Những cái chết ám ảnh vì gameshow

21/11/2020 - 19:58

PNO - Sau khi hoàn thành các thử thách trong gameshow vận động, thí sinh ngất xỉu tại chỗ, được đưa đến bệnh viện rồi tử vong.

Wipeout - gameshow vận động của Mỹ, đang ghi hình cho mùa phát sóng mới, sau 7 mùa khá thành công. Mùa thứ 8 là lần trở lại khá đặc biệt của Wipeout vì chương trình đã dừng phát sóng từ năm 2014, do đó, nhà sản xuất (NSX) Endemol Shine North America đã “bày” nhiều thử thách mới, có độ khó cao hơn.

Tuy nhiên, điều mà NSX không ngờ là sau khi nâng cấp độ thử thách, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Ngày 21/11 (giờ Việt Nam), hàng loạt báo quốc tế đưa tin về cái chết thảm thương của một thí sinh tham gia Wipeout.

Thí sinh này ngất xỉu sau khi cật lực hoàn thành các thử thách. Theo Variety, đội ngũ y tế có mặt tại điểm ghi hình đã sơ cấp cứu, sau đó chuyển thí sinh đến bệnh viện địa phương nhưng không lâu sau, thí sinh qua đời.

Wipeout - trò chơi vận động rất được yêu thích tại Mỹ.
Wipeout - gameshow vận động rất được yêu thích tại Mỹ

“Chúng tôi rất đau lòng khi biết tin anh ấy qua đời. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình”, đại diện NSX nói. Phía NSX khẳng định, trước khi tham gia gameshow, các thí sinh đều được kiểm tra thể lực, tuy nhiên, họ không lường trước được sự việc.

Sau sự cố, Wipeout tạm dừng sản xuất vài ngày, chương trình cho biết sẽ tiếp tục quay vào ngày 30/11.

Tai nạn ở Wipeout không phải là lần đầu một gameshow xảy ra sự cố chết người. Tháng 11/2019, làng giải trí Trung Quốc chấn động trước thông tin Cao Dĩ Tường qua đời khi đang ghi hình show Chase me (Đuổi theo tôi đi). Theo lời bác sĩ, nam diễn viên qua đời vì kiệt sức dẫn đến đột quỵ. Nếu được cứu chữa kịp thời tại trường quay, Cao Dĩ Tường có thể vượt qua cơn nguy kịch, nhưng không có lực lượng y tế tại chỗ để sơ cấp cứu.

Tham gia Wipeout, thí sinh được kiểm tra thể lực.
Trước khi tham gia Wipeout, thí sinh đã được kiểm tra thể lực

Gameshow mà Cao Dĩ Tường tham gia cần người chơi có thể lực tốt, thậm chí phải "chịu chơi", chấp nhận thử thách mà không sợ xấu hình ảnh. Ngay khi nam diễn viên tham gia, anh không đạt thể lực tốt nhất, cơ thể vốn mệt mỏi từ trước đã không vượt qua nổi các thử thách. Từ tai nạn của Cao Dĩ Tường, giới giải trí Trung Quốc đã phải rà soát lại hàng loạt gameshow vận động để có những biện pháp phòng tránh các tai nạn tương tự.

Ở Việt Nam, dù không thịnh hành bằng gameshow hài, nấu ăn hay hát hò nhưng nhiều năm qua, đã có một số gameshow vận động, thể lực xuất hiện, được khán giả yêu thích như Cuộc đua kỳ thú, Không giới hạn - Sasuke Việt Nam, Chạy đi chờ chi - Running man bản Việt, Mỹ nhân hành động...

Các thí sinh tham gia nhiều thử thách yêu cầu thể lực cao như leo núi, chạy mô tô vượt địa hình, thử thách Người nhện nhảy, đu dây vượt thác... đều là những nội dung nói không với những người thể lực yếu nên trước khi tham gia chương trình, mọi người đều phải vượt qua các bài khảo sát thể lực, tập luyện dài ngày.

Những thử thách của chương trình Sasuke Việt Nam được giữ nguyên độ khó so với bản gốc.
Những thử thách của chương trình Sasuke Việt Nam được giữ nguyên độ khó so với bản gốc

Tuy nhiên, sự nguy hiểm tiềm ẩn trong các gameshow không chỉ tồn tại ở những chương trình vận động mà với các gameshow giải trí đơn thuần như Người bí ẩn, Song đấu, Kỳ tài lộ diện, 100 giây rực rỡ, Vietnam’s got talent... Hiểm hoạ chực chờ trong từng tiết mục có yếu tố hành động, mạo hiểm.

Thí sinh chương trình Vietnam’s got talent đã từng uống nhầm cốc axit vì tưởng đó là cốc nước, phải nhập viện để điều trị vì bị bỏng đường ruột. Thí sinh chương trình Song đấu cũng từng bị gãy răng, chảy máu vì màn thi đấu tách vỏ dừa bằng tay không và bằng răng.

Nhiều màn biểu diễn của các thí sinh như nuốt dao, đâm kiếm, cho xe máy chạy qua người, đặt gạch lên người biểu diễn là trẻ em rồi dùng búa đập vỡ... khiến người xem rùng mình kinh hãi dù chỉ được xem phát lại trên truyền hình.

Phía nhà sản xuất khẳng định luôn đảm bảo an toàn cho người chơi và họ đều là những người có nhiều năm tập luyện, biểu diễn những màn mạo hiểm đó. Nhưng hầu hết những người chơi khi được hỏi đều thú nhận, xác suất xảy ra tai nạn là 50/50, chỉ cần cơ thể mệt mỏi hoặc mất tập trung là tai nạn có thể xảy ra, dù họ đã biểu diễn tiết mục đó vài chục, thậm chí hàng trăm lần.

Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ sau khi tham gia gameshow về cũng đăng tải những hình ảnh tay chân bị bầm dập dù mức độ vận động vừa phải. Lý Nhã Kỳ cho biết, chân cô bị bầm tím nhiều chỗ sau khi chơi Nhanh như chớp; DJ Mie "khóc ròng" vì bị bầm, trầy xướt tay chân khi chơi trong chương trình Sao hoả, sao kim.

Đáng kể nhất phải nhắc đến Hari Won - người đẹp sau mỗi lần quay gameshow đều "khoe" những vết trầy xước, tay chân chảy máu. Hari Won hiện tham gia với vai trò người dẫn chương trình, người chơi cho khá nhiều gameshow trên truyền hình.

Ngọc Thanh Tâm thực hiện thử thách trong gameshow Mỹ nhân hành động. Cô nhiều lần bật khóc vì chương trình đưa ra nhiều thử thách qua khó.
Ngọc Thanh Tâm thực hiện thử thách trong gameshow Mỹ nhân hành động. Cô nhiều lần bật khóc vì chương trình đưa ra nhiều thử thách quá khó.

Dù chưa gây ra tai nạn chết người, nhưng cách thức tổ chức các gameshow tại Việt Nam cũng cần được rà soát lại để giảm tối đa khả năng thiệt hại về người. Thậm chí, nhiều chương trình có các trò chơi vận động bạo lực, giành giật, lôi kéo người chơi cũng cần được hạn chế trên truyền hình.

Ở một số chương trình như Kỳ tài thách đấu, 7 nụ cười xuân hay Sao hoả, sao kim hình ảnh các người chơi là nghệ sĩ lao vào dùng hết sức để xô đẩy, giành giật, lôi kéo nhau... thiết nghĩ cần phải hạn chế vì chỉ nhằm tạo tiếng cười nhưng đôi khi sẽ làm mất hình tượng nghệ sĩ và gây ra những chấn thương không đáng.

Cái chết của một thí sinh ở gameshow quốc tế những tưởng không liên quan đến làng giải trí Việt nhưng hoàn toàn không loại trừ khả năng một ngày nào đó, chương trình được mua bản quyền sản xuất tại Việt Nam. Sự cẩn trọng, chủ động rà soát trong các chương trình có yếu tố vận động là cần thiết, nhất là khi tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào. 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI