Nhiều doanh nghiệp Việt mơ hồ về phòng vệ thương mại

21/08/2020 - 17:34

PNO - Khảo sát mới đây của Bộ Công Thương cho thấy mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) về phòng vệ thương mại (PVTM) còn rất thấp.

Giới chuyên môn về phòng vệ thương mại cảnh báo, nếu không thay đổi các doanh nghiệp sẽ đối diện với những rủi ro khi các hiệp định thương mại tự do thực thi, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông Phan Khánh An - Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế, Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết, khảo sát cho thấy có đến 15,09% doanh nghiệp không biết gì về PVTM, 63,21% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ, 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ qua. Số doanh nghiệp đã tìm hiểu về PVTM tương đối kỹ chỉ chiếm 1,89%.

Trong khi đó, song song với các cơ hội gia tăng lượng hàng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới cũng có xu hướng gia tăng theo.

Theo thống kê của Cục PVTM, trong năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Tính đến hết tháng 3/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay có 13 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, nhiều hơn toàn bộ số vụ việc lẩn tránh thuế bị điều tra từ năm 2013 trở về trước.

Dệt may là một trong những sản phẩm VN xuất khẩu sang EU bị áp dụng phòng vệ thương mại cao
Dệt may là một trong những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang EU bị áp dụng phòng vệ thương mại cao - Ảnh minh họa

Đại diện Cục PVTM cho rằng, Cục luôn hỗ trợ DNVN bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”

Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM bày tỏ, kinh nghiệm cho thấy ở nơi nào rào cản thuế quan giảm xuống thì các rào cản phi thuế được nâng lên mức tương ứng. Chẳng hạn các nước EU thường áp dụng các rào cản phi thuế đa dạng, như: rào cản kỹ thuật, PVTM, sở hữu trí tuệ; lao động, môi trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM sẽ là dệt may, da giầy, nông sản, thủy sản, thép, gỗ, xe đạp, phụ tùng xe đạp…Trong thời gian tới, Việt Nam tăng cường xuất tinh, giảm xuất thô. Trong đó có những mặt hàng rất nhạy cảm ở EU như là sữa, sữa vốn được đưa vào danh sách áp dụng các biện pháp thuế quan để phòng hộ thông qua PVTM.

Ngược lại, hàng hóa từ EU nhập khẩu vào Việt Nam thường là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi (sữa, thịt…); linh kiện máy móc, thiết bị điện tử; phụ tùng ô tô; dược phẩm…. Hiện Bộ Công thương đang làm việc với tổng cục Hải quan để xây dựng hệ thống dữ liệu theo dõi, phân tích tự động, đánh giá xem mặt hàng nào gia tăng đột biến đến mức có thể gây thiệt hại cho nền sản xuất của Việt Nam.

Bà Giang lưu ý: “DNVN nếu thấy có mặt hàng nào không chỉ nhập khẩu từ EU mà cả các nước khác gây thiệt hại nặng cho tổng thể sản xuất trong nước thì đều có thể  đề nghị áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong một thời gian nhất định nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI