Những học sinh vượt qua nghịch cảnh - Bài 4: Vẽ lại đường đời

11/11/2021 - 06:26

PNO - Trong cuộc sống, nếu có ai hỏi về khởi đầu để đi đến hôm nay, họ đều bắt đầu bằng những kỷ niệm dưới mái trường bổ túc - trung tâm giáo dục thường xuyên với tất cả lòng biết ơn, thương quý.

1. Cho đến bây giờ, anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ H.Bình Chánh, TPHCM) vẫn không ngừng hoài niệm, nhớ thương hình ảnh những thầy cô ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Bình Chánh. Đó là cô N., người nắm rõ hoàn cảnh từng học viên, ai khó khăn gì cô gặp riêng trao đổi, tìm cách giúp đỡ. Là hình ảnh thầy phó giám đốc trung tâm năm đó luôn trao cho học viên sự dịu dàng, ân cần như người anh, người cha. Chuyện những mùa mưa, con đường dẫn vào trung tâm ngập nặng, xe của thầy cô phần lớn bị chết máy. Nhọc nhằn dẫn bộ chiếc xe vô đến sân trường rồi thầy cô… mặc kệ, say sưa đứng lớp. Tan học, trời tối, học trò về hết các thầy cô mới hì hụi sửa chiếc xe máy bị hư. 

Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh Nguyễn Hoàng Nam hiện có công việc yêu thích khi làm việc ở Bệnh viện Mắt TP.HCM
Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh Nguyễn Hoàng Nam hiện có công việc yêu thích khi làm việc ở Bệnh viện Mắt TPHCM

Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Bình Chánh là nơi anh Nam chọn lựa để “vẽ” lại cuộc đời mình, sau khi xuất ngũ năm 2010. Anh kể: “Khi xuất ngũ, tôi đứng trước ba lựa chọn, một là đi học nghề đầu bếp, hai là học nghề sửa xe ô tô, ba là trở lại đi học”. Học nghề thì nhanh ra nghề và có thể sớm đi làm kiếm tiền để giúp đỡ gia đình, song giấc mơ đèn sách vẫn len lỏi đâu đó, không ngừng hối thúc anh quay lại, kể từ ngày buộc phải bỏ học giữa chừng. Nghĩ vậy, anh thưa chuyện với mẹ, rồi nói với các em mong tiếp tục gánh phần nhiều chuyện sinh kế gia đình, để anh được viết lại mơ ước xưa. Cả nhà đồng ý, anh lập tức đến trung tâm đăng ký học lớp Mười.

14 tuổi, Nam đang học lớp Tám thì ba anh - vốn là trụ cột gia đình bỗng phát bệnh tâm thần, mỗi ngày một nặng. Thương con, mẹ Nam cố gắng để anh duy trì tiếp chương trình lớp Chín. Nhưng ngày Nam thi xong tốt nghiệp THCS cũng là ngày mẹ anh dấm dẳng: “Ba con giờ đã vậy, một mình mẹ không lo nổi cho các con đi học”.

Niềm háo hức chờ kết quả thi tuyển rồi mong đợi ngày bước vào cấp III nhập học trong cậu bé ham học vụt tắt. Nam khóc một ngày, theo năn nỉ, thuyết phục mẹ cho tiếp tục đến trường. “Mẹ trả lời tôi bằng những giọt nước mắt, nên tôi chỉ có thể nghe lời” - anh Nam nhớ lại. Các em anh cũng chung cảnh ngộ, đành phải nghỉ học. Cả ba đến một cơ sở thủ công mỹ nghệ gần nhà xin làm việc, thu nhập mỗi tháng 300.000 đồng/người. Không hết buồn chuyện phải nghỉ học, nên đôi khi bạn cũ gặp, thắc mắc sao có tên trong danh sách lên lớp Mười mà lại không đi học; Nam buồn bã, gượng cười rồi tìm cách bỏ đi. 

18 tuổi, Nam tham gia nghĩa vụ quân sự. Anh cho hay: “Trong thời gian này, tôi thường suy nghĩ về hướng đi của cuộc đời mình, ý nghĩ đi học trở lại thường xuyên chiếm lấy tôi”. Ở tuổi 21, anh quay lại trường lớp. Sáu năm rời xa đèn sách không làm khó chàng học viên. Ngược lại, anh Nam chia sẻ, càng học càng thấy dễ tiếp thu, càng khiến anh vui với quyết định đúng đắn của mình và lại càng ham học. Đêm đi học, ban ngày, anh đi làm rất nhiều nghề, từ phụ hồ, bán quán ăn, bảo vệ để có tiền trang trải việc học, mua thêm tài liệu và phụ giúp 
gia đình. 

Năm 2013, anh Nam tốt nghiệp THPT loại giỏi, cũng đã kịp ghi thêm một vài thành tích như giải ba học sinh giỏi môn lịch sử cấp thành phố. Thông qua xét tuyển, với 18,75 điểm của hai môn, anh Nam đậu vào Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hệ trung cấp chuyên ngành điều dưỡng. Để có tiền theo đuổi con đường học hành, ban đêm, anh đi làm bảo vệ, bán quán ăn…

Học lực khá giỏi, học kỳ nào anh cũng nhận được học bổng, nhờ đó, giúp giải quyết một phần học phí suốt gần ba năm học. Thời gian thấm thoắt, năm 2016 anh Nam tốt nghiệp, về làm việc ở Bệnh viện Mắt TPHCM, Khoa Chẩn đoán hình ảnh đến bây giờ. 

Cuộc sống hiện không còn khốn khó, ba anh Nam cũng đã đỡ bệnh. Nhìn lại cuộc đời mình, chàng trai ham học ngày đó vẫn không nguôi nhớ về thầy cô, trường lớp cũ. Năm đó, lớp học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Bình Chánh của anh, 100% người đều thi đậu tốt nghiệp. “Bây giờ, lứa bạn đó đều có công việc ổn định, người làm giáo viên, người là công an và có người theo ngành y như mình” - anh Nam cho hay.

Theo anh, góp phần cho những giấc mơ được hiện thực hóa chính là tấm lòng của các thầy cô. Không ít học viên ngày đó đi học với tâm thế chán nản, không nhận ra sự quý giá của việc được học. Để rồi, chính thầy cô mỗi ngày một lời khuyên, động viên, như những liều thuốc bổ, giúp học viên nuôi dưỡng ý chí, nghị lực.

Trưởng thành từ công tác đoàn, Nguyễn Hoài Hân chọn học ngành công tác xã hội để mong giúp đỡ được nhiều người
Trưởng thành từ công tác đoàn, Nguyễn Hoài Hân chọn học ngành công tác xã hội để mong giúp đỡ được nhiều người

2. Khi quyết định đăng ký học lớp Mười ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5, TPHCM) vào năm 2017, em Nguyễn Hoài Hân (SN 2001, ngụ Q.8) đối diện với sự buồn phiền của ba. Như không ít bậc sinh thành, ba Hân cho rằng, học giáo dục thường xuyên sẽ không có tương lai.

Thế nhưng bấy giờ, đối diện với một biến cố gia đình, nếu không theo học ở trung tâm, Hân… đâu biết phải học nơi nào, lại càng không muốn phải nghỉ học. “Em còn bị nhiều người gièm pha rằng học giáo dục thường xuyên đồng nghĩa với mình không ngoan, học kém, cá biệt sao sao đó” - Hân kể. Ấy vậy, mới đây, cũng chính ba Hân định hướng cho cậu con trai út vào học hệ giáo dục thường xuyên. Sự thay đổi về quan niệm, cách nhìn của ba đều nhờ cô con gái không ngừng nỗ lực chứng minh lựa chọn đúng của mình. Thậm chí, Hân khẳng định: “Chọn học giáo dục thường xuyên với em là sự may mắn”.

Hân chia sẻ, ngày đó, em theo đuổi con đường học tập này để có thời gian đỡ đần quán hủ tíu của mẹ, phụ mẹ chăm các em. Càng theo học ở trung tâm, Hân càng tin tưởng vào quyết định của mình. Em nói: “Thầy cô rất tận tình, soạn giáo án cho mỗi đối tượng học viên khác nhau”. Hân nhớ mãi sự kiên nhẫn của thầy cô trước những học viên không kịp hiểu bài. Theo đó, trong lớp, có người nào không hiểu, thầy cô giảng lại cho đến hiểu mới thôi. “Giảng lại rồi, ai vẫn chưa hiểu sẽ được thầy cô tiếp tục giảng riêng, khảo bài thường xuyên; cho đến lúc cảm thấy học viên đã hiểu được thầy cô mới qua bài giảng mới” - Hân chia sẻ.

Ba năm cấp III học ở trung tâm, Hân trở thành đoàn viên ưu tú đầu tiên của nhà trường kể từ ngày trường thành lập, cùng với nhiều giải thưởng lớn trong công tác đoàn lẫn các kỳ thi học sinh giỏi, như giải ba môn địa cấp thành phố, được Thành đoàn TPHCM tuyên dương là đoàn viên ưu tú. Hân cho hay, nhờ hoạt động công tác đoàn với chức vụ bí thư đoàn trường, em có nhiều cơ hội theo thầy cô tham gia các hoạt động hỗ trợ nhiều học viên trung tâm. Đó là người bạn trong lớp có nguy cơ nghỉ học do cha qua đời đột ngột, khiến gia đình khó khăn càng thêm túng quẫn; đoàn trường đã cùng với các thầy cô vận động quyên góp, giúp đỡ để người bạn được tiếp tục đi học…

Hân hiểu được rằng, môi trường học tập hệ giáo dục thường xuyên đón nhận nhiều đối tượng học viên, có người vì gia cảnh phải nghỉ học năm xưa, nay quay về nối tiếp hành trình học vấn; có người muốn đi học mà vẫn đảm bảo đỡ đần cho cha mẹ và cũng có không ít bạn ham học nhưng không đủ điểm đậu lớp Mười hệ chính quy. Hẳn nhiên, bao gồm không ít trường hợp phụ huynh gửi đứa con ngỗ ngược vào trung tâm vì mong muốn “ráng” kiếm tấm bằng cấp III cho con… Thường nghĩ suy về bao câu chuyện phía sau một con người, một hoàn cảnh, nên năm học 2019 - 2020, với kết quả xét tuyển đậu ba trường đại học, Hân chọn học ở Học viện Cán bộ TPHCM, ngành công tác xã hội.

“Em có ước mơ được giúp đỡ nhiều người” - Hân lý giải về lựa chọn ngành học. Em kể, ba năm học cấp III, mỗi ngày đến lớp đều đi ngang một cây cầu và nhìn thấy nhiều cụ già cơ nhỡ. Qua trò chuyện, em biết nhiều hơn về bi kịch phía sau cuộc đời họ. Có cụ già chồng con đều mất, có cụ già bị con cái hắt hủi. Từ những quan tâm đó, Hân mở rộng dần sự để tâm đến trẻ em lang thang, khuyết tật; rồi người nghiện hút, tù tội không có cơ hội làm lại cuộc đời, người bị người đời xa lánh…

Hân hiện đang là sinh viên năm thứ ba của học viện. Nhờ hoạt động công tác đoàn tích cực, từ năm ngoái, em đã được Quận đoàn Q.5 mời làm cộng tác viên. Đợt dịch này, em tham gia “trực chiến” các điểm tiêm vắc-xin, lấy mẫu xét nghiệm và các công tác cộng đồng khác như lặt rau, chia gạo, gói quà mang đến cho người dân vùng phong tỏa, người khó khăn…

Quận đoàn Q.5 có trụ sở gần Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An. Mỗi ngày đi làm, Hân đều nhìn vào mái trường xưa, thầm trao lời cảm ơn nơi đã giúp em đến gần hơn với ước nguyện của mình. 

Bài cuối: Trở lại trường để tương lai rộng mở

Yên Nhạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI