Hành trình tạo điểm tựa, trao yêu thương:

Những buồn vui của phóng viên sau mặt báo

19/05/2023 - 06:58

PNO - Trưa 17/5, khi các phóng viên đang tỏa đi khắp nơi để thu thập tài liệu cho những bài viết đã được lên kế hoạch thì một cuộc gọi đến tòa soạn, báo tin một bé gái ở huyện Bình Chánh, TPHCM bị xâm hại tình dục. 2 phóng viên liền được yêu cầu gác lại việc đang làm, cấp tốc tìm hiểu vụ này.


 

Chị Lưu Thị H. với hạnh phúc mỗi tối được vui đùa và dạy 2 con học - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Chị Lưu Thị H. với hạnh phúc mỗi tối được vui đùa và dạy 2 con học - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó chỉ là một trong hàng chục, hàng trăm vụ việc mà Báo Phụ nữ TPHCM “thụ lý” và thực hiện mỗi năm khi được bạn đọc tín nhiệm gọi đến.
Chỗ dựa của người yếu thế

Một ngày đầu xuân, cô phóng viên ngồi phịch xuống, nước mắt trào ra khi nhận tin: “Đáng lẽ hôm nay bé Hồ Mộng K. đến sống ở mái ấm dành cho bé gái bị xâm hại tình dục, nhưng do công an không khởi tố vụ án, bắt giam nghi phạm là ông hàng xóm nên bé đã uống thuốc tự tử”.

Cái chết của Hồ Mộng K. - nữ sinh lớp Năm ở tỉnh Cà Mau - càng làm tăng quyết tâm của phóng viên trên hành trình đi tìm công lý cho bé, cho gia đình và buộc kẻ thủ ác phải nhận bản án thích đáng. Năm 2018, gã hàng xóm trên đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên phạt 7 năm tù về tội dâm ô với trẻ em.

Năm 2016, ông Nguyễn Văn T. - ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - khởi kiện tranh chấp nhà với con gái trong hoàn cảnh già yếu, bệnh tật, bị đẩy ra khỏi nhà. Bằng những chứng cứ thuyết phục, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông T. Sau nhiều năm bị chuyển hồ sơ vụ án lên xuống giữa tòa huyện và tòa tỉnh, ông T. đã có quyết định thắng kiện sơ thẩm. Nghe giọng ông yếu ớt, khàn đục vì bệnh hen suyễn kinh niên báo tin “tui sắp được nhận lại nhà”, phóng viên mừng vui khôn xiết. Tiếc thay, ngày vui chưa kịp đến thì ông đã đột ngột qua đời.

Trong các vụ tranh chấp liên quan đến trẻ em, tâm nguyện của người làm báo là tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho trẻ. Tuy nhiên, do chưa hiểu điều này, không ít phụ huynh phản ứng dữ dội khi phóng viên tiếp cận, can thiệp “chuyện nhà”, thậm chí còn chửi mắng, hăm dọa phóng viên.

Trước thềm sinh nhật lần thứ 48 của Báo Phụ nữ TPHCM, chị Lưu Thị H. (tỉnh Bình Dương) gửi hình 3 mẹ con chơi đùa nơi góc nhà bình yên kèm tin nhắn: “2 con đã lớn tầm này nè dì ơi”. Với sự trợ giúp về mặt pháp lý của Báo Phụ nữ TPHCM, sau hành trình tranh chấp quyền nuôi con khá gian nan với chồng cũ kéo dài nhiều năm, chị H. đã hoàn thành được ước mơ cho 2 anh em đoàn tụ trong vòng tay mẹ. 

Nạn nhân bạo lực gia đình xin “không đăng”

Trưa 6/4, phóng viên hớt hải gọi điện về tòa soạn: “Rút lại bài giùm em với. Chị N. xin phép đừng đăng, chị ấy đã ký giấy bãi nại cho chồng rồi. Chị xin lỗi báo và nói sợ ảnh hưởng đến việc làm của chồng”. Chị N. là nạn nhân của bạo lực gia đình kéo dài gần 6 năm.

Trước đó, để xác minh cuộc gọi kêu cứu của chị N., phóng viên đã phải ngược xuôi nhiều ngày để xác minh, trao đổi với cơ quan chức năng và đảm bảo cho chị N. được an toàn trong một nhà tạm lánh. Chị Chung Mỹ Duyên - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - kể: “Địa phương đã xử phạt hành chính người chồng về hành vi bạo hành. Hội Phụ nữ đang phối hợp với chính quyền, ban giám hiệu nơi cô N. dạy học để cùng bàn cách xử lý tiếp vụ việc...”. Nhưng vì sự “đổi ý” của nạn nhân, mọi nỗ lực của phóng viên và các cơ quan đành dừng lại. 

Chị N. là 1 trong 7 nạn nhân bạo lực gia đình xin rút đơn tố cáo sau khi đã nhờ Báo Phụ nữ TPHCM can thiệp từ đầu năm 2023 đến nay. 

Vào tận nhà trao quà cho bà con vùng thiên tai 

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM (phụ trách Báo Phụ nữ TPHCM từ tháng 9 - 12/2020) - đến thăm, tặng quà chị Hồ Thị Pai - thôn 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa - trong chuyến công tác vào năm 2020 - ẢNH: THUẬN HÓA
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM (phụ trách Báo Phụ nữ TPHCM từ tháng 9 - 12/2020) - đến thăm, tặng quà chị Hồ Thị Pai - thôn 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa - trong chuyến công tác vào năm 2020 - Ảnh: Thuận Hóa

Bất cứ lúc nào và ở đâu, khi bà con gặp thiên tai, hoạn nạn, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM cũng đều có mặt kịp thời ở “điểm nóng” để hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần. 

Còn nhớ, khi cùng đoàn công tác Hội LHPN TPHCM đến các xã vùng biên giới Việt - Lào của các huyện Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị cuối năm 2022, sau gần 2 giờ vượt qua nhiều đoạn đường đèo dốc đoàn đến được gần đập tràn xã A Dơi thì không thể đi tiếp do lũ dâng cao chia cắt tuyến đường từ xã A Dơi đến UBND xã Pa Tầng. Dù chỉ cách nơi dự kiến trao quà cho bà con bị lũ chỉ 2km nhưng đoàn phải quay xe về lại đồn biên phòng Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) để tổ chức trao quà cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Đội mưa đến thăm bà con thôn 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, các thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc sống khốn khó của bà con người đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Cô nơi đây. Toàn thôn có 103 hộ thì có đến 60 hộ thuộc diện nghèo, số còn lại là cận nghèo. 

Một kỷ niệm nữa mà chúng tôi không bao giờ quên là chuyến trao quà, hỗ trợ hơn 300 triệu đồng do bạn đọc đóng góp cho bà con các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị, giúp họ sửa lại nhà sau những trận “lũ chồng lũ” diễn ra vào tháng 10 - 11/2020. Giữa lúc nước lũ còn bủa vây tứ phía, chúng tôi đã thuê đò máy của người dân để đưa quà vào từng thôn xóm của các xã Hải Phong, Hải Quế, Hải Định (huyện Hải Lăng), tận tay trao mì tôm, gạo, sữa cùng tiền mặt để bà con ổn định cuộc sống trong lúc bão, lũ. 

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM vượt lũ đi tặng quà cho người dân các xã vùng ngập lũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năm 2020 - ẢNH: THUẬN HÓA
Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM vượt lũ đi tặng quà cho người dân các xã vùng ngập lũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năm 2020 - Ảnh: Thuận Hóa

Chúng tôi cũng trao tặng nhiều nhà mới cho những phụ nữ có nhà bị bão, lũ làm hư hại hoàn toàn. Nhận nhà mới, chị Nguyễn Thị Tú (xã Hải Phong) xúc động: “Ở đây, mùa mưa, có khi lũ kéo dài hơn 2 tháng. Nhờ báo, mấy mẹ con tôi đã có căn nhà mới chống lũ an toàn, không phải bỏ hết đồ đạc để vào trường mẫu giáo lánh nạn. Cảm ơn báo và các bạn đọc hảo tâm”.

Ở tất cả các chuyến công tác, dù di chuyển trong điều kiện thời tiết bất lợi, nguy hiểm, chúng tôi vẫn quyết tâm đến tận nơi để thăm hỏi, tặng quà cho bà con bởi đó là trách nhiệm với bà con vùng bị thiên tai và trách nhiệm với tấm lòng, sự ủy thác của người dân TPHCM hướng đến đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn. 

Từ năm 2022 đến nay, từ thông tin tiếp nhận được qua Đường dây khẩn (0913 159 315) của mình, Báo Phụ nữ TPHCM đã hỗ trợ gia đình nạn nhân đòi được lẽ công bằng trong 6 vụ trẻ bị xâm hại tình dục, 6 vụ bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý cho 20 phụ nữ ly hôn để thoát khỏi tình trạng bị chồng bạo hành triền miên...

Diệu Hiền - Nghi Anh - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI