Những học sinh vượt qua nghịch cảnh - Bài 3: Từ anh phụ hồ đến cử nhân hai bằng đại học

09/11/2021 - 06:49

PNO - Năm 2019, anh Nguyễn Hữu Nghiệp (sinh năm 1987, hiện ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TPHCM) xin vào làm cho Công ty Sản xuất Kinh doanh bao bì carton gấp nếp Vina Toyo. Vị giám đốc lúc đó đã dành cho anh nhiều thiện cảm khi xem qua hồ sơ, từ cậu bé bỏ nhà đi, 5 năm làm phụ hồ, hai năm làm công nhân và bây giờ đã sở hữu hai bằng đại học. Ba tháng sau, anh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch của công ty này.

Quay lại học lớp 10, nuôi ước mơ vào đại học

Anh Nghiệp quê ở tỉnh Bắc Ninh. Tốt nghiệp lớp 9, anh quyết định nghỉ học. “Tuổi mới lớn, tôi cảm thấy chán nản khi trong nhà không khí ít được vui. Ba tôi thường nhậu say rồi la mắng mẹ. Ông cũng thường xuyên mang các vật dụng gia đình bán kiếm tiền ăn nhậu khiến tôi chỉ muốn bỏ đi thật xa”, anh Nghiệp chia sẻ. 

Năm 2001, sau nhiều lần “bí mật” thuyết phục một nhà xe, cuối cùng, cậu bé Nghiệp mới 14 tuổi cũng đặt chân thành công lên mảnh đất Sài Gòn, nơi các chị gái đã vào sinh sống. Gia đình các chị đều còn rất khó khăn, người làm công nhân, người đẩy xe trái cây đi bán dạo; Nghiệp ngại là gánh nặng nên theo anh rể đi phụ hồ, kiếm mỗi ngày 30.000 đồng. “Lúc đó, đi đến đâu, thấy học sinh hay đi ngang một ngôi trường cấp III, tôi đều buồn ứa nước mắt, nhớ thời đi học và muốn đi học trở lại nhưng không biết phải làm sao”, anh Nghiệp nhớ lại.

Anh Nguyễn Hữu Nghiệp
Anh Nguyễn Hữu Nghiệp

19 tuổi, nhiều đêm mất ngủ, anh tự hỏi cuộc đời mình ra sao nếu tiếp tục quẩn quanh trong đời sống ngày đi phụ hồ, tối ra quán cà phê nghe nhạc, xem phim giải trí rồi lại quay về công trình để ngủ. Anh nghỉ việc, về Q.Bình Tân xin làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu. Được nhận làm thợ ủi, thu nhập khá và nhìn người “sạch sẽ” hơn so với quãng đi làm hồ, nhưng nửa tháng đầu, Nghiệp cũng thường xuyên rơi vào cảm giác chán nản.

Anh kể: “Công việc vất vả theo cách khác. Ngày nào cũng đứng từ 8 - 10 tiếng khiến đêm về tôi không sao ngủ được. Đôi chân tụ máu và đơ cứng như chiếc cột, không co không duỗi được. Rồi ngày nào cũng đón hơi nóng hầm hập của phòng ủi phà vào người thêm khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi khóc hằng đêm”. 

May mắn, chỉ một tháng sau đó, do làm tốt, Nghiệp được chuyển sang làm nhân viên phòng mẫu. Vẫn công việc ủi vải nhưng không gian mát mẻ, nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, môi trường này giúp anh có cơ hội gặp gỡ nhiều đối tác của công ty tham quan xem mẫu, phần nhiều là người nước ngoài.

Chính trong ngày tháng đó, anh ấp ủ học tiếng Anh, tiếng Trung để hy vọng trò chuyện được với khách hàng. Chờ gom đủ học phí, anh đăng ký cùng lúc hai khóa ngoại ngữ, bắt đầu hành trình ngày đi làm, đêm đi học. Lần trở lại với sách vở này thúc giục anh sống dậy ước muốn của thuở tuổi 14, 15: quay lại trường học phổ thông trung học. Xong hai khóa ngoại ngữ, qua tìm hiểu, anh đã đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú đăng ký học lớp 10, hệ hai năm ba lớp vào ban đêm.

“Khi xác định trở lại trường lớp cũng đồng nghĩa tôi muốn phấn đấu xây dựng lại con đường học hành, tức là phải vào được đại học dù lúc này, tôi cũng chưa biết mình sẽ đi học bằng tiền ở đâu”, anh Nghiệp nhớ lại. 

Tân sinh viên lớn tuổi nhất trường 

Để đạt được ước mong đậu đại học, mà trước tiên phải qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT, anh Nghiệp quyết định thôi làm công nhân, chuyển sang chương trình lớp 12 buổi sáng của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú. Ban đêm, anh đến các trung tâm luyện thi đại học. Nhớ lại thời khó khăn, anh xúc động: “Có bao nhiêu tiền tôi đổ vô hết cho các lớp luyện thi và mua tài liệu tự ôn, nhiều hôm đến mì tôm cũng không còn tiền mua ăn, đi học thấy các bạn ăn uống mà bụng tôi sôi ùng ục”.

Năm 2010, cầm giấy gọi nhập học của cùng lúc hai trường là Đại học Ngân hàng TP.HCM và Cao đẳng Tài chính Hải quan, anh Nghiệp chảy nước mắt. Mừng vì chạm đến ước mơ, buồn vì chưa biết sẽ dưỡng nuôi, chinh phục mơ ước bằng cách nào. Biết chuyện, dù còn khó khăn, các anh, chị của anh đều vui mừng, ra sức động viên anh nhập học, mọi chuyện còn lại… tới đâu hay tới đó. Năm ấy, anh Nghiệp trở thành tân sinh viên lớn tuổi nhất của Trường đại học Ngân hàng.

Con đường quay lại chinh phục tri thức của anh Nghiệp có hai lần gặp trở ngại. Đó là năm anh đăng ký học lớp 10, sau bảy năm làm thợ hồ, công nhân. Xa lạ với từng phép tính, phương trình, càng nghe giảng anh càng hoang mang. Bấy giờ, thời gian đi làm và đi học đã kín hết một ngày, anh chỉ còn cách mua thật nhiều tài liệu rồi tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty, mang ra ôn luyện. “Thầy cô, bạn bè đâu có đợi mình hoài, nên phải chịu khó tự bổ túc kiến thức. Dần dà cũng bắt kịp rồi khá hơn”, anh nói. Lần trở ngại thứ hai là những tháng đầu bước chân vào giảng đường, bộ môn vi tính nhiều lần thử thách sự kiên trì, nỗ lực của cậu sinh viên chưa từng… chạm vào chiếc máy vi tính. 

Còn, khó khăn về học phí hay các khoản sinh hoạt đã như “người bạn nghèo” đồng hành bên anh suốt tháng năm đại học. Các anh, chị và bạn gái (nay là vợ) - vốn làm công nhân, thu nhập chưa tới 3 triệu đồng/tháng đỡ đần Nghiệp trong hàng trăm lần rơi vô cảnh túng thiếu; phần còn lại, anh phải tự bươn bả mưu sinh. Thời gian đó, anh phải đi phục vụ cho các đám cưới, kiếm 70.000 đồng/tiệc. Công việc giúp anh quen biết và “đầu quân” cho một cơ sở cung cấp tiệc tại gia. Trong một tháng, có hơn 20 ngày anh Nghiệp ròng rã chạy “sô” theo các đám tiệc từ TPHCM đến Đồng Nai, Long An, Bình Dương… Tiền anh kiếm được nhiều hơn, đủ đóng học phí và trang trải cuộc sống.

“Dù có vắng học, nhưng tất cả bài vở tôi đều nắm chắc, bằng cách nhờ bạn bè giảng lại hoặc mượn tập, bài giảng của thầy cô nghiên cứu đến hiểu được mới thôi”, anh Nghiệp chia sẻ. Năm 2014, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Lúc này, người chủ cũ thương quý tính chịu khó và giỏi giang của anh, thuyết phục về làm quản lý. Gần một năm theo việc, dư được khoản tiền lớn, anh tiếp tục đầu tư học tiếng Nhật. “Một phần tôi muốn đi Nhật để mở mang tầm mắt, một phần có công ty cam kết sẽ nhận tôi làm việc tại Nhật”, anh Nghiệp cho hay.

Giấc mơ nào rồi cũng thành sự thật

Thế rồi, cũng trong năm 2014, cha anh qua đời. Thương mẹ một mình ở quê, anh đón vào thành phố. Chưa vội sang Nhật song cơ hội làm việc vẫn luôn còn đó, anh tiếp tục trăn trở về ngành nghề thuận lợi hơn nếu đầu quân cho công ty tại Nhật. Vài tháng sau, anh Nghiệp khiến tất thảy ngỡ ngàng với kết quả tiếp tục đậu vào hệ văn bằng hai chính quy Trường đại học Ngân hàng TPHCM, chuyên ngành kế toán - kiểm toán. Song song với việc học, anh kết hôn với người bạn gái một thời chung lưng đấu cật, luôn bên cạnh và giúp anh vượt qua bao chướng ngại hàn vi; đồng thời trở lại với công việc cánh tay đắc lực cho người chủ đám tiệc để trang trải chi tiêu.

Nhờ nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, anh Nguyễn Hữu Nghiệp đã tìm được việc làm tốt và có được một cuộc sống như mong ước
Nhờ nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, anh Nguyễn Hữu Nghiệp đã tìm được việc làm tốt và có được một cuộc sống như mong ước

Năm 2019, một lần nữa, anh Nghiệp tốt nghiệp văn bằng hai cùng dưới một mái trường đại học. Tổ ấm nhỏ có thêm thành viên, anh từ bỏ ý định sang Nhật, tìm công việc phù hợp để dễ bề chăm sóc những người thân yêu. Anh Nghiệp chia sẻ, hôm đến Công ty Vina Toyo phỏng vấn, vị giám đốc lúc đó đã dành cho anh nhiều thiện cảm khi xem qua hồ sơ xin việc, từ một cậu bé bỏ nhà đi, 5 năm làm phụ hồ, hai năm làm công nhân và bây giờ đã sở hữu hai tấm bằng đại học. Sự nỗ lực, chăm chỉ với quan niệm làm hết việc chứ không đợi hết giờ của “chàng tân binh” cũng nhanh chóng chinh phục các vị sếp của công ty. Chỉ sau ba tháng, từ nhân viên, anh được bổ nhiệm giữ chức phó trưởng phòng.

“Nhiều khi nghĩ lại, tôi càng thấm thía quyết tâm ngày xưa về con đường đã lựa chọn: phải học hành để có công việc đỡ cực hơn. Tôi không dám nghĩ cuộc đời mình giờ đây ra sao nếu ngày đó không có ước mơ được trở lại trường lớp”, anh Nghiệp bồi hồi và chia sẻ, trên con đường chinh phục tri thức của anh, có bóng dáng những người thầy, người cô tâm huyết với học viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú. Những lời động viên và sự kiên trì dạy dỗ của họ đã chắp cánh cho rất nhiều giấc mơ bay xa. Không ít người bạn của anh ở môi trường giáo dục thường xuyên năm đó, nay đã thành công. “Có người đậu cùng lúc ba trường đại học giờ là kỹ sư xây dựng, có người trở thành giáo viên. Giấc mơ nào cũng thành sự thật”, anh Nghiệp chia sẻ.

Tuyết Dân

Bài 4: Vẽ lại đường đời

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI