Những điều đặc biệt xung quanh kỳ thi đặc biệt

10/08/2020 - 06:49

PNO - Với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 - kỳ thi đặc biệt nhất trong lịch sử, tỉnh Hưng Yên có cả một “Chương trình chung tay phòng, chống COVID-19 và tiếp sức mùa thi năm 2020” do công an tỉnh tổ chức. Còn tại Hà Nội, lần đầu tiên bố trí năm nhân viên y tế “trực chiến” ở mỗi điểm thi…

Cũng là lần đầu tiên các điểm thi có cán bộ coi thi, nhân viên và hai phòng thi dự phòng để khi có trường hợp thí sinh ho, sốt... sẽ có phòng thi riêng giúp thí sinh yên tâm làm bài. Phụ huynh, từ lo âu con cái thi cử trong bối cảnh dịch bệnh đã thở phào khi tận mắt chứng kiến công tác kiểm tra, phòng dịch cũng như ngăn chặn các thiết bị gian lận.

Nhân viên y tế có mặt tại các điểm thi của TP.Hà Nội từ rất sớm
Nhân viên y tế có mặt tại các điểm thi của TP. Hà Nội từ rất sớm

Sự hỗ trợ đặc biệt của lực lượng công an

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) diễn ra giữa mùa COVID-19, nên sử dụng khẩu trang là điều bắt buộc để phòng ngừa dịch. Các thiết bị gian lận cũng đã theo khẩu trang luồn lọt vào thị trường, được các cơ quan chức năng phát hiện ngay trước khi kỳ thi diễn ra mấy hôm.

Công an quận Long Biên, TP. Hà Nội đã phân công các chiến sĩ túc trực ở cổng trường, vừa để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi, vừa kiểm tra - tránh hiện tượng thí sinh sử dụng khẩu trang có gắn các thiết bị gian lận cũng như các thiết bị gian lận khác.

Quanh khu vực trường, công an phường Ngọc Lâm không bỏ sót bất cứ điểm cao nào mà các đối tượng có khả năng phát sóng.

Còn ở tỉnh Hưng Yên, điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT chuyên Hưng Yên năm nay đặc biệt hơn bao giờ hết, bởi “Chương trình chung tay phòng, chống COVID-19 và tiếp sức mùa thi năm 2020” do công an tỉnh tổ chức.

Các chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên cùng lực lượng tình nguyện đo thân nhiệt, sát khuẩn cho thí sinh - Ảnh: Văn Hải
Các chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên cùng lực lượng tình nguyện đo thân nhiệt, sát khuẩn cho thí sinh - Ảnh: Văn Hải

Thầy Lưu Minh Nam - Phó hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: ý tưởng của chương trình xuất phát từ Ban giám đốc công an tỉnh. Như mọi năm, lực lượng công an cũng là một thành phần trong ban chỉ đạo thi của tỉnh. Nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất phức tạp, công an tỉnh muốn được làm nhiều hơn cho học sinh nên đã đề xuất với Sở Giáo dục - Đào tạo Hưng Yên. Thế là chương trình đã được triển khai.

Những ngày này, khoảng cách giữa những chiến sĩ công an và các sĩ tử như đã xóa nhòa. Nụ cười thường trực khác hoàn toàn nét mặt nghiêm nghị, lạnh lùng thường thấy. Các anh đã cùng lực lượng tình nguyện của Trường THPT chuyên Hưng Yên tiến hành đo thân nhiệt, tặng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn giúp các sĩ tử đảm bảo sức khỏe trong những ngày thi.

Một thành viên trong đội tình nguyện hồ hởi: “Các chú công an rất đáng yêu, thân thiện, vui tính và nhiệt tình nữa. Năm ngoái, chúng tôi vừa mệt vừa khát nước, nhưng năm nay có các chú ở đây, chúng tôi không thấy mệt nữa”.

Nhìn các lực lượng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau; trong cái nắng đầu thu, ánh mắt thầy hiệu phó thêm ấm áp: “Tôi thấy kỳ thi năm nay diễn ra đúng mùa dịch lại vô tình khiến mọi người càng gắn kết hơn - đúng như đức tính của người Việt: càng trong khó khăn, mọi người càng đoàn kết. Nhờ sự gắn kết đó mà công tác chuẩn bị cho kỳ thi thuận lợi hơn. Việc phòng dịch cũng hiệu quả hơn rất nhiều”.

Những xúc cảm khó gặp lại

Có mặt ở điểm thi Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) từ rất sớm, bà Liên nhấp nhổm trên vỉa hè dõi theo bóng con gái bên kia đường đang làm thủ tục đo thân nhiệt trước cổng trường. Con gái vào bên trong rồi, bà Liên mới quay lại chỗ chồng và cô con gái cả.

Nét mặt đầy âu lo, bà Liên kể cả bốn thành viên trong nhà đều thức giấc từ 4-5g sáng, người chuẩn bị đồ ăn, người thì hồi hộp, lo lắng không ngủ được. 

Từ lúc vừa thức giấc, bà Liên đã đứng trước ban thờ gia tiên thắp nhang cầu khấn. Bà bảo: “Lần này cô út đi thi, nên ngoài việc xin ông bà tổ tiên phù hộ cho con thi tốt như cô chị, bà còn cầu xin cho con được bình an”.

Trước thi mấy ngày, thông tin về số bệnh nhân mắc COVID-19, rồi lượng người Hà Nội từ Đà Nẵng về lên đến cả chục vạn khiến vợ chồng bà đứng ngồi không yên.

Cũng vì COVID-19 mà việc học hành của con bị gián đoạn, nên mấy tháng trước, vợ chồng bà đã phải thắt lưng buộc bụng thuê gia sư dạy riêng cho con gái. Ba tiếng học môn toán mỗi buổi là 800.000 đồng.

Chúng tôi trách nhẹ: “Nhà bà có đến ba người “hộ tống” sĩ tử, trong lúc COVID-19 đang phức tạp thế này…”.

Bà Liên gãi đầu gãi tai: “Cũng tại vợ chồng, con cái lo lắng quá. Bao nhiêu công học tập, bao nhiêu của bố mẹ đổ vào. Cháu nó đi thi trong lúc COVID-19 đang nóng, chúng tôi càng thêm lo nên mới kéo cả nhà đi. Lát nữa, nhà tôi sẽ rút bớt”.

Thí sinh chờ gọi tên vào phòng thi  - Ảnh: Tam Nguyên
Thí sinh chờ gọi tên vào phòng thi - Ảnh: Tam Nguyên

Kỳ thi đặc biệt năm nay của Hà Nội còn có sự túc trực của các nhân viên y tế. Trước khi phụ huynh và thí sinh bắt đầu đổ về điểm thi, những bóng blouse trắng cùng áo xanh tình nguyện đã có mặt ở Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội).

Miệt mài, cẩn trọng đo thân nhiệt từng thí sinh cho đến khi cổng trường khép lại, chị Nguyễn Thị Lan (nhân viên y tế quận Tây Hồ) có vẻ hụt hơi: “Lần đầu tiên y tế chúng tôi hỗ trợ một kỳ thi. Chúng tôi bảo nhau tập trung tốt nhất trong trọn vẹn ba ngày để cùng các cán bộ, nhân viên giáo dục đảm bảo kỳ thi được suôn sẻ. Chúng tôi không mong gì ngoài việc các thí sinh có ý thức giữ gìn sức khỏe, ý thức phòng dịch, cố gắng cùng tất cả mọi người”.

Buổi thi đầu tiên kết thúc, thí sinh Nguyễn Vân Anh (quận Tây Hồ) cũng chung nhận xét như các bạn: đề thi văn không quá khó nhưng dài.

“Dù không trực tiếp nhắc đến dịch bệnh, song cả phần đọc hiểu và phần làm văn đều khiến em nghĩ về sinh mạng, sự sống của con người; về những ngày cả nước đang căng mình chống dịch, nhất là các bác sĩ đang tập trung tăng cường cho miền Trung”, Vân Anh xúc động nói. 

Hà Nội tiếp tục tăng cường an toàn phòng dịch tại các điểm thi sau ca mắc COVID-19 thứ phát

Tại điểm thi của Trường THPT Phan Đình Phùng, qua kê khai y tế, có 3 thí sinh trở về từ vùng dịch, kết quả kiểm tra hiện đã cho kết quả âm tính với vi-rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, kiểm tra điểm thi này ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, 3 thí sinh này sau môn thi vẫn phải theo dõi nhiệt độ hằng ngày để đảm bảo an toàn. Bởi theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện TP. Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân 812 là ca lây nhiễm thứ phát, bệnh nhân này làm xét nghiệm Real-Time PCR lần thứ ba mới ghi nhận mắc COVID-19.

“Sau mỗi buổi thi, yêu cầu các trường phải khử khuẩn phòng thi. Các lực lượng làm nhiệm vụ phải bảo vệ an toàn tuyệt đối”, ông Chung nhấn mạnh công tác vệ sinh khử khuẩn trong kỳ thi đặc biệt. Ông cũng đánh giá, nhiều nhà trường đã chuẩn bị công tác phòng dịch tốt, từ cán bộ coi thi tới thí sinh tuân thủ việc đeo khẩu trang đầy đủ. 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các điểm thi cần tuyên truyền tốt hơn để phụ huynh sau khi đưa con đến trường về nhà nghỉ ngơi, không tụ tập ở bên ngoài. Lãnh đạo TP. Hà Nội khuyến cáo, sau khi thi, thí sinh và phụ huynh nhanh chóng ra về, không nên đứng lại trước cổng trường để trao đổi, tránh tình trạng tập trung đông, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng. 

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều điểm thi vẫn còn tình trạng phụ huynh đứng bên ngoài cổng trường chờ con, tuy nhiên, hầu hết đều đeo khẩu trang.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có gần 80.000 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Có năm thí sinh thuộc diện F2 không tham gia dự thi. 

Các điểm thi đã xây dựng phương án ứng phó và xử lý tình huống khi phát hiện thí sinh hoặc cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại điểm thi được huấn luyện những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có tình huống bất thường. 

 Huyền Anh

Uông Ngọc - Đức Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI