Nhiều doanh nghiệp khó xoay tiền để thưởng tết

23/12/2020 - 18:11

PNO - Sau một năm kinh doanh khó khăn do đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp không có kế hoạch thưởng tết.

Thưởng năm luôn là chủ đề được người lao động quan tâm, nhưng sau một năm kinh doanh khó khăn do đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu không nợ lương công nhân và không có kế hoạch thưởng.

Ngành gỗ, thực phẩm, y tế vẫn có tiền thưởng

Ông Bùi Hữu Thêm - Phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM - cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đi Mỹ trong năm 2020 tăng 20% so với năm 2019. Sự gia tăng này có sự tác động từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Hiện hội có 560 doanh nghiệp (DN); hầu hết các DN chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ đều có doanh số xuất khẩu khá khả quan. 

Nhờ xuất khẩu tốt, doanh nghiệp ngành gỗ có mức thưởng năm nhỉnh hơn năm 2019  - Ảnh: Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương
Nhờ xuất khẩu tốt, doanh nghiệp ngành gỗ có mức thưởng năm nhỉnh hơn năm 2019 - Ảnh: Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương

Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2019. Do đó, trừ nhóm DN thương mại, dịch vụ và sản xuất gỗ nội địa gặp khó khăn do dịch, hầu hết DN xuất khẩu gỗ đều có tiền để thưởng năm, ít nhất bằng một tháng lương cho người lao động. Mức thưởng tùy theo nhóm lao động: trung bình từ 8-10 triệu đồng/người trực tiếp sản xuất, 10-15 triệu đồng/người đối với khối văn phòng; hơn 15 triệu đồng/người có tay nghề, kỹ thuật. Dự báo, nhóm DN thủ công mỹ nghệ cung ứng trong nước sẽ có mức thưởng thấp hơn 20-30% so với DN xuất khẩu. 

Ông Huỳnh Quang Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - thông tin tiền thưởng năm nay vẫn bình thường như mọi năm (bằng một tháng lương) và có thể cao hơn một chút so với năm trước. Tùy DN mà mức thưởng khác nhau, nhưng bình quân từ 10-15 triệu đồng/người. “Mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng/người, thấp nhất là 5 triệu đồng/người” - ông Thanh cho biết. 

Ngoài gỗ, một số lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, trang thiết bị y tế cũng ít bị dịch COVID-19 tác động nhiều. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - cho biết công ty dành ngân sách 48 tỷ đồng để thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động dịp tết Tân Sửu 2021. Cán bộ, công nhân viên được thưởng hai tháng lương, bình quân 17 triệu đồng/người. Đặc biệt, công nhân có tay nghề cao, đạt các danh hiệu thi đua được thưởng gần ba tháng lương, tức trên 30 triệu đồng, tương đương mức thưởng năm trước.

Ngành du lịch, dệt may khó xoay tiền 

Hầu hết DN dệt may chưa có kế hoạch thưởng năm cho người lao động do việc kinh doanh trong năm 2020 khá chật vật. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - cho biết hiện chưa có DN nào trong hội thông báo chính sách thưởng năm cho công nhân. Năm 2019, nhiều DN ngành dệt, may có mức thưởng tương đương 2-3 tháng lương nhưng năm nay, mức thưởng bằng một tháng lương đã là sự cố gắng lớn.

Ở các lĩnh vực khác, đến nay, nhiều DN vẫn chưa có kế hoạch thưởng. Một số DN du lịch hiện vẫn còn nợ lương người lao động nên khó có khả năng thưởng, chỉ có thể tặng quà vào dịp nghỉ tết thay cho tiền thưởng năm. 

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - qua khảo sát, rất nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phá sản, đang tính đến việc công bố phá sản trước tết vì không có khả năng trả lương, thưởng. “Trong tháng 11, tỷ lệ DN xin tạm ngừng sản xuất tăng cao và gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động. Năm nay, hiệp hội sẽ dùng Quỹ DN vì cộng đồng chăm lo tết cho công nhân các DN khó khăn trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” - ông Dũng chia sẻ. 

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, đến nay, mới có khoảng 70-80% DN báo cáo có thưởng năm vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mức tiền thưởng của phần lớn DN giảm so với năm ngoái. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI