Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Hành trình gai góc nước mắt và nụ cười

02/08/2022 - 06:04

PNO - Giữa đời sống bộn bề với những âu lo thường trực, con người dễ thấy khổ ải hơn niềm vui. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cũng không ngoại lệ bởi anh không thể tách mình khỏi thực tại để sống đời mơ mộng, vô lo.

Nhưng, hơn nửa thế kỷ kinh qua đủ nhọc nhằn, anh nghiệm ra cuộc đời này sẽ thật đẹp khi ta sống đúng, sống tự trọng, nghĩa tình.

Chuyến đi đến Nam Sudan cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Á nhiều trải nghiệm quý trong nghề
Chuyến đi đến Nam Sudan cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Á nhiều trải nghiệm quý trong nghề

Chỉ khoảng nửa năm hơn, từ cuối 2021 đến giữa 2022, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã ra mắt công chúng ba sách ảnh “nặng ký” cùng các triển lãm độc đáo về hình thức tại Việt Nam. Anh nâng con số lên 17 triển lãm cá nhân cùng 16 sách ảnh - một cột mốc đáng nể với các đồng nghiệp trong giới không chỉ về khối lượng công việc mà còn nằm ở chất lượng từng tác phẩm.

Để thực hiện được tất cả, Nguyễn Á phải thật sự say mê và giỏi nghề, có nền tảng hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực đời sống, có sức khỏe, sự may mắn, tài chính và những giá trị khác thuộc về phẩm cách.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á khá biến hóa, cảm tưởng bên trong anh có nhiều nhân diện khác, nhiều mặt đối lập. Anh thích tự do nhưng để ý đến tiểu tiết, kỹ tính. Anh có thể lao vào tâm dịch COVID-19, cố giữ cảm xúc bình thản nhất trước đau thương nhưng lại rơi nước mắt ngay khi cầm trên tay quyết định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - đồng ý để anh được theo chân lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan.

Anh đi đông đi tây, vượt nhiều cột mốc quan trọng trong nghề nhưng đến triển lãm cá nhân của mình, lần nào cũng thấy anh đi lo từng chiếc ghế để khách mời an tọa... 

Nguyễn Á nói anh không nề hà chuyện nặng nhọc vì bản thân đi lên từ nghèo khó. Anh không quan trọng tài khoản mình có bao nhiêu tiền, danh tiếng ra sao hay giành được giải thưởng danh giá nào mà sau tất cả, chỉ cần người khác nói: “Thằng Á hay ông Á này ổng sống được, ảnh ổng coi vậy mà ý nghĩa” là đủ vui rồi.

Nam Sudan - Hành trình trong mơ 

Phóng viên: Khi triển lãm kép của anh còn chưa hạ nhiệt, anh ra mắt sách ảnh và triển lãm tiếp theo - Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng. Vì sao tần suất lại dày như vậy?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Ngoài hai cuốn Sài Gòn ngoan cường Chúng tôi là Việt Nam ra mắt vào cuối tháng 12/2021, trước cuốn Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng, tôi có nhận lời thực hiện một cuốn sách ảnh tổng hợp cho Bộ Y tế, đã được giới thiệu vào tháng Hai năm nay. Hiện tôi vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện một cuốn sách về phụ nữ Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đặt hàng, dự kiến ra mắt vào dịp 20/10 tới.

Mọi người làm việc mỗi ngày để sống. Bạn viết tin, bài mỗi ngày thì tôi cũng vậy - liên tục sáng tạo, tìm hiểu cho các kế hoạch riêng. Nói thật, nếu mang số ảnh đã chụp được, chỉ tính những ảnh có nội dung phù hợp để in sách và triển lãm, thì con số phải nhiều hơn nữa. Tôi luôn có kế hoạch theo từng năm nên nếu mọi việc đúng như dự định, tôi sẽ in sách và tổ chức triển lãm ngay vì tiếp sau luôn còn nhiều dự định thú vị khác.

* Cách đây sáu tháng, trong lần trò chuyện ở triển lãm trước, tôi chưa nghe anh kể về hành trình sang Nam Sudan. Anh vẫn thường giữ kín những chuyến đi như vậy sao?

- Tôi không có thói quen nói trước về những điều mình sẽ làm. Cách đây sáu tháng, chúng ta nói về cao điểm dịch tại TP.HCM, chúng ta nói về 125 nhân vật phụ nữ tiêu biểu ở các lĩnh vực, chúng ta nói về một Sài Gòn ngoan cường vượt qua đại dịch và những nhân vật sống như đóa hoa giữa cuộc đời. 

Thời điểm đó, tôi đã có thông tin ban đầu về chuyến đi cùng lực lượng mũ nồi xanh sang Nam Sudan nhưng tại một triển lãm, tôi không muốn kể thêm về một dự án khác nữa. Điều đó không cần thiết. 

Chuyến đi Nam Sudan là một giấc mơ từ lâu nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có được vinh dự này. Với một nhiếp ảnh gia tự do, chỉ có một trái tim chân thành và những tác phẩm đã thực hiện, hành trình đi cùng lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan là chuyến đi không tưởng.

Vì sao vậy, thưa anh?

- Tôi nhớ vào ngày 23/3/2021, trong lần tác nghiệp tiễn Bệnh viện Dã chiến 2.3 sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, tôi có quen với trung tá Trịnh Mỹ Hòa - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.3. Trong lúc mọi người chuẩn bị, tôi có nói với trung tá Hòa rằng: “Hòa ơi, không biết có bao giờ anh được qua châu Phi để tác nghiệp hay không?”. Sau câu nói đó, phải mất thêm một số thủ tục khác để tôi được bước lên máy bay, đi cùng lực lượng Bệnh viện Dã chiến 2.4 sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ.

Tại đó, tôi có may mắn khi được tác nghiệp cùng lúc với cả Bệnh viện Dã chiến 2.3 và 2.4. Họ là những người trẻ giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có tinh thần phụng sự hết mình cho mục tiêu gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Tôi thấy tuổi trẻ của họ thật đẹp.

Một tháng trong hành trình, trái tim và tầm mắt tôi mở rộng. Nếu không đi, tôi không biết bác sĩ Việt Nam được người dân nước bạn yêu mến ra sao. Tôi nhớ có lần, một bệnh nhân được khám xong mang con dê đến thay cho lời cảm ơn. Ngoài khám chữa bệnh, tôi được theo chân bác sĩ đến các khu tị nạn tặng quà, giao lưu văn nghệ, chơi thể thao...

Có đi mới biết giữa một vùng đất đỏ hiếm mảng xanh, chỉ tại Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam, rau tươi mơn mởn, không những đủ cung cấp cho lực lượng của chúng ta mà còn dư để tặng người dân nước bạn. Ở một quốc gia xa xôi, chúng ta khác màu da, tiếng nói nhưng nếu ứng xử với nhau bằng sự chân thành, chẳng có khoảng cách nào tồn tại.

* Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng là cuốn sách mang giá trị tuyệt đối về ngoại giao. Trong những tác phẩm đã in của anh, tôi thấy anh luôn dành sự quan tâm đến mối quan hệ giữa người Việt và công dân các nước. Có thông điệp nào cho những sự quan tâm mang tính toàn cầu như thế?

- Trong những tác phẩm của tôi, nếu để ý, mọi người sẽ thấy có nhiều tầng lớp, số phận khác nhau. Tôi chưa bao giờ phân biệt sự giàu - nghèo, sang trọng - khốn khó. Bạn có thể thấy tôi đưa vào sách những người nghèo nhất trong xã hội. Tôi cũng chụp ảnh những người giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu. Đó là sự công bằng mà tôi muốn tạo ra trong tác phẩm của mình. Dù sống trong hoàn cảnh nào, nếu bạn là người tốt, biết lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng thì bạn đáng được tôn vinh.

Trong nhóm nhân vật, tôi dành thêm sự quan tâm đến những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Như trong sách ảnh Chúng tôi là Việt Nam, tôi trân trọng những đóng góp của nhà thiết kế Diego Chula khi ông cùng vợ rời Tây Ban Nha đến Việt Nam, sinh con và đóng góp cho ngành thời trang Việt.

Khi đến thăm nhà của nhân vật, tôi thấy vợ chồng ông cưu mang và tạo sinh kế cho nhiều người khuyết tật. Khi nhà thiết kế Diego Chula mất đi đột ngột, người Việt Nam thương tiếc ông vô cùng vì những đóng góp đáng trân quý.

Hay cô Saeko Ando - một họa sĩ người Nhật vẽ tranh sơn mài ở Việt Nam - đang dạy nhiều người ở Hội An học vẽ để có thể kiếm tiền từ tranh. Họ là những người đang cống hiến cho Việt Nam từng ngày, từng giờ. Chẳng có lý do gì để tôi không nhắc đến họ như một lời cảm ơn của mình.

Hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện dã chiến qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á
Hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện dã chiến qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Muốn truyền năng lượng tích cực qua những bức ảnh  

* Trong sách ảnh của anh, ở những chủ đề nặng nề nhất như COVID-19, mọi thứ anh thể hiện vẫn gợi lên sự tích cực, hướng đến tinh thần lạc quan. Chẳng phải những ám ảnh dễ khiến công chúng ấn tượng hơn sao?

- Sự lựa chọn này khởi phát từ bên trong tôi. Có thể từ gia đình nuôi tôi khôn lớn hoặc từ những va vấp của cuộc đời cho tôi thấy nghệ thuật nên tránh đi những hình ảnh quá bi lụy, mang nguồn năng lực tiêu cực. Tôi muốn khi mọi người cầm cuốn sách lên, họ hiểu công sức của người thực hiện, nhận được năng lượng tích cực và khi gấp sách lại, họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.

"Tôi là Nguyễn Á, một người chụp ảnh với mái đầu trọc. Tôi không hút thuốc, không nhậu, không dùng Facebook. Tôi đọc báo giấy mỗi ngày và có thể kể vanh vách tên các chương trình phát trên VTV. Mỗi ngày, tôi đạp xe một mình 40 cây số từ 5 đến 7 giờ sáng. Tại nhà, huy chương, bằng khen và những chiếc cúp được tôi cất đi. Tôi cũng không treo bất kỳ bức ảnh nào do mình chụp. Tôi hài lòng và luôn thấy cuộc đời này thật đẹp. Tôi cũng vừa thực hiện được ước mơ của mình. Tóm lại là tôi hạnh phúc...”.

Nguyễn Á

Những cuốn sách ảnh in hình chân dung một cụ già thật đẹp, in phong cảnh hữu tình, in ảnh chụp cận ánh mắt trẻ thơ... là những thứ đồng nghiệp tôi đã làm và làm tốt. Tôi không muốn lặp lại nên luôn đi tìm những chủ đề mới hơn. Ở đây, tôi không nói đến cách làm sao để chụp ảnh đẹp, mà nói đến cách tạo ra những tác phẩm giúp ích cho xã hội. Làm sao để nghệ thuật mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng là điều tôi luôn trăn trở.

* Anh hay nhắc đến hai chữ nghĩa tình và đề cập chuyện bản thân không đặt nặng vật chất khi làm nghệ thuật. Điều đó có ngược ngạo không khi với một số dự án, tiền tài trợ giúp người sáng tạo dễ hoàn thành dự án hơn?

- Trong toàn bộ 17 triển lãm và 16 cuốn sách đã ra mắt, chưa một lần tôi nhờ một đơn vị tài trợ nào ngoài chính bản thân. Thời gian đầu, có thể việc tìm tài trợ chưa thuận lợi bằng sau này, khi tôi được biết đến nhiều hơn và chứng minh năng lực bằng tác phẩm. Nhưng trước đây hay sau này, tôi luôn muốn tự mình thực hiện các dự án cá nhân. Khi có sự can thiệp của nhà tài trợ, tôi có thêm kinh phí nhưng mặt khác, sẽ có những tác động qua lại và một số yêu cầu được đặt ra. Như vậy, tôi phần nào mất đi sự tự do trong sáng tạo.

Tôi không giàu. Đôi lúc, vì muốn chụp được một khoảnh khắc để đưa vào sách, tôi bay ra Hà Nội ở một buổi rồi chiều hôm đó, bay vào lại Sài Gòn. Những chuyến đi thầm lặng như thế tốn vài triệu đồng. Tôi dám chắc không nhiều người chấp nhận bỏ ra số tiền 5, 7 triệu đồng chỉ vì một bức ảnh. Hỏi: “Nguyễn Á có giàu không? Nguyễn Á có dư tiền không?”, xin thưa là tôi chỉ có sự đam mê và trái tim chân thành.

Danh vọng, địa vị, tiền bạc với một số người là quan trọng vì ai cũng cần lo cho cái bụng đói của mình. Thế nhưng, nếu đặt nặng tiền bạc, tôi không bao giờ làm được những cuốn sách như bạn đã thấy. Tôi quan niệm ngủ ít một chút, mình cũng là mình. Ăn ít một chút, tôi cũng đâu trở thành ai khác. Nếu biết kiểm soát bản thân, bỏ đi những ham muốn vật chất thì tôi mới vượt ngưỡng của chính mình.

Đời cho tôi nhiều bài học  

* Có phải tuổi thơ cơ cực cho anh biết quý trọng công sức của mình và đặt vấn đề tiền bạc sau cái tôi trong nghệ thuật, sau những mưu cầu đời thường khác?

- Tôi không ngại nói về quá khứ cơ cực của mình với mọi người. Tôi xem câu chuyện đời như một minh chứng để những ai sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có động lực phấn đấu. Gia đình tôi có 11 anh em. Tôi từng đi bán báo, cơm, kem, cháo vịt, khí đá; từng chơi bóng đá bị gãy chân, chơi bóng ném bị gãy tay rồi buộc từ giã nghiệp thể thao năm 27 tuổi. Nếu ngày đó không từ bỏ thể thao, cuộc sống của tôi sẽ vất vả lắm bởi tôi hay nói vui rằng “thể thao còn nghèo hơn nghệ thuật”.

Sau khi ngừng thi đấu, tôi chuyên tâm lo cho studio của mình. Anh ruột tôi là người chỉ dẫn tôi cách mua và sử dụng máy ảnh. Người hướng dẫn tôi chụp studio, chụp ảnh kiếm tiền là thầy Phùng Hiệp đã qua đời. Về sau, chụp ảnh đi thi, tôi gặp thầy Hoàng Quốc Tuấn. Dù có thể quá trình dạy ngắn ngủi, gọi thầy - trò có phần hơi trịnh trọng vì thời gian tôi tự học nhiều nhưng một ngày cũng là thầy; người khác cho mình kiến thức, bản thân phải biết ơn. 

Đời cho tôi nhiều bài học, cho tôi sống biết người biết ta, tôn trọng người khác nhưng cũng biết bản thân đang ở đâu. Ứng xử với ai, tôi cũng muốn họ hiểu được chữ nghĩa tình. Sống có nghĩa tình, đi đâu cũng thấy việc mình làm hướng đến cái chung.

* So với ngày anh mới bắt đầu và bây giờ, nhiếp ảnh đã thay đổi thế nào, đặc biệt về quy chuẩn của cái đẹp trong nghệ thuật?

- Ngày trước, muốn chụp ảnh, bạn phải học vì có học mới biết cách sử dụng máy móc. Còn nay, với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ, chỉ cần chỉnh về chế độ tự động, mọi người có thể chụp được ở mức khá. Tôi thấy hiện nay, chụp đẹp là chuyện nhỏ, đọng lại gì ở bức ảnh đó mới là thử thách. Tôi không nói về kỹ thuật, tôi nói về sự khác biệt giữa thông điệp và ý nghĩa của bức ảnh bạn muốn truyền tải.

Ảnh đẹp, cho thấy độ khó kỹ thuật nhưng nếu chúng không có giá trị nhân văn, không truyền cho người xem động lực để vì bức ảnh ấy mà sống tốt thì với tôi, chưa hẳn thành công. Tư duy ấy không phải muốn là được mà phải từ gia đình bạn, từ dòng máu chảy trong người, hướng bạn thấy việc đó là cần thiết, đáng làm.

* Những cột mốc anh đã tạo lập được có khiến anh gặp áp lực để giữ thương hiệu Nguyễn Á?

- Với tôi, điều tiên quyết là mới. Sách ảnh sau phải mới mẻ hơn sách đã xuất bản. Mới hơn đồng nghĩa với phải sáng tạo hơn, tư duy nhiều hơn để từ những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất, tôi tìm thấy sự độc đáo.

Tôi đối diện với áp lực phải mới nhưng không tự giới hạn, không cho rằng bản thân giỏi vì nếu tự đề cao, có nghĩa tôi tự hại mình. Mỗi ngày, tôi vẫn tiếp tục học từ chuyện đọc báo, xem các chương trình truyền hình, phim ảnh và quan sát những người xung quanh, từ người trẻ đến già, dù làm công việc gì.

Tôi luôn tin mỗi người khác đều có thể mang đến cho chúng ta ít nhất một bài học về cuộc đời, quan trọng là bạn có chấp nhận cởi mở và đủ tỉnh táo để đón nhận. Với tôi, việc sống với tâm thế biết người, biết ta là cực kỳ quan trọng.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Diễm Mi (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI