Những làn gió mới “lăm le” thay đổi nhạc Việt

05/07/2020 - 15:57

PNO - Sự tiến lên của thế hệ Z và mô hình sáng tác theo nhóm đang góp phần tạo nên sự chuyển biến trong âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Sự tiến lên của thế hệ Z

Đầu năm nay, nữ ca sĩ Bellie Eillish nhận 5 giải Grammy (bao gồm 4 giải quan trọng nhất) khi mới 18 tuổi khiến làng nhạc thế giới xôn xao. Thành tích này như lời thông báo cho sự trỗi dậy và thay thế dần của thế hệ 2K với thị trường âm nhạc hiện tại. Điều này cũng đang diễn ra với làng nhạc Việt.                                   

Mới đây, nữ ca sĩ Amee giới thiệu album DreAMEE gồm 10 ca khúc, trong đó có những sáng tác từng được giới thiệu trước đó. Sau 12g mở bán, đã có 1.000 album được bán ra, với giá gần 300.000 đồng/ album. Sản phẩm cũng đạt nhiều lượt mua trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến có trả phí.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đánh giá đây là một album vật lý chất lượng. “Tôi và những nhạc sĩ lớn hơn từng nghĩ lớp trẻ cũng bình thường thôi, chỉ tới đó là cùng. Nhưng album của Amee khiến tôi nghĩ lại. Tôi dè chừng. Các bạn trẻ bây giờ "kinh khủng" quá” - anh nói.

Trước khi đánh dấu sự nghiệp bằng album vật lý đầu tay, Amee từng được vinh danh Nghệ sĩ mới của năm tại lễ trao giải Cống hiến 2020, với số phiếu đồng thuận tuyệt đối. Amee cũng trở thành ca sĩ trẻ tuổi nhất được vinh danh tại giải thưởng này trong 15 năm qua.

Amee (tên thật Trần Huyền My, sinh năm 2000) hiện là một trong những giọng ca đang tạo được sự chú ý trong làng nhạc Việt
Amee (tên thật Trần Huyền My, sinh năm 2000) hiện là một trong những giọng ca đang tạo được sự chú ý trong làng nhạc Việt

Điều đáng chú ý, Amee sinh năm 2000 và chỉ mới "trình diện" làng âm nhạc vào tháng 4/2019. Trong hơn 1 năm, nữ ca sĩ liên tục có nhiều ca khúc hit, khuấy động thị trường âm nhạc như: Ex’s hate me, Do for love, Anh nhà ở đâu thế, Đen đá không đường, Trời giấu trời mang đi, Sao anh chưa về nhà… Âm nhạc của Amee mang màu sắc riêng bởi sự trong trẻo, ngọt ngào dù hát về hạnh phúc hay sự đổ vỡ. Mỗi sản phẩm đều đạt hàng chục triệu lượt nghe, xem

Han Sara (sinh năm 2000) cũng là một trong những giọng ca đang được chú ý trong làng nhạc Việt. Nữ ca sĩ từng tham gia Giọng hát Việt 2017, sau đó tiến ra hoạt động chuyên nghiệp. Trong 3 năm qua, Han Sara có một số ca khúc nổi bật trên thị trường như Đếm cừu, Tớ thích cậu… Cô cũng gây chú ý khi hát cover nhiều ca khúc Việt bằng tiếng Hàn. 

Han Sara là ca sĩ mang hai dòng máu
Han Sara hiện đang được quản lý, đào tạo bởi Ông Cao Thắng và Đông Nhi

Nếu như đây là hai gương mặt được quản lý, đào tạo bài bản thì cũng có không ít cái tên thuộc thế hệ Z xuất hiện trên thị trường một cách ngẫu nhiên, nhưng nhanh chóng tạo được sự chú ý. 

Năm 2017, Tuý âm ra đời nhanh chóng trở thành hiện tượng trong làng nhạc Việt. Riêng trên YouTube, hiện ca khúc này đã đạt gần 140 triệu lượt nghe, một con số vô cùng ấn tượng. Thời điểm cho ra mắt ca khúc này, Xesi (tác giả, cũng là người thể hiện) vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Vô tình, Nơi em muốn tới là những nhạc phẩm của Xesi ra đời nối tiếp sau Tuý âm.

Kha (sinh năm 2002, quê An Giang) cũng là một trong những cái tên gây chú ý khi theo đuổi dòng nhạc R&B. Anh từng cho ra mắt Lời yêu ngây dại, Em có nghe và tiến thẳng lên top trending của YouTube, cạnh tranh với những ca sĩ kỳ cựu.

Kha đang là một nhân tố sáng trong dòng nhạc indie
Kha đang là một nhân tố sáng trong dòng nhạc indie

Obito với 2 ca khúc Simple love, When you look at me nhanh chóng được khán giả đón nhận với hàng chục triệu lượt nghe, xem trên YouTube, điều mà nhiều ca sĩ mong ước.

Sau sự kết hợp với Ngô Kiến Huy trong Truyền thái y hay Amee trong Do for love, Pháo (tên thật Diệu Huyền, sinh năm 2003) đã có màn chào sân với Hai phút hơn, thu về hơn 22 triệu lượt nghe, xem trên YouTube.

Đặc điểm của thế hệ này là cái tôi rất mạnh, màu sắc cá nhân rất đậm, đặc biệt với giới indie. Chẳng hạn, nhắc đến Amee, khán giả sẽ hình dung ngay đến sự trong trẻo, nhẹ nhàng của tuổi mới lớn; Xesi ma mị, sôi động; Obito trẻ trung, cá tính… Điều này không chỉ được tạo nên từ cá tính của nghệ sĩ mà còn phụ thuộc vào định hướng, chiến lược của công ty đào tạo, quản lý (nếu có).

Việc phát hành sản phẩm của họ cũng dễ dàng hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội… giúp đưa những cái tôi này đến với khán giả thuận lợi hơn. 

Làm nhạc theo nhóm: Xu thế mới của nhạc Việt

Thay cho cái tôi cá nhân, làm nhạc theo nhóm đang phát triển. Theo đó, người sáng tác sẽ viết lời và giai điệu cho ca khúc. Sau đó, sẽ có người đảm nhận vai trò hoà âm (chọn hợp âm phù hợp giai điệu), phối khí (chọn nhạc cụ). Tiếp theo, ê-kíp sẽ hoàn thiện cấu trúc bài nhạc và đưa cho ca sĩ thu âm. Công đoạn cuối cùng là hoàn thiện bản phối, đảm bảo cân bằng các yếu tố trong bài nhạc, khi đưa lên những nền tảng khác nhau, chất lượng không bị thay đổi đáng kể. Mỗi công đoạn có thể do một hoặc vài người đảm nhận và sẽ có trưởng nhóm để chốt lại.

Mô hình làm việc nhóm đã trở nên quen thuộc với nhiều nền âm nhạc trên thế giới, nhưng đây vẫn là điểm khá mới mẻ tại Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ, những phần mềm sản xuất nhạc cũng như việc đầu tư trang thiết bị dễ dàng giúp các ê-kíp phát triển mô hình này thuận lợi hơn.                                  

Khi công nghệ, cách thức tiếp nhận của khán giả thay đổi, sáng tạo ở phạm vi cá nhân có thể không đáp ứng được nhanh chóng, kịp thời. Sáng tạo cá nhân phụ thuộc nhiều vào cảm xúc nên khó thể cho ra số lượng sản phẩm dồi dào, liên tục nhưng vẫn đảm bảo phong độ. Những hạn chế này sẽ được cải thiện, khắc phục với mô hình làm việc nhóm. 

Làm việc nhóm dễ tạo ra sự đột phá với tần suất nhiều hơn do cộng hưởng được lợi thế từ nhiều người. Sản phẩm bước ra thị trường có khả năng thành công lớn hơn. Thành công liên tục của Bích Phương với ê-kíp gồm Tiên Cookie, Dương K, Phạm Thanh Hà trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.

Bích Phương (áo xanh) và một số thành viên trong ê-kíp tạo nên nhiều thành công của cô trong thời gian qua
Bích Phương (áo xanh) và một số thành viên trong ê-kíp tạo nên nhiều thành công của cô trong thời gian qua

Điều này tác động không nhỏ đến cán cân của nhà sản xuất (NSX) âm nhạc và ca sĩ. “Việc sáng tạo cá nhân vẫn sẽ tồn tại song song và phát triển tốt. Ngày trước, ca sĩ giữ vai trò trung tâm, chọn nhạc sĩ, đặt bài… Nhưng ngày nay, quyết định sẽ phụ thuộc vào NSX âm nhạc và nhóm làm việc.

Một nhóm làm việc sáng tạo sẽ xem ca sĩ như một mắt xích để góp phần truyền tải sản phẩm đến khán giả. Chính điều này giúp nhiều giọng ca mới có cơ hội được xuất hiện trên thị trường do được các nhóm lựa chọn” - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ.

Anh cho rằng mô hình làm việc nhóm sẽ là xu hướng tất yếu với nền âm nhạc Việt Nam hiện tại và tương lai, đặc biệt khi tư duy của người trẻ Việt thay đổi rất nhiều, được rèn luyện làm việc nhóm từ sớm. Làm nhạc theo nhóm cũng góp phần tạo nên một dây chuyền chuyên nghiệp, sản xuất sản phẩm chất lượng để cạnh tranh trong bối cảnh nhạc Việt có cơ hội vươn ra quốc tế.

Trong dịp ra mắt album Inner me vào cuối năm 2019, Vũ Cát Tường cho biết nếu như với các album trước đây, sáng tác được ca khúc nào sẽ hoàn thiện để sử dụng thì khi bước vào làm việc nhóm, sẽ phải tăng năng suất lên nhiều lần. Chẳng hạn, để có được 8 ca khúc trong album thì nữ ca sĩ phải sáng tác trên 20 bài, sau đó chọn lọc lại. 

“Thời gian đầu bắt tay vào sáng tác chung, tôi lo lắng, áp lực vì cái tôi của ai cũng cao” - Vũ Cát Tường chia sẻ. Đây cũng là điều khó thể tránh khỏi trong quá trình làm việc nhóm, dễ gây ra những tranh cãi, giận hờn… 

Vũ Cát Tường cho biết khi làm nhạc theo nhóm năng suất lao động phải tăng lên nhiều lần, cũng chịu một số áp lực về tâm lý
Vũ Cát Tường cho biết khi làm nhạc theo nhóm, năng suất lao động phải tăng lên nhiều lần

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: “Tư duy của người trẻ bây giờ thay đổi rất nhiều. Họ sẵn sàng đón nhận lời chê, phê bình và có thiện chí với mục tiêu cuối cùng là cho ra sản phẩm tốt. Làm việc nhóm không đòi hỏi mỗi cá nhân phải thực sự xuất sắc, mà chỉ cần giỏi trong lĩnh vực của mình. Vì thế, mâu thuẫn có xảy ra cũng chỉ là những vấn đề ở một số điểm giao nhất định. Điều đó giúp chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào mô hình này”.

Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là việc bồi đắp tư duy, xây dựng văn hoá ứng xử để mô hình làm việc nhóm tiếp tục phát triển trong tương lai. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI