Nhiệt độ khắc nghiệt gây ra hàng triệu ca tử vong

16/04/2024 - 09:08

PNO - Liên hiệp quốc cảnh báo: nắng nóng gay gắt khắp Đông Á, Thái Bình Dương khiến hàng triệu trẻ em gặp nguy hiểm.

Tuần qua, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết: hơn 243 triệu trẻ em trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt độ, khi khu vực này chuẩn bị bước vào một mùa hè với nhiệt độ cao kỷ lục.

Cảnh báo về các đợt nắng nóng dữ dội và thường xuyên hơn trong mùa hè này nhấn mạnh là “đặc biệt đáng lo ngại” do độ ẩm cao khiến cơ thể khó hạ nhiệt tự nhiên. Theo UNICEF, vì trẻ em ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể hơn người lớn nên chúng dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt như bệnh hô hấp mạn tính, hen suyễn và các bệnh tim mạch.

Cảnh báo của UNICEF ​​​​được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo cho rằng tháng Ba là tháng nắng nóng kỷ lục thứ 10 liên tiếp, tác động xấu đến sức khỏe của người dân trên phần lớn bán cầu Bắc và Nam. Ở Đông Nam Á, trước lo ngại về nắng nóng cực độ, Philippines đã đình chỉ các lớp học trực tiếp ở một số thành phố vào tuần trước và chuyển sang hình thức học từ xa.

Các chuyên gia y tế cho biết nhiệt độ cao ảnh hưởng xấu  đến sức khỏe con người - Nguồn ảnh: Getty Images
Các chuyên gia y tế cho biết nhiệt độ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người - Nguồn ảnh: Getty Images

Theo UNICEF, cha mẹ và người chăm sóc nên tạo ra những nơi mát mẻ hơn cho trẻ chơi ở nhà và trường học, hạn chế để chúng ra ngoài trời. Đảm bảo trẻ em mặc quần áo thoáng khí, trẻ có triệu chứng stress nhiệt cần được nhập viện. Theo dự báo của UNICEF, toàn bộ 2 tỉ trẻ em trên thế giới dự kiến ​​sẽ phải hứng chịu tần số sóng nhiệt cao vào năm 2050, bất kể kịch bản về tình hình phát thải khí nhà kính như thế nào.

Hôm 13/4, một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy nhiệt độ khắc nghiệt gây ra hơn 500.000 ca tử vong vì đột quỵ mỗi năm. Nghiên cứu cho biết, kể từ năm 1990, số ca đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt có xu hướng gia tăng trên toàn cầu với tỉ lệ nam giới bị đột quỵ cao hơn nữ giới.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia từ Bệnh viện Xiangya, Đại học Trung Nam của Trung Quốc đã phân tích dữ liệu thu thập được từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra mô hình sử dụng dữ liệu toàn cầu về dịch bệnh, tử vong, khuyết tật và khí hậu. Kết quả cho thấy, số người bị đột quỵ do nhiệt độ cực đoan trong năm 2019 cao hơn nhiều so với năm 1990.

Riêng trong năm 2019, hơn 500.000 người đã chết do đột quỵ, có liên quan đến nhiệt độ cực đoan. Các nhà khoa học cảnh báo, trong bối cảnh Trái đất ngày một ấm lên vì biến đổi khí hậu, con số này còn có thể tăng cao hơn nữa.

Phó giáo sư, tiến sĩ Mary Rice - Trường Y Harvard (Mỹ) - đánh giá cao các phát hiện ý nghĩa này. Bà nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải, cải thiện chất lượng không khí, đồng thời giải quyết khủng hoảng khí hậu và các tác động của chúng đến sức khỏe con người. Bà cũng đưa ra những nghiên cứu chứng minh biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng số lượng các bệnh liên quan đến miễn dịch như dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn và ung thư.

Giới chuyên gia đã đưa ra một dự báo đáng lo ngại: số ca tử vong do nắng nóng có nguy cơ sẽ tăng gấp gần 5 lần vào giữa thế kỷ này. Một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) cho thấy trong năm 2022, người dân khắp thế giới đã trải qua khoảng 86 ngày ở mức nhiệt độ cao đe dọa sức khỏe, khi nhiệt độ tăng thêm khoảng 1,1 độ C. Những người trên 65 tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nhiệt độ tăng vọt. Trong thập niên qua, số ca tử vong do nhiệt độ cao ở nhóm tuổi này đã tăng 47% so với thập niên 1990.

Tiến sĩ Marina Romanello - chuyên gia của The Lancet Countdown - nói: “Chúng ta đang phải trả giá bằng mạng sống. Đáng buồn hơn, chúng ta biết rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân, trong khi chúng ta vẫn chưa làm đủ để chống lại tình trạng này”.

Lệ Chi (theo CNN, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI