Những ngày giãn cách: Mẹ luôn ở đó

13/06/2021 - 07:16

PNO - Có lẽ cảm giác “mẹ luôn ở đó” là điều to lớn nhất và an ủi nhất mà mỗi đứa trẻ có được.

Sài Gòn những ngày giãn cách, các cuộc điện thoại đường dài lại nhiều hơn: nào tìm nhà xe vận chuyển, nào hỏi kỹ việc giao nhận tại nhà, nào đóng gói rồi ghi thông tin… Mặc những đứa con ra sức bảo nơi này không thiếu gì cả, bọn con vẫn mua được thức ăn như mọi khi, nhưng các bà mẹ “tiếp tế” nào đâu phải vì con thiếu…

Những ngày Sài Gòn giãn cách, trên fanpage các nhà xe chạy tuyến miền Trung - Sài Gòn vẫn cứ liên tục đăng tải thông tin: ngừng xe khách nhưng xe hàng vẫn chạy, nhận hỗ trợ chuyển hàng đến tận nhà. Là vì, không biết bao nhiêu câu hỏi cứ gửi đến, không đếm được số lượng những cuộc gọi đầy lo lắng với thắc mắc “có gửi đồ ăn vào cho chúng nó được không”…

Những thùng hàng “tập kết” ở một phòng vé tại thị xã Quảng Ngãi, chờ được chuyển đi Sài Gòn  vào ngày thứ hai Sài Gòn giãn cách
Những thùng hàng “tập kết” ở một phòng vé tại thị xã Quảng Ngãi, chờ được chuyển đi Sài Gòn vào ngày thứ hai Sài Gòn giãn cách

Khắp các chợ vùng quê, những bà mẹ thường ngày chỉ mua nhón nhén một chút thịt cá, giờ dặn dò các sạp hàng dành những ký thịt tươi, cân cá to, gom cả thực phẩm khô…

Ở các bãi xe cố định lẫn điểm đón dọc đường, những thùng hàng chất tràn cả lối đi. Trên ấy là tên, địa điểm và số điện thoại người nhận. Như đang có một cuộc “đại tập kết” của thực phẩm các miền về phía những đứa con. 

Giãn cách là khái niệm thật xa lạ với các bà mẹ quê, xa lạ một cách đầy lo lắng, cứ như thể chúng đồng nghĩa với cái đói, với việc những đứa con tha hương thị thành giờ sẽ nhìn nhau rồi hỏi bữa nay còn gì để ăn. Bọn chúng càng ra sức cản, bảo ở đây không thiếu gì cả, mẹ càng xót.

Mấy bận cạn tiền, có lần nào chúng không bảo là bọn con ổn lắm? Năm ngoái, tết không về, chúng kêu công ty có đơn hàng gấp phải giao ngay cho đối tác, chứ đời nào chúng nói thật với mẹ là năm nay dịch giã, con không dư được đồng nào mua vé…

Thế nhưng là mẹ, làm sao mà không biết.

Ở quê nhà, có nghèo đến mấy cũng không thiếu ăn, bởi rau trong vườn, mắm trong lu, gạo thì sau mỗi mùa gặt đều trữ đủ để dùng dần trong năm. Sài Gòn khác. Mỗi cọng hành lá cũng là tiền, nắm tép rong bé xíu trong lòng bàn tay đắt tựa ảng gạo. Giãn cách, chúng lại không đi làm, tiền đâu trả tiền nhà và điện nước, nói gì một bữa ăn ngon?

Cô bạn tôi, người có một căn nhà to ở Gò Vấp, nhận thùng hàng không thiếu thứ gì, bảo: “Bọn mình trong này có thiếu thứ gì đâu chứ. Hình dung cảnh mẹ chạy mua đồ tiếp tế, tự dưng muốn khóc…”. Cơ hồ, những đứa trẻ ngày nào vẫn bé nhỏ, vẫn cần mẹ lo bữa ăn và giấc ngủ.

Thời buổi cả thế giới nằm trong một chiếc smartphone, bạn mua hàng online đều đặn, thậm chí bữa ăn gia đình bạn còn đủ đầy hơn vì giờ bạn có thời gian chăm chút hơn. Để mẹ đừng lo, mỗi lần dọn bữa, bạn đều chụp ảnh gửi về, bảo đứa cháu ở quê mở cho bà xem.

Song, những thùng hàng vẫn được gửi vào, cùng với sự tất tả của bà mẹ quê đã trên 70 tuổi. Mẹ bạn bảo, cứ để mẹ làm, vì gửi đồ quê vào cho con là điều duy nhất mẹ có thể làm được trong lúc này, để mẹ có chút cảm giác mình chia sẻ được điều gì đó cho đứa con xa, trong bối cảnh không dễ chịu từ dịch bệnh.

Như cái ngày của 30 năm trước, hôm bạn đi thi chuyển cấp, mẹ đứng trước cổng trường chờ suốt mấy tiếng dưới trời nắng. Mẹ bạn bảo, mẹ không được học hành nên chẳng biết giúp gì cho con cả, đứng chờ con thi là điều duy nhất mẹ có thể làm…

Những thùng hàng vẫn trên đường vào Sài Gòn, mẹ nắn nót ghi lên đấy tên con mình, là ghi lên sự có mặt của mẹ bên cạnh con.

Ngày nào đó Sài Gòn hết giãn cách, con thở phào vì nhịp sống trở lại bình thường, thì mẹ cũng cứ thế, nỗi lo chưa thể vơi đi. Biết làm sao được, người ta luôn bất an trước những điều mình không thể chứng kiến, không dự phần, không kề cận, huống chi là không thể dự phần vào sự thay đổi cuộc sống mà những đứa trẻ của mẹ đang phải đối đầu.

Ngày nào những đứa trẻ của mẹ còn ở xa, mẹ còn bồn chồn, dù đứa trẻ ấy nay cũng đã là mẹ, đã vững vàng trước bất trắc của cuộc đời. 

Có lẽ cảm giác “mẹ luôn ở đó” là điều to lớn nhất và an ủi nhất mà mỗi đứa trẻ có được. 

Lương Hàn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI