Nhìn điểm tốt mà sống

15/06/2023 - 19:28

PNO - Chị thường xuyên viết những tâm sự buồn trên Facebook, tự trách mình bất hiếu vì trót lấy chồng toan tính. Nhiều người tiên đoán họ sẽ sớm chia tay vì khác biệt quá lớn.

Cưới được 1 năm, chị đã muốn “bỏ chạy” vì hành xử lạnh lùng, ích kỷ của chồng.

Lần ấy, em trai của chị bị tai nạn rất nặng, cả nhà phải đóng góp tài chính để chạy chữa. Trong nhóm chat gia đình, ai cũng trấn an, động viên em dâu đừng quá nặng lòng chuyện tiền mà hãy tập trung chạy chữa cho chồng.

Ngay lúc ấy, chồng chị nhắn vào nhóm: “Tai nạn chỉ là sự cố, vẫn phải cân bằng chi phí để đỡ khổ về sau”. Tưởng đó chỉ là lời khuyên lý trí giữa hoạn nạn, chẳng ngờ, anh quán triệt luôn với vợ: chỉ biếu em trai chút tiền thăm bệnh, không cho quá nhiều.

Theo anh, vợ chồng chỉ chịu trách nhiệm hoàn toàn với cha mẹ và con cái, với anh em thì chỉ chia sẻ tinh thần, vì không ai trù liệu tiền bạc cho những khoản như thế.

Lần ấy, chị sốc. Em trai chị bị chấn thương ở đầu, chi phí phẫu thuật rất cao, nhưng anh lại tiếp cận câu chuyện với những nguyên tắc về tiền bạc. May mắn là chuyện cũng qua. Nhưng khoảng cách vợ chồng cũng xuất hiện từ đó.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chuyện trên không phải là cú sốc duy nhất của chị với chồng. Chị phóng khoáng, còn anh lại rất chi li. Anh lên hẳn một kế hoạch chi tiêu khá cơ bản cho gia đình, bao gồm các hạng mục cụ thể như học hành, sức khỏe, điện nước, ăn uống… Mỗi khoản thu phải trích 50% tiết kiệm, 50% còn lại chia cho các hạng mục trên với tỉ lệ nhất định.

Ban đầu, chị khá hào hứng với kế hoạch của chồng, nhưng đến khi cần chi tiền đột xuất cho nhu cầu phát sinh nào đó hoặc để giúp đỡ ai đó thì chị lập tức vấp phải nguyên tắc lạnh lùng của anh. Xung đột cứ thế liên miên.

Sau vụ tai nạn của em trai, chị giận chồng khá lâu. Chị thường xuyên viết những tâm sự buồn trên Facebook, tự trách mình bất hiếu vì trót lấy chồng toan tính. Nhiều người tiên đoán họ sẽ sớm chia tay vì khác biệt quá lớn.

Có những trận xung đột mà chị phải ôm đồ về nhà ba má ở 2 đêm, chỉ để khóc. Tất cả chỉ xoay quanh chuyện tài chính. Theo chị “tiền cũng là tình, chạm vào tiền mới thấy lòng người lạnh tanh”.

Nhưng sau lần đó, mọi người không thấy chị than phiền về chồng nữa. Chị vui vẻ hơn, thoải mái hơn. Anh chị vẫn về nhà thăm ba má đều đặn. Vì chị vui vẻ nên không khí trong nhà cũng thoải mái theo, bởi anh vốn là người thân thiện, quan tâm đến mọi người.

Anh hay chia sẻ mọi mối quan tâm của ba má, của các em. Hễ má đòi uống một loại thuốc “trên mạng” nào đó là các con xúm vào phản bác, anh lại bình tĩnh lắng nghe, rồi ôn tồn giải thích cho má.

Thấy anh chị vui vẻ, ai cũng tưởng anh đã hết bảo thủ về tài chính. Nhưng chẳng ngờ, bí quyết của chị chính là… tự thay đổi. Chị nói, trong 2 đêm nằm khóc ở nhà ba má, chị như rơi xuống đáy và không chấp nhận nổi sự xung đột kia nữa. Chị quyết định thay đổi và tự chủ với những điều quan trọng với mình. Chị đề nghị cùng chồng rằng mỗi người cần có một khoản tiền riêng trong “tỉ lệ chi tiêu” mà anh phân bổ. Nếu anh thích tiết kiệm thì cứ tiết kiệm riêng phần đó và chị cũng toàn quyền với phần tiền cá nhân của mình. Còn lại, tất cả kế hoạch tài chính vẫn giữ như cũ.

Sau khi tìm ra hướng giải quyết, chị thấy “dễ sống” hẳn. Chị đủ tiền để giải quyết nhu cầu chi tiêu. Đặc biệt, chị không còn thấy chồng bủn xỉn, mà chỉ thấy ở anh một điểm yếu của sự rập khuôn và phụ thuộc vào kế hoạch. Anh rất thích lên kế hoạch và luôn ép mình tuân thủ những kế hoạch đó. Chị vốn thấy đó cũng là một phương pháp sống, cho đến khi nó chạm vào lối chi tiêu của chị.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Giờ thì chị không để nó xung đột với lối sống của mình nữa.

Tôi hỏi, còn việc anh trọng kế hoạch hơn cả tình thân thì sao? Chị nói, cũng khó để so sánh, mà so sánh cũng không để làm gì. Chị chỉ biết anh có điểm yếu ở đó. Theo chị, anh có những tính tốt mà chị được thụ hưởng thì với tính xấu của anh, chị cũng cần “làm việc” để giúp cả 2 cân bằng thay vì cố chống đối, lên án, dẹp bỏ nó, để cả 2 cùng chật vật, khổ sở.

Đó là điểm yếu không gây nguy hiểm, nên chị chọn chung sống hòa bình. Cuộc sống hài hòa, tôn trọng, yêu thương, sẽ lấp đầy phần nào chỗ yếu đó.

Bằng lý giải của người đàn bà đầy yêu thương và điềm tĩnh đó, tôi cũng có cái nhìn khác về sự “ích kỷ”, “lạnh lùng” của anh. Cuối cùng, cái nhìn của một người chọn yêu, chọn chung sống, luôn là cái nhìn bao dung và sáng suốt. 

Gia Khánh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Người qua đường 16-06-2023 10:28:15

    tôi hơi thắc mắc nếu 1 ngày chị vợ lâm bệnh nặng mà chi tiêu > budget đau ốm của anh chồng thì ảnh sẽ như thế nào nhỉ. thôi cho về nhà chờ số mệnh?....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI