Những ngã rẽ

30/08/2015 - 08:18

PNO - Đang là nhân viên công nghệ thông tin với mức lương sáu triệu đồng/tháng, tôi đã từ bỏ nghề theo thể thao và giờ đây, tôi lại rẽ thêm hướng khác...

Tôi là một cô gái khuyết tật sinh ra tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Sau trận sốt bại liệt hồi năm tháng tuổi, cánh tay trái của tôi teo tóp, không thể cầm, nắm gì được.

Năm 2005, tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu hệ cao đẳng ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Vào năm học cuối, tôi bắt đầu đi làm thêm cho một công ty bất động sản ở Q.Tân Phú với thu nhập một triệu đồng/tháng. Thấy tôi chăm chỉ, chịu khó học hỏi, giám đốc công ty dặn khi nào tốt nghiệp thì về làm chính thức; nhưng khi tôi cầm tấm bằng trên tay, cũng là lúc công ty... giải thể.

Ra trường một thời gian, tôi xin được chân nhân viên thiết kế đồ họa cho một công ty ở Q.11. Làm được một thời gian, công ty thay đổi địa điểm; do quá xa nên tôi xin nghỉ. Sau đó, tôi được một công ty ở Q.3 tuyển dụng.

Tôi mê bơi lội từ nhỏ. Quê tôi nhiều sông nước nên chuyện tập tành cũng dễ. Với một cánh tay, ban đầu tôi ôm can nhựa cho người nổi lên mặt nước để tập bơi, riết rồi quen dần và bơi được.

Tôi tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) TP.HCM. Thông qua bạn bè tại đây, tôi gặp được thầy Nguyễn Hoàng Anh là huấn luyện viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật TP.HCM. Thầy đã hướng dẫn tôi những bước đầu tiên trong đường đua chuyên nghiệp.

Tôi vừa đi làm vừa luyện tập cho giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2013 diễn ra tại Hà Nội.

Giải đấu năm 2013, tôi đoạt được hai huy chương vàng, một huy chương bạc và đạt chuẩn dự ASEAN Para Games 7 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, tổ chức ở Myanmar tháng 1/2014). Để chuẩn bị cho giải phải tập luyện nhiều hơn nên tôi xin phép công ty cho làm bán thời gian trong vòng hai tháng nhưng không được đồng ý.

Lúc này, thu nhập của tôi gần sáu triệu đồng/tháng. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi viết đơn xin thôi việc. Trước quyết định đó, nhiều người lo lắng: nghiệp vận động viên bơi lội khuyết tật liệu kéo dài được bao lâu mà lại từ bỏ một công việc tốt như thế?

Nhung nga re
Chị Huỳnh Thị Kim Hoàng và món lạp xưởng tươi Cần Đước.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ mình còn trẻ, nên theo đuổi đam mê để không phải hối hận, cứ đi thi về rồi tính tiếp. Tuy nhiên, sau giải tôi lại bắt đầu cho giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, không còn thời gian để tính nữa. ASEAN Para Games cứ hai năm tổ chức một lần; năm nào có giải này, cùng với giải trong nước, mỗi năm, tôi phải tập trung luyện tập và thi đấu trong sáu-bảy tháng.

Tôi không có lương vận động viên mà chỉ nhận được hỗ trợ khi tham gia các khóa tập huấn trước giải đấu, khoảng 4 - 10 triệu đồng/ khóa tùy trong nước hay khu vực. Sau những ngày miệt mài trên đường đua xanh, tôi nhận ra một sự thật là mình… thất nghiệp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI