Những dòng kênh “ủ bệnh” ở Sài Gòn

30/03/2020 - 07:47

PNO - Ô nhiễm kênh rạch ở TPHCM đang gia tăng do ngưng nạo vét rác. Bác sĩ khuyến cáo, chất thải tồn đọng trên các dòng kênh sẽ là nguồn phát tán, lây nhiễm dịch bệnh.

Những ngày ở nhà phòng dịch COVID-19, mỗi khi cảm thấy tù túng, ngột ngạt, anh Hiếu thường đi ra bờ kênh gần nhà ngồi hóng gió. Nhưng lần nào cũng vậy, đứng chưa được vài phút, anh lại cảm thấy ớn nhợn bởi mùi hôi thối từ dòng kênh bốc lên. Đó là kênh Hy Vọng, đoạn tiếp giáp với đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình.

Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình) luôn ngập rác, chưa được nạo vét, thu gom - Ảnh: HOÀNG NHIÊN
Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình) luôn ngập rác, chưa được nạo vét, thu gom - Ảnh: Hoàng Nhiên

Mùa dịch, càng thêm ngao ngán

“Gọi là kênh Hy Vọng nhưng toàn gây thất vọng. Bao nhiêu năm, dân ở đây chờ đợi mỏi mòn vì không biết đến bao giờ dự án cải tạo kênh mới được thi công (dự án đã được phê duyệt từ lâu nhưng đang gián đoạn do thiếu vốn). Mấy năm trước, thỉnh thoảng còn thấy nạo vét rác, nhưng không hiểu sao, từ Tết tới giờ, rác dồn về lấp bít cả một đoạn dài mà chẳng thấy ai đụng tới. Đang mùa dịch COVID-19 nên suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, mỗi khi tù túng, ra bờ kênh hóng mát mà nhìn cảnh rác ngập, càng thêm ngán” - anh Hiếu, có nhà gần đoạn kênh ngập rác, than.

Theo ghi nhận của chúng tôi, suốt ba tháng qua, đoạn cuối kênh Hy Vọng luôn trong tình trạng tắc nghẽn bởi đủ các loại chất thải ô nhiễm dồn về. Rác nhiều đến nỗi biến một đoạn kênh thành bãi rác, chó, mèo cũng có thể đi lại bên trên mà không sợ bị ướt. Trên đoạn kênh thượng nguồn, chúng tôi nhận thấy nhiều thùng xốp, chất thải ô nhiễm bị vứt xuống và chúng chảy dồn hết về cuối kênh. 

Cuối năm 2019, sau khi kênh Hy Vọng được Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM nạo vét hết rác và lắp tấm biển tuyên truyền lớn che ngang ở đoạn kênh cuối nguồn (chỗ tiếp giáp đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình), cứ ngỡ tình trạng xả rác xuống dòng kênh này sẽ được cải thiện. Nhưng đến nay, khuất sau tấm biển tuyên truyền không xả rác, lượng rác dồn về còn nhiều hơn.

Theo phản ánh của người dân, không chỉ có thùng xốp, bịch ni lông, thức ăn thừa dồn về đoạn kênh cuối nguồn mà còn có cả xác động vật. “Do đoạn kênh này bị cái cống băng qua đường Phan Huy Ích làm hẹp lại nên bao nhiêu rác rến đều dồn hết lại. Ngán nhất là xác chuột chết, hầu như lúc nào cũng có. Nhiều bữa hôi thối quá không chịu nổi, bà con ở đây phải vớt lên, mang đi chôn” - một người dân có nhà ở sát bờ kênh, đoạn tiếp giáp với đường Phan Huy Ích, phản ánh. Theo người đàn ông này, tình trạng vứt rác xuống kênh chỉ xảy ra ở những đoạn thượng nguồn. “Nhiều người cứ tưởng đoạn kênh này nhiều rác là do dân xung quanh xả ra, nhưng không phải. Chúng tôi ở đoạn dưới này thường xuyên bị ô nhiễm, nên đâu dại gì mà vứt xuống để mình lãnh đủ” - ông phân bua.

Kênh rạch ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh - Ảnh:Hoàng Nhiên
Kênh rạch ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh - Ảnh:Hoàng Nhiên

Ô nhiễm gia tăng do ngừng nạo vét

Không chỉ kênh Hy Vọng, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ngập rác xảy ra khắp mọi tuyến kênh rạch ở TPHCM, nhiều nhất là ở rạch Bà Miên (Q.Gò Vấp), rạch Xuyên Tâm (Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh), kênh Nước Đen (Q.Bình Tân), rạch Bình Thái (Q.Thủ Đức)… Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm ở các tuyến kênh rạch này liên tục tái diễn. Đặc biệt, khoảng từ đầu năm 2020 đến nay, gần như không thấy đơn vị nào nạo vét rác.

Trong một báo cáo cho Thành ủy TPHCM về công tác vận động người dân không xả rác, từ năm 2019, UBND TPHCM đã đưa các tuyến kênh rạch nói trên vào danh sách các điểm thường xuyên bị xả rác gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; UBND TPHCM đã giao cho nhiều sở, ngành, quận, huyện liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát. Thế nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về tình trạng trên, một lãnh đạo của Công ty Thoát nước đô thị TPHCM cho hay: “Trước đây, công tác nạo vét rác trên kênh Hy Vọng mà một số tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước, chống ngập thường do công ty chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2019, sau khi UBND TPHCM có quyết định phân công lại công tác quản lý sông và kênh rạch, việc nạo vét bị dừng lại.

Cụ thể, theo quyết định mới của UBND TPHCM, những tuyến kênh nào chỉ chạy qua một quận/huyện thì giao cho cấp quận, huyện quản lý; những tuyến kênh, rạch có chức năng thoát nước chạy qua hai quận/huyện trở lên sẽ do Sở Xây dựng quản lý. Kênh Hy Vọng là một trong những tuyến kênh thoát nước quan trọng nhưng do chỉ chạy qua một quận nên hiện nay do quận quản lý, công ty thoát nước không còn nạo vét rác nữa”.

Rác trên kênh nhiều đến nổi chó, gà có thể đi lại bên trên bới tìm thức ăn, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Rác trên kênh nhiều đến mức chó, gà có thể đi lại bên trên bới tìm thức ăn, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo lãnh đạo công ty trên, trước đây, khi Trung tâm Chống ngập TPHCM còn tồn tại, công ty có ký hợp đồng để đơn vị này quản lý, duy tu nhiều tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước, trong đó có việc nạo vét rác trên kênh rạch. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm Chống ngập TPHCM giải tán và chuyển sang Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng), công tác nạo vét rác kênh rạch bị ảnh hưởng theo, số tuyến kênh rạch do công ty nạo vét giảm đáng kể. 

Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh

Tiến sĩ - Bác sĩ (TS-BS) Lê Văn Nhân - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho rằng, tình trạng rác tồn đọng quá nhiều trên kênh rạch sẽ gây ra những hệ lụy đến môi trường và sức khỏe người dân. “Đầu tiên, ảnh hưởng của những dòng kênh đầy rác đó là mùi hôi thối gây khó chịu. Nguy hiểm hơn, đó là nguồn “nuôi cấy” mầm bệnh, là nơi có nguy cơ phát tán dịch bệnh”.

Theo TS-BS Lê Văn Nhân, rác trên kênh thường có hai loại: rác vô cơ và hữu cơ. Trong đó, rác hữu cơ như thức ăn thừa, xác động vật… là nơi “ủ bệnh” vì các loài vi khuẩn gây bệnh rất dễ sinh sôi trong loại chất thải này. “Có thể xem rác hữu cơ tồn đọng lâu ngày, đặc biệt là xác động vật chết trên kênh, là nơi cộng sinh làm cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn và khả năng lây bệnh nhanh hơn. Các bệnh lây từ nguồn này thường là bệnh về đường ruột, tả lị, thương hàn…” - TS-BS Nhân giải thích thêm.

Tình trạng kênh rạch đầy rác ô nhiễm không chỉ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các khu dân cư gần đó mà còn tạo ra “vòng lây bệnh” trên diện rộng. BS Nhân phân tích: “Rác dồn về, đọng lại với khối lượng lớn sẽ làm cho dòng chảy tắc nghẽn và tình trạng nước tù xảy ra. Khi đó, dòng kênh sẽ thành nơi muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển nhiều nên các bệnh lây nhiễm từ muỗi sẽ dễ xảy ra. Mặt khác, rác hữu cơ, đặc biệt là xác động vật, là nguồn giúp cho vi khuẩn cộng sinh mạnh lên. Khi chim chóc, chó, gà bới rác tìm thức ăn, chúng cũng sẽ mang vi khuẩn theo và sẽ có nguy cơ lây bệnh từ chúng sang người”.

Tuy nhiên phía sau tấm biển tuyên truyền không xả rác là dòng kênh Hy Vọng luôn ngập ngọi trong hàng đống chất thải ô nhiễm, tăng nguy cơ lây nhiềm dịch bệnh.
Rác ngập một dòng kênh

“Đến khi dòng chảy trên kênh được khơi thông, các loại vi khuẩn gây bệnh có trong dòng nước sẽ tỏa đi khắp nơi. Chúng có thể đến nơi có nguồn nước được sử dụng cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và lây nhiễm bệnh thông qua rau quả, gia súc, gia cầm. Thậm chí, mầm bệnh trong nước kênh ô nhiễm còn có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và lây bệnh qua con đường này” - TS-BS Nhân khuyến cáo thêm. 

Hơn 12.000 lượt phản ánh về xả rác

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2019, có hơn 12.000 thông tin phản ánh của người dân về tình trạng xả rác. Đây là số liệu do 24 quận, huyện thống kê được từ chương trình vận động “Người dân không xả rác ra đường phố, kênh rạch, vì thành phố sạch và không ngập nước”.
Qua một năm triển khai chương trình trên, UBND TPHCM nhìn nhận, nội dung tuyên truyền, vận động người dân không xả rác vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, nhiều nơi vẫn xảy ra nạn xả rác bừa bãi. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong năm 2020, các sở, ngành, quận, huyện phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi xả rác gây ô nhiễm, giải quyết dứt điểm các khu vực ô nhiễm về rác thải. UBND TPHCM cũng yêu cầu các quận, huyện tổ chức đối thoại và vận động 100% hộ dân cam kết không xả rác ra đường phố và kênh rạch.

Trung Thanh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI