Những hộp cơm nghĩa tình

14/08/2019 - 07:13

PNO - Mỗi bát cơm ta ăn đều quý. Cơm cho tặng lại càng quý. Nhưng quý hơn nữa là những hộp cơm ấy xuất phát từ những tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ.

Đã hơn bốn năm nay, cứ đến tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch, những người lao động nghèo, nhất là các anh, các chú chạy xe ôm, các dì, các chị bán vé số, những người còn khó khăn tại chợ… lại ấm lòng với những hộp cơm yêu thương từ Bếp ăn từ thiện chợ Củ Chi. 

Hàng chục ngàn phần cơm từ thiện

Thoăn thoắt đôi tay xới cơm cho vào hộp, chị Trần Thị Huyền giục: “Gần 8g30 rồi, chị em nhanh tay lên để bà con đến không phải chờ”. Chị Huyền là thành viên của Bếp ăn từ thiện chợ Củ Chi và là tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau củ. Mỗi khi bếp “đỏ lửa”, từ 5g sáng, chị Huyền chạy tới chạy lui phụ ngó nồi cơm, đảo chảo thức ăn.

“Vắng khách lúc nào tôi chạy vô phụ lúc đó. Nhiều lúc đang lỡ tay không chạy ra bán được thì chị em sạp kế bên bán giúp. Nhiều người đi chợ mua hàng của tôi cũng quen, tự lựa, tự cân rồi gửi tiền lại đó luôn” - chị Huyền vui vẻ. 

Nhung hop com nghia tinh
Các chị đang tất bật chuẩn bị cho kịp giờ phát cơm từ thiện

Bếp ăn được thành lập từ ý nguyện của một số tiểu thương gắn bó nhiều năm với chợ và có cuộc sống khấm khá. Với 10 thành viên là các nữ tiểu thương, mỗi lần bếp đỏ lửa, các chị lại cắt cử khoảng 5-6 người tham gia nấu nướng, phân phát. 5g sáng là các chị tập hợp rồi chia nhau công việc. Tuy không có bếp trưởng nhưng ai cũng trách nhiệm. Các thành viên còn lại tranh thủ, lúc nào vắng khách thì chạy vào phụ một tay. Nấu xong, người xới cơm vào hộp, người chia thức ăn... 

Là Mạnh Thường Quân nhiều năm gắn bó cùng bếp ăn, chị Lê Thị Hít cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi nấu và phát khoảng 200 hộp cơm và nấu liên tục. Chi phí mỗi ngày trung bình từ 1,5-2 triệu đồng”. 

Đến nay, bếp ăn đã duy trì hơn 4 năm, nấu và phát hàng chục ngàn phần cơm từ thiện cho những người lao động nghèo. Thực đơn món ăn thay đổi mỗi ngày, có bữa thì cơm gà, bữa thì cá kho, thịt kho trứng, canh chua, canh khổ qua… 

“Trả ơn” chợ 

Kinh phí thực hiện bếp ăn do chị Hít và người em gái Lê Thị Bích Liên kinh doanh ngành hàng cá, tài trợ chính. Chị Hít xua tay: “Có gì đâu, tôi khấm khá từ chợ nên giờ cũng muốn chia sẻ lại với những người còn khó khăn”. Chị Bích Liên tiếp lời: “Từ mẹ đến chị em chúng tôi tính ra gắn bó với chợ mấy chục năm rồi. Lúc còn sống, mẹ tôi cũng có ý định làm từ thiện nhưng chưa thực hiện được nên giờ chỉ cần có điều kiện thì chị em tôi sẽ cố gắng duy trì”.  

Nhung hop com nghia tinh
Rất đông người lao động nghèo đến nhận những hộp cơm gà nóng hổi

Với dáng vóc và khuôn mặt ngờ nghệch, chị Thúy đến chợ khá sớm và là người đầu tiên xếp hàng chờ phát cơm. Nghe chúng tôi hỏi thăm, một vài chị xếp hàng phía sau nghiêng người nhìn, rồi nói: “Chị này bị bệnh, khờ lắm, không biết gì đâu”. Có người còn cho biết chị Thúy có một đứa con. Chị và người mẹ già bán vé số ở chợ từ lâu”. Nhận hai hộp cơm gà, chị Thúy lặng lẽ đi giữa dòng người trong chợ. 

Sau chị Thúy là anh Nguyễn Minh Quý, cũng được các chị gửi cho hai hộp cơm gà. Anh Quý có thâm niên 16 năm chạy xe ôm tại bến xe Củ Chi và chở hàng ở chợ. Hoàn cảnh của anh khá khó khăn, vợ bỏ đi hơn 10 năm nay, anh ở vậy nuôi hai đứa con đang học lớp 11 và lớp 7. Thu nhập từ việc chạy xe ôm ngày càng bấp bênh nên gần tháng nay, ngày nào anh cũng tranh thủ ghé qua nhận hai phần cơm từ thiện. Cầm hai hộp cơm trên tay, anh nói: “Chút nữa đem về cho hai đứa nhỏ, còn mình ăn gì cũng được. Bếp ở chợ nấu ăn ngon lắm, nêm nếm vừa miệng, lại sạch sẽ”. Nhờ cơm từ thiện mà ngày nào cha con anh cũng có bữa ăn ngon. 

Gần 9g, chú Nguyễn Văn Khanh, nhân viên vệ sinh tại bến xe Củ Chi cũng tất bật chạy qua. Chú Khanh cho hay: “Cả tháng nay, ngày nào tôi cũng tranh thủ qua nhận cơm. Chắc thương tôi nên các cháu cho tôi hai hộp. Giờ về tôi ăn một hộp, hộp còn lại để dành ăn trưa”.

Mỗi bát cơm ta ăn đều quý. Cơm cho tặng lại càng quý. Nhưng quý hơn nữa là những hộp cơm ấy xuất phát từ những tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI