Nhiều trẻ tự kỷ mất cơ hội hòa nhập do... COVID -19

17/04/2022 - 06:49

PNO - Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết kể từ khi TPHCM quay trở về cuộc sống bình thường mới, ông chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ đang điều trị bị gãy gánh giữa đường.

Dịch COVID-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động của xã hội, gây ra những hệ lụy khôn lường. Việc một thời gian dài không được đến trường, bị hạn chế giao tiếp xã hội đã là sự thiệt thòi, khiến không ít trẻ bị các rối loạn về tâm lý tâm thần. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả trong nhóm trẻ em là những bé mắc bệnh tự kỷ bởi với trẻ tự kỷ, gián đoạn can thiệp điều trị, học tập đồng nghĩa mất luôn cơ hội hòa nhập và tương lai phía trước.

Gián đoạn điều trị, cánh cửa hòa nhập càng xa vời vợi

Kể chuyện cho con nghe, dạy con các trò chơi để hỗ trợ về phát triển ngôn ngữ - ẢNH MINH HỌA
Kể chuyện cho con nghe, dạy con các trò chơi để hỗ trợ về phát triển ngôn ngữ (Ảnh minh họa)

Bé P.M.Đ. (6 tuổi) ngồi trong lòng mẹ trên băng ghế đá dưới sân một khu chung cư tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Bé rụt rè không xuống nô đùa cùng các bạn, luôn tỏ ra sợ sệt. Tiếp xúc cũng khá lâu nhưng tôi không thấy bé nói chuyện. Khi muốn yêu cầu gì ở mẹ, cậu bé chỉ phát ra tiếng “ư ư” rồi dùng tay để diễn tả. Chị N.T.T., mẹ bé, thở dài nhìn con.

Sau khi bé được bà đưa lên nhà, chị mới tâm sự con mình bị tự kỷ. Vợ chồng chị chỉ có bé Đ. Khi phát hiện con bị tự kỷ, mọi cánh cửa dường như khép lại với họ. Chị từng có ý định chấp nhận rằng cứ chịu khó đi làm, tích lũy để lo cho con cả đời. Thế rồi, qua lời giới thiệu từ bạn bè và tìm hiểu thông tin về trẻ tự kỷ, vợ chồng chị cố gắng đóng gần chục triệu đồng mỗi tháng cho con đi học trường chuyên biệt và tái khám với bác sĩ tâm lý đều đặn.

Sau nửa năm trị liệu, chị thấy bé tiến bộ rõ rệt - từ không nói được chữ nào đã bập bẹ được những từ đơn. Người mẹ lại hy vọng một ngày gần nhất con chị sẽ đi học lớp Một như bạn bè đồng trang lứa, rồi con sẽ học lên cao, có nghề để tự nuôi sống bản thân khi cha mẹ tuổi cao sức yếu không còn đủ sức bao bọc.

Bất ngờ dịch bệnh tràn đến, trường học đóng cửa, bệnh viện chỉ ưu tiên điều trị ca cấp cứu và đương nhiên trường chuyên biệt con chị đang theo học cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng đó. Khi TPHCM bỏ giãn cách, con trai chị T. lại quay về thói quen sinh hoạt như trước kia: co rút trong phòng, làm bạn với điện thoại, máy tính và cả ngày chẳng mở miệng nói tiếng nào.

Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết kể từ khi TPHCM quay trở về cuộc sống bình thường mới, ông chứng kiến rất nhiều trường hợp trẻ tự kỷ đang điều trị bị gãy gánh giữa đường như câu chuyện của mẹ con bé Đ.

Một trường hợp khác khiến bác sĩ trăn trở không kém là câu chuyện về bệnh nhi P.M.H. (6 tuổi, ngụ Bạc Liêu). Mẹ bé đưa con lên TPHCM, gửi bé vào một trường chuyên biệt rồi thuê nhà, kiếm việc làm gần trường để tiện chăm sóc con. Ba bé vẫn ở Bạc Liêu làm lụng, hằng tháng gửi tiền lên phụ giúp vợ. Bé H. được điều trị tâm lý và dạy các kỹ năng (một kèm một), hướng tới mục tiêu sẽ kịp hòa nhập và học lớp Một vào năm bảy tuổi.

Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, H. đã giao tiếp được, dự kiến sau khóa tiền học đường là có thể học chữ như bạn bè đồng trang lứa. Dịch COVID-19 ập đến, mẹ bé đưa con về quê, kẹt lại ở quê. Khi hết dịch, kinh tế gia đình trở nên quá khó khăn, chẳng còn đủ sức cho con quay lại trường chuyên biệt. Tại địa phương nơi gia đình H. sinh sống không có trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.

Cách đây vài ngày, H. được mẹ đưa lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám tâm lý để đánh giá lại tình trạng bệnh. Bác sĩ buồn, phụ huynh cũng buồn vì bao công sức, nỗ lực can thiệp trước đó cho bệnh nhi gần như đổ sông đổ biển.

“Cháu bé chỉ còn nhắc lại được rất chậm những từ đơn theo lời bác sĩ, không đối thoại được. Như vậy đồng nghĩa con sẽ không thể kịp vào lớp Một trong năm học sắp tới” - bác sĩ Minh chia sẻ.

Đối với bé H., cánh cửa trường học và tương lai về một nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân lại thêm xa.

Tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con tại nhà được coi là giải pháp tình thế

Bác sĩ đã khuyên cha mẹ bé H. dù không có điều kiện đưa con tới trường chuyên biệt và tái khám đều đặn vẫn cố gắng tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con bằng những trò chơi; tìm cô giáo có kỹ năng tiền học đường và có kinh nghiệm với trẻ tự kỷ để giúp con... Về mặt xã hội, trẻ tự kỷ được coi là người khuyết tật nên cha mẹ cần liên hệ địa phương để nhận trợ cấp (từ 500 - 1 triệu đồng/tháng tùy trường hợp). 

Theo bác sĩ Minh, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê hay nghiên cứu chuyên biệt về trẻ tự kỷ. Thế nhưng, trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã ước tính trẻ mắc bệnh tự kỷ chiếm từ 0,5 - 1% dân số. Điều đó có nghĩa rất nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ cần được quan tâm, hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ sớm (từ 18 tháng - 6 tuổi), trẻ sẽ được cải thiện về ngôn ngữ, đi học và trở thành người có ích cho xã hội. 

Dịch bệnh làm thiếu hụt nhân sự hỗ trợ trẻ tự kỷ

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, do thời gian nghỉ dịch quá lâu, rất nhiều trường chuyên biệt tại TPHCM không gồng nổi đã trả mặt bằng, phá sản. Bản thân ông biết ít nhất mười trường chuyên biệt đã đóng cửa. Nhiều cô giáo dạy trẻ tự kỷ đã về quê đổi nghề, không biết khi nào mới quay lại nghề cũ. 

Đó còn chưa kể chi phí cho một đứa trẻ tự kỷ được học chuyên biệt không hề rẻ, nhất là trong bối cảnh xã hội đang điêu đứng về kinh tế do ảnh hưởng gián tiếp từ dịch COVID-19 như hiện nay.

Một đứa trẻ học chuyên biệt tối thiểu mất chi phí 6-8 triệu đồng/tháng. Nếu trẻ học nội trú, chi phí hơn 10 triệu đồng/tháng...

Bác sĩ Minh đã chứng kiến rất nhiều trẻ tự kỷ nhờ sự quan tâm kịp thời đã học được cấp I, cấp II, cấp III, thậm chí học nghề sau đó. Nếu trẻ tự kỷ bị gián đoạn hoặc không được can thiệp kịp thời đồng nghĩa đánh mất tương lai.

Trẻ tự kỷ bị khuyết tật về mặt xã hội, gặp khó khăn trong tương tác và giao tiếp, học hành (do chậm phát triển trí tuệ đi kèm), thậm chí còn bị tăng động giảm chú ý. Vì thế, trẻ cần sự hỗ trợ và can thiệp về y tế, giáo dục đặc biệt và xã hội. Khi dịch COVID-19 xảy ra, mọi sinh hoạt của trẻ em cũng theo đó mà bị “đóng cửa”. Trong khi đó, với trẻ tự kỷ, học cách tương tác và biểu hiện cảm xúc với người khác lại là yếu tố vô cùng quan trọng.

Qua đó, bác sĩ Minh khuyến cáo phụ huynh, nếu thấy trẻ chậm nói so với tuổi, nhút nhát, ngại giao tiếp thì đưa con đi khám tâm lý để phát hiện sớm bệnh tự kỷ. Nếu phụ huynh không đủ điều kiện cho con theo học trường chuyên biệt, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con ở nhà (được coi là giải pháp tình thế).

Chẳng hạn, để phát triển tư duy trừu tượng, bé nên chơi đồ hàng, tắm em bé, trò chơi bác sĩ… Những trò chơi phát triển ngôn ngữ là múa rối, thú nhồi bông… Cha mẹ cũng có thể hỗ trợ con cách bật âm và giữ âm bằng trò thổi bóng, thẩm âm bằng cách đọc truyện cho bé nghe; hỗ trợ kỹ năng tương tác cho trẻ bằng những trò chơi nhóm: đồ hàng, cờ cá ngựa…

Hãy nhớ rằng đối với trẻ tự kỷ, học nói quan trọng hơn cả học chữ. Trẻ có ngôn ngữ, có giao tiếp mới tiếp tục bước được trên con đường hòa nhập với trường học và xã hội. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI