sự ngỡ ngàng của mọi người, Thảo đã thi đậu vào lớp chọn của Trường THPT Cao Bá Quát. Ba năm sau, cô lại đỗ vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Quảng Nam.

“Mình chọn học ở đây vì có thể về nhà mỗi ngày, tiết kiệm phần nào chi phí cho ông bà. Đồng thời, ngành học này cũng không đòi hỏi về ngoại hình, chỉ cần có đủ kiến thức là được”, Thảo bộc bạch. Từ một người không biết gì về công nghệ, Thảo lao vào học tập, tham gia các chương trình nghiên cứu để nâng cao kiến thức. Đồng thời, nữ sinh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện với hy vọng cải thiện được kỹ năng giao tiếp, xóa bỏ sự nhút nhát, tự ti khi thấy mình vẫn còn có ích cho cộng đồng.

Cho đi là nhận lại, với những nỗ lực ấy, Kim Thảo đã liên tục mang về những danh hiệu mà người bình thường vốn đã khó có được: một trong 20 gương mặt trẻ đạt thành tích xuất sắc trong học tập được Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2021 tôn vinh, Top 20 nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn quốc năm 2021 và gần đây nhất là giải thưởng Tỏa sáng nghị lực Việt 2021.

Ngoài cảm giác tự hào, Kim Thảo còn coi đây như một trách nhiệm lớn lao để bản thân tiếp tục cống hiến hết mình cho cộng đồng, xã hội.

Hoa hồng vẫn sẽ là hoa hồng dù có mất đi đôi ba cánh, rơi rụng vài chiếc gai. Vậy nên, dù có thế nào, những cô gái kiên cường vẫn chọn sống một cuộc đời trọn vẹn. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI