MV nhạc Việt: Thăng trầm cùng trào lưu và "lá phao" tài trợ

Nhà tài trợ - "ván bài" then chốt trong các MV nhạc Việt?

05/03/2020 - 19:04

PNO - Một sản phẩm âm nhạc muốn được đầu tư khủng phải có sự đồng hành của nhà tài trợ. Tuy nhiên gần đây, việc cài cắm thương hiệu ngày một lộ liễu khiến MV của không ít ca sĩ gây khó chịu cho người xem.

MV nhạc Việt: Thăng trầm cùng trào lưu và 'lá phao' tài trợ

Hiện nay, để một MV ca nhạc đảm bảo đủ đột hot phải có sự đầu tư khủng và nội dung mới lạ. Chính sức ép này buộc các ca sĩ phải thay đổi tư duy, hướng đến những đề tài mới mẻ hơn như đồng tính, "tiểu tam", đặc biệt không thể thiếu sự đồng hành của các nhãn hàng.

Bài 1: MV đề tài đồng tính, "tiểu tam": Ranh giới nghệ thuật và phản cảm mong manh

Chuyện các thương hiệu tài trợ ca sĩ làm MV không còn xa lạ với khán giả. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, việc cài cắm nhà tài trợ vào MV của các ca sĩ đang ngày một lộ liễu, thậm chí bị đánh giá là phản cảm.

Trước đây, một sản phẩm âm nhạc chỉn chu thường chỉ có sự xuất hiện chớp nhoáng của nhà tài trợ thông qua các sản phẩm nghệ sĩ sử dụng như: điện thoại, giày dép, trang sức... Nhưng hiện nay, các nhà tài trợ lại sử dụng hình thức quảng cáo mới bằng việc đưa chính tên thương hiệu vào sản phẩm âm nhạc.

Thậm chí mới đây, nhiều sản phẩm âm nhạc còn được cài cắm thương hiệu hết sức vô lý, không logic với câu chuyện trong MV khiến khán giả phản ứng.

Một MV đang quảng cáo cho thương hiệu điện thoại
Một MV quảng cáo cho thương hiệu điện thoại

Nhãn hàng "thống trị" MV của nghệ sĩ hot

Lướt qua một vài sản phẩm phát hành dạo gần đây của các ca sĩ hot, có không ít hình ảnh cài cắm thương hiệu vào. Gây phản ứng nhiều nhất là sự xuất hiện thường xuyên của một ứng dụng mua hàng online trong một loạt MV của các ca sĩ Việt. Từ những MV có bối cảnh hiện đại như: Ai cần ai của ca sĩ Bảo Anh, Sáng mắt chưa của Trúc Nhân, Nghe nói anh sắp kết hôn của Văn Mai Hương đến các MV mang màu sắc chân quê như: Sóng gió, Bạc phận của Jack… đều có mặt nhãn hàng này.

Ca sĩ buộc phải để tên thương hiệu trong MV, thậm chí còn phải hướng dẫn cách đặt hàng thông qua ứng dụng này. Nhiều ý kiến cho rằng, thương hiệu không ăn nhập nội dung MV đã làm giảm giá trị thông điệp mà nghệ sĩ tốn công tạo nên.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm âm nhạc của ca sĩ bị nhà tài trợ “thao túng” quá mức, đôi khi chưa hợp lý, phản cảm. Thậm chí phi lý tới mức, các thương hiệu của thời hiện đại "xuyên không" về thời phong kiến. Mới nhất là Hết thương, cạn nhớ của Đức Phúc. MV này khai thác bối cảnh làng Vũ Đại với câu chuyện về Chí Phèo nhưng tên thương hiệu lại nằm "chễm chệ" trên chiếc hộp cổ.

Chi Pu và Đức Phúc là hai trong số các nghệ sĩ làm MV cổ trang nhưng lại cài cắm thương hiệu lộ liễu, phản cảm
Chi Pu và Đức Phúc là hai trong số các nghệ sĩ làm MV cổ trang nhưng lại cài cắm thương hiệu lộ liễu, phản cảm

Anh ơi ở lại của Chi Pu lấy cảm hứng từ câu chuyện Tấm Cám cũng mắc lỗi tương tự. Logo nhãn hàng vốn chỉ hợp trong thời hiện đại nhưng cố gắng biến tấu thành dạng chữ cổ để đưa vào MV có bối cảnh xưa. Việc cài cắm này khá vụng về và không ăn nhập với nội dung bài hát.

Sơn Tùng M-TP đang là một trong những ca sĩ trẻ thu hút được các hợp đồng quảng cáo hấp dẫn. Trong những MV gần đây của Sơn Tùng cũng xuất hiện dày đặc các nhãn hàng mà anh đang làm gương mặt đại diện. Đặc biệt, tên của MV mới nhất tuy chỉ "nhá hàng" teaser 3/3 nhưng đã bị đồn đoán là slogan của một thương hiệu. Dù Sơn Tùng M-TP rất giỏi tiết chế hình ảnh của nhãn hàng nhưng vẫn không khỏi bị chê bai.

Teaser MV mới của Sơn Tùng bị đánh giá là nói hộ slogan cho nhà tài trợ
Teaser MV mới của Sơn Tùng bị đánh giá là truyền bá slogan cho nhà tài trợ

Thời gian gần đây, số lượng MV ca nhạc bùng nổ kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các nghệ sĩ. Lợi dụng điều này, các nhà tài trợ bắt đầu "làm giá". Họ yêu cầu được tham gia vào khâu kịch bản, thêm thắt chi tiết tài trợ vào nội dung và nghệ sĩ đành ngậm ngùi chấp nhận để các nhãn hàng chi phối.

Một số nhãn hàng muốn đạo diễn, nghệ sĩ phải đưa thật nhiều hình ảnh thương hiệu vào sản phẩm dù họ không am hiểu nghệ thuật, nội dung, khiến mạch của MV bị đứt, gượng gạo, khiên cưỡng.

Trao đổi với phóng viên, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư - người đứng sau những MV triệu view của các ca sĩ tên tuổi cho biết: “Trước đây, tôi thường bị các nhãn hàng chi phối việc cài cắm thương hiệu vào MV. Những nhãn hàng xuất hiện lộ liễu như vậy làm tuột cảm xúc của người xem. Sau những góp ý của khán giả, tôi đã rút kinh nghiệm, nếu nhận tài trợ, sẽ đàm phán kỹ để sản phẩm của nhãn hàng vẫn được lồng ghép mà không phá hỏng nội dung MV”.

Tiêu chuẩn nào để nhãn hàng chọn tài trợ MV của ca sĩ hot?

Hiện nhu cầu giải trí của người Việt ngày một cao. Theo thống kê từ YouTube, trung bình mỗi ngày một người Việt có thể sử dụng hơn một tiếng đồng hồ cho các chủ đề giải trí. Trước đây, hình thức quảng cáo trên YouTube thường bị khán giả ấn nút "bỏ qua" sau vài giây nên việc lồng logo nhà tài trợ, hoặc quảng bá sản phẩm trong MV, mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Từ đó, MV trở thành "miền đất hứa" cho các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, người hâm mộ thường có thói quen "học hỏi" các nghệ sĩ từ phong cách thời trang đến sản phẩm, phụ kiện sử dụng hàng ngày nên thần tượng dùng gì, đang đại diện cho nhãn hãng nào đều được fan bắt chước theo.

Với nghệ sĩ, trong cuộc chạy đua đẳng cấp MV, kinh phí đầu tư là con số không hề nhỏ. Mức đầu tư trung bình cho một MV là từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Với những MV hoành tráng, chi phí cũng đội lên theo và nhà tài trợ là một cứu cánh.

Mỹ Tâm là số ít ca sĩ có cách quảng bá thương hiệu khéo léo
Mỹ Tâm là số ít ca sĩ có cách quảng bá thương hiệu khéo léo

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, có không ít ca sĩ vẫn đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ nhưng không làm ảnh hưởng đến tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như Đen Vâu, Mỹ Tâm...

Để làm được điều này, nghệ sĩ phải có tay nghề, am hiểu tầm quan trọng của tác phẩm nghệ thuật do mình tạo ra. Bên cạnh đó, họ cũng phải nghiên cứu kỹ để có cách lồng ghép thương hiệu vào nội dung MV sao cho khéo léo và duyên dáng, như đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư chia sẻ.

Nghệ sĩ trẻ "khóc ròng" vì không có tài trợ 

Việc kiếm tài trợ làm MV với những ca sĩ trẻ hay quán quân, á quân bước ra từ các cuộc "khó như lên trời". Họ có tài năng nhưng không đủ điều kiện kinh tế để tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng.

Muốn theo đuổi đam mê, có người phải chấp nhận sản xuất ra những MV làng nhàng để "chờ thời". Tăng Phúc là một trong số đó. Để có các MV giải tỏa cơn khát của fan, Tăng Phúc phải cover nhạc của các ca sĩ nổi tiếng và đưa lên YouTube. Việc này không tốn nhiều kinh phí nhưng lại khiến anh "dậm chân tại chỗ".

Không riêng Tăng Phúc, nhiều nhân tố bước ra từ các sân chơi âm nhạc, dù có thứ hạng cao nhưng cũng “đau đầu” khi giải bài toán đầu vào cho các dự án vì không kiếm được nhà tài trợ.

Tú Tri - Á quân Solo cùng Bolero thừa nhận với Phụ nữ Online: “Việc kiếm nhà tài trợ là cực kỳ khó đối với ca sĩ trẻ như tôi. Những sản phẩm MV của tôi từ trước đến nay chưa từng có tài trợ, do vậy cũng hạn chế về chất lượng. Muốn có một MV “ra trò”, tôi vẫn phải chờ đợi”.

Tú Tri là ca sĩ trẻ khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ làm MV
Tú Tri là ca sĩ trẻ khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ làm MV

Phải nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ dường như đã trở thành "ván bài" then chốt quyết định thành bại cho MV của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, cài cắm quyền lợi tài trợ như thế nào mới là điều đáng quan tâm hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ trẻ cũng "thấp thỏm" chờ sự giúp đỡ của nhà tài trợ để có bàn đạp phát triển con đường âm nhạc của mình.

Đông Đông

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI