Những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Shinzo Abe

28/08/2020 - 18:51

PNO - Không chỉ là một thủ tướng với thời gian tại vị liên tục lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, Shinzo Abe còn ghi dấu ấn đậm nét trong suốt giai đoạn nắm quyền của mình tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.

Tính đến ngày 28/8/2020, Shinzo Abe là thủ tướng có thời gian phục vụ liên tục lâu nhất trên cương vị người đứng đầu nội các của xứ sở hoa anh đào kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Nếu tính cả khoảng thời gian lãnh đạo từ năm 2006-2007 thì tổng số ngày cầm quyền của Thủ tướng Abe là hơn 3.500 ngày, nhiều hơn con số 2.886 ngày mà cựu Thủ tướng Taro Katsura từng lãnh đạo đất nước này vào những năm 1900. Trước đó, người chú ruột của ông Abe là Eisaku Sato cũng đã có thời gian làm thủ tướng Nhật Bản khá lâu, từ tháng 11 năm 1964 đến tháng 7 năm 1972.

Shinzo Abe (bên phải), đã là thủ tướng Nhật Bản trong 2.8886 ngày liên tiếp tính đến ngày 28/8/2020. Chú ruột của ông Abe là Eisaku Sato (bên trái) cũng có thời gian phục vụ lâu dài trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản - Ảnh: Nikkei
Shinzo Abe (bên phải) là thủ tướng Nhật Bản vượt qua mốc 3.500 ngày liên tiếp tính đến ngày 28/8/2020. Chú ruột của ông Abe là Eisaku Sato (bên trái) cũng có thời gian phục vụ lâu dài trên cương vị thủ tướng Nhật Bản - Ảnh: Nikkei

Theo lộ trình thì ông Abe sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhật Bản cho đến 30/9/2021, thế nhưng, hiện đang rộ lên những tin đồn về việc ông đang lên kế hoạch từ chức vì lý do sức khỏe.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe trên cương vị thủ tướng là vào tháng 9/2006. Chỉ sau đó một năm, ông đã xin từ chức vì lý do sức khỏe. Ông quay trở lại chính trường để lãnh đạo đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) vào tháng 9/2012 để rồi chính thức ngồi vào chiếc ghế cao nhất trong văn phòng thủ tướng sau đó 3 tháng.

“Kiến trúc sư trưởng” cho chính sách kinh tế mang tên mình

Trong thời gian cầm quyền, ông Abe được biết đến như là một hình mẫu chú trọng đến việc thúc đẩy Nhật Bản, vốn đang trì trệ, trở nên phát triển hơn thông qua các chính sách kinh tế đầy tham vọng. Ông chính là “kiến trúc sư trưởng” cho “chính sách Abenomics” (được ghép bởi tên của ông là Abe và từ Economics) với những kế hoạch táo bạo nhằm tăng nguồn cung cho ngân sách quốc gia, tăng chi tiêu của chính phủ, đồng thời cải cách để làm cho nền kinh tế Nhật Bản tăng tính cạnh tranh. Báo The Economist từng gọi chính sách này là "hỗn hợp của sự phục hồi hệ thống tiền tệ, chi tiêu chính phủ và một chiến lược tăng trưởng được thiết kế để kéo nền kinh tế ra khỏi sự đình trệ đã kìm hãm nó trong suốt hơn hai thập kỉ".

Mặc dù một số nhà phân tích vẫn có nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của chính sách này, nhất là khi mà tình trạng lạm phát của đất nước vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thế nhưng giáo sư Izuru Makihara thuộc Đại học Tokyo, một chuyên gia chuyên theo dõi tình hình chính trị Nhật Bản lại có suy nghĩ khác. “Giá trị của đồng Yên đã thay đổi mạnh theo hướng tích cực”, Makihara phân tích. “Cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng thúc đẩy xuất khẩu, kinh tế Nhật Bản đã và đang khởi sắc kể cả khi ông Abe chưa thành công trong việc xử lý tình trạng lạm phát”.

Giáo sư Makihara cũng tin rằng, chính sách cải thiện kinh tế dựa trên mối quan hệ hợp tác với các quốc gia láng giềng chính là dấu ấn đậm nét mà ông Abe cùng nội các của mình đã thực hiện thành công trong suốt thời gian tại vị.

“Có lẽ, điều quan trọng nhất giúp ông Abe có thể ở lại lâu đến như vậy trên cương vị thủ tướng là nhờ tính cách khiêm tốn mà ông đã học được từ trong quá khứ, và cả từ chính những đối thủ chính trị của mình. Nhờ vậy mà ông đã không mắc phải những sai lầm của chính mình ở nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên”.

iai đoạn hai của chương trình kích thích kinh tế mang tên ông - Abenomics với những mục tiêu được đánh giá là “đầy tham vọng” - Ảnh: Bloomberg
Giai đoạn hai của chương trình kích thích kinh tế mang tên Abenomics với những mục tiêu được đánh giá là “đầy tham vọng”  của thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Bloomberg

Một trong những ưu tiên của ông Abe là “tạo dựng sự ổn định cho tình hình chính trị của đất nước, cũng như tập trung thực hiện các lời hứa đã đề ra trong thời gian tranh cử”.

Giáo sư Hiroshi Hirano tại trường Đại học Gakushuin, một người chuyên theo dõi bầu cử và chính trị Nhật Bản, đồng tình với điều này.

“Nếu xem xét văn phòng thủ tướng như là một trung tâm quyền lực của đất nước thì ông Abe đã rất nỗ lực trong việc duy trì khả năng tập trung quyền lực cũng như tạo ra sức ảnh hưởng của nội các do mình phụ trách lên nhận thức của công chúng”, giáo sư Hirano giải thích.

“Mặc dù bản thân ông Abe không có ‘sức quyến rũ’ như người tiền nhiệm Koizumi. Thế nhưng ông ấy lại biết cách sử dụng sức mạnh của tập thể để làm nổi bật vai trò thủ lĩnh của mình”.

Chính sách ngoại giao của Shinzo Abe

Thủ tướng Shinzo Abe cũng là người ghi nhiều dấu ấn tích cực trong nhiệm vụ đối ngoại của mình với những “bài toán khó” như: vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư  (Senkaku) với Trung Quốc khiến Nhật Bản phải tăng thể hiện thái độ cứng rắn bằng quân sự và hiện đại hóa vũ khí, cũng như tăng cường liên minh với Hoa Kỳ; tiên phong trong việc thúc đẩy công tác đối ngoại thông qua việc xây dựng mối quan hệ đối tác từ Ấn Độ đến Australia ở khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ khu vực Đông Nam Á đến châu Âu, mà phần lớn là nhằm đưa ra các phản ứng đối với sự trỗi dậy và gây hấn của Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Australia Julie Bishop trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Iwaki, Nhật Bản, 5/2015 Ảnh: foreignminister.gov.au
Bộ trưởng ngoại giao Australia Julie Bishop trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Iwaki, Nhật Bản, 5/2015 - Ảnh: foreignminister.gov.au

Trong suốt thời gian dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Đông Nam Á vẫn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Ngay khi nhậm chức vào tháng 1/2013, Thủ tướng Abe đã chọn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm khởi điểm cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị Thủ tướng.

Trong chuyến thăm Indonesia cùng thời gian, ông Abe đã đề xuất  “Năm nguyên tắc cho chính sách ngoại giao của chính quyền mới đối với khu vực” (Abe Doctrine), trong đó chú trọng đến việc tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN. Chỉ trong năm 2013, Thủ tướng Abe đã hoàn tất các chuyến thăm đến tổng cộng 10/11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia có sự gia tăng về mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn ODA cho các nước đang phát triển ở khu vực này.

Ảnh: ALBERT ALCAIN
Đông Nam Á là khu vực ưu tiên trong chính sách ngoại giao của thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Albert Alcain

Những bước đi nói trên thể hiện rất rõ sự tiếp nối của chính quyền Abe đối với đường hướng của Học thuyết Fukuda 1977, bao gồm ba nguyên tắc chính: (1) Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành cường quốc quân sự; (2) Thúc đẩy quan hệ với ASEAN dựa trên sự thấu hiểu thực sự; và (3) Hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN như các đối tác bình đẳng.

Thủ tướng Shinzo Abe với Việt Nam

Trong suốt thời gian giữ vai trò Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã thực hiện 04 chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào các thời điểm: Lần 1 vào tháng 11/2006 tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14; lần 2 cùng phu nhân vào tháng 1/2013. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản; lần 3 cùng phu nhân vào tháng 1/2017; lần 4 vào tháng 11/2017 tham dự Hội nghị APEC 2017.

Thủ tướng Shinzo Abe luôn bày tỏ sự coi trọng trong quan hệ hợp tác với Việt Nam về mọi mặt thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, các viện nghiên cứu,... của Nhật Bản tham gia vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng không ngừng đầu tư vào Việt Nam nhằm hỗ trợ các chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật với tầm nhìn đến 2030, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc, đường sắt đô thị,...

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abe vào tháng 1/2020 tái thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước Việt Nam và Nhật Bản - Ảnh: vnembassy-jp.org
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abe vào tháng 1/2017 tái thể hiện sự coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản - Ảnh: vnembassy-jp.org

Trong năm 2019, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất với tổng vốn đăng ký gần 8 tỉ USD.

Nguyễn Thuận

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI