Nhật ký tuyến đầu chống dịch - Bài 2: Tất cả vì sự sống của bệnh nhân

02/08/2021 - 09:36

PNO - “Trải qua cơn thập tử nhất sinh, nữ bệnh nhân gọi điện cho chúng tôi nhờ tìm đồ đạc vì khi chuyển tuyến gấp, bệnh viện tuyến dưới lo cho sinh mạng cô ấy nên không tiện mang theo. Nhận được cuộc điện thoại tìm đồ, chúng tôi ai cũng bật cười nhưng lại mừng chảy nước mắt vì biết cô ấy khỏe rồi” - Trương Vân Anh - bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Dã chiến số 8 - kể.

“Trải qua cơn thập tử nhất sinh, nữ bệnh nhân gọi điện cho chúng tôi nhờ tìm đồ đạc vì khi chuyển tuyến gấp, bệnh viện tuyến dưới lo cho sinh mạng cô ấy nên không tiện mang theo. Nhận được cuộc điện thoại tìm đồ, chúng tôi ai cũng bật cười nhưng lại mừng chảy nước mắt vì biết cô ấy khỏe rồi” - Trương Vân Anh - bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến số 8 - kể.

Đồng nghiệp không biết mặt nhau

Khi dịch bắt đầu bùng lên ở TPHCM, toàn thể y, bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Thống Nhất chuẩn bị sẵn tinh thần là có thể được điều động đi các nơi để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ngày 13/7, BS Trương Vân Anh, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, là một trong 90 nhân viên (30 BS và 60 điều dưỡng) được cử đi làm việc tại BV dã chiến số 8 trong đợt điều động thứ nhất của BV Thống Nhất nhằm tăng cường nhân lực cho ngành y chống dịch.

 

Các nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 8
Các nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 8

BS Vân Anh có hai con trai, một bé 12 tuổi, một bé mới bốn tuổi. Kể từ khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp hơn, chị và chồng thường xuyên làm công tác tư tưởng cho hai con để lúc cha mẹ công tác xa nhà, các cháu cũng bớt hụt hẫng, lo lắng. Hai con của BS Vân Anh nhờ cả vào ông bà ngoại coi sóc. Bé anh tỏ ra hiểu chuyện, biết chăm sóc em khi mẹ vắng nhà, còn cậu em vẫn nhỏ quá, thấy mẹ mãi chưa về thì giận lẫy, không thèm nghe điện thoại. Hai con của BS Vân Anh nhờ cả vào ông bà ngoại coi sóc. 

Với sự hỗ trợ của gia đình, BS Vân Anh đã cùng các đồng nghiệp tới BV dã chiến số 8 nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Tại BV này, ngoài các y, BS của BV Thống Nhất, còn có các đồng nghiệp từ BV Bình Dân. Họ không biết mặt nhau; khi vào ca trực, họ chỉ biết nhau qua những cái tên được dán sau lưng bộ đồ bảo hộ. Thời gian đầu, việc giao tiếp khó khăn do bị đồ bảo hộ cản trở nhưng sau vài ngày, các y, BS đã quen dần, bắt nhịp tốt. Bây giờ, họ có thể đoán ra được tên các đồng nghiệp của mình qua dáng dấp, cử chỉ, sự phối hợp ăn ý trong công việc.

BS Trương Vân Anh làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Dã chiến số 8, nơi chuyên điều trị các trường hợp COVID-19 nặng. BV này có hai khu hồi sức cấp cứu, mỗi khu có 40 giường, tổng số bệnh nhân COVID-19 tính đến 6g ngày 27/7 là 3.796 người. Tại đây, các nhân viên y tế được chia ca trực và không có giờ cố định. Một ê-kíp gồm hai BS (một chính, một phụ) và 3-4 điều dưỡng. Diễn tiến bệnh của bệnh nhân COVID-19 nặng rất nhanh nên đòi hỏi sự theo dõi vô cùng sát sao và sự phối hợp chuyên nghiệp, ăn ý của các y, BS. Sau khi ra ca, ê-kíp trực cũ vẫn phải luôn mở điện thoại, sẵn sàng tiếp ứng khi đồng nghiệp cần hỗ trợ.

BS Vân Anh còn nhớ như in một trường hợp nặng đã thoát cửa tử ngoạn mục. Bệnh nhân là nữ, hơn 40 tuổi, có bệnh nền. Khi được chuyển vào khu hồi sức cấp cứu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, chỉ hơi sốt và mạch hơi nhanh, cần theo dõi sát. Bệnh diễn tiến rất nhanh. Nhận thấy bệnh nhân thở gắng sức, ê-kíp trực liền cho thở oxy hai lỗ, sau đó cho thở mask có túi khí rồi gọi hỗ trợ.

Khi đội của BS Vân Anh đến chi viện thì ê-kíp trực đã đặt sẵn nội khí quản cho bệnh nhân. Sau khi xử lý hồi sức, các BS liền chuyển bệnh nhân lên BV điều trị COVID-19 tuyến trên. Hôm qua, khoa nhận được điện thoại của nữ bệnh nhân này. Cô gọi để hỏi đồ đạc của mình được cất ở đâu lúc chuyển viện. Tất cả nhân viên y tế lúc đó đều bật cười về tình huống hài hước nhưng ai cũng mừng rơi nước mắt vì bệnh nhân gọi điện được tức là đã khỏe, đã hồi phục.

Tại BV dã chiến số 8, ngày tiếp ngày, các nhân viên y tế và bệnh nhân kề vai sát cánh như trong một gia đình lớn. Theo BS Vân Anh, điều kiện sinh hoạt tại BV dã chiến số 8 ổn, đồ ăn của nhân viên y tế và bệnh nhân không thiếu. Nơi đây vốn là một chung cư để tái định cư dân, mỗi phòng có hai người, có ghế bố, bình đun nước nóng. Khẩu phần ăn của BS và bệnh nhân đều giống nhau. 

“Chúng ta đã cố hết sức rồi”

Kể từ khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư (ngày 27/4), BV Chợ Rẫy - nơi từng cứu chữa thành công những ca mắc COVID-19 nguy kịch nhất - đã phải chứng kiến sự ra đi của người bệnh. Lúc này, tiến sĩ (TS) - BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - đang hối hả mở rộng khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - chuẩn bị mở rộng khu điều trị cho  bệnh nhân COVID-19 - ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - chuẩn bị mở rộng khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

 

Đã từng cứu sống nhiều ca nguy kịch nhưng giờ phải chứng kiến những ca tử vong, TS-BS Lê Quốc Hùng và các đồng nghiệp không khỏi đau buồn. Trong những thời khắc mà mỗi thầy thuốc như một chiến sĩ và mỗi BV như một chiến trường, tất cả phải cố gắng vượt qua những giới hạn sức lực, những cảm xúc đau buồn để tiếp tục chiến đấu. 

Dưới đây, chúng tôi trích đăng bài viết của TS-BS Lê Quốc Hùng để bạn đọc hiểu hơn những nỗ lực của đội ngũ y tế tại TPHCM: 

Ngày 30/4, khi cả nước vui mừng đón lễ hội cũng là lúc nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới lặng lẽ đón nhận, điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 từ phương xa. Và cũng từ đó, số lượng nhân viên trực tiếp tham gia điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, như báo hiệu cho đợt dịch thứ tư của Việt Nam.

Trung tuần tháng Sáu, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Toàn khoa chuyển sang chế độ trực chiến, chỉ điều trị COVID-19 nặng, nhắc nhở, chăm sóc lẫn nhau vì an toàn cho người bệnh, vì an toàn cho nhân viên. Cuối tháng Sáu, những thoáng lo âu cho gia đình người thân đã xuất hiện. Bảo nhau thu xếp chuyện gia đình, con cái, nhiều người dọn vào BV ở luôn. Ai cũng hiểu, cuộc chiến này sẽ căng.

Đầu tháng Bảy, số bệnh nhân nhập viện tăng ào ạt, kinh khủng, ngày cũng như đêm. TPHCM gồng mình chịu đựng. Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới đã thấm mệt sau hơn hai tháng chiến chinh trong môi trường khắc nghiệt, nóng bức bao trùm. Đợi chờ, chờ đợi được bổ sung, thay thế nhân lực.

Nhưng những con số hằng ngày báo người dương tính như nhảy múa, tăng cao, ám ảnh. Điện thoại reo liên tục báo xin hỗ trợ từ các BV trong và ngoài thành phố. Những cuộc họp liên miên tìm giải pháp tháo gỡ. Những BV dã chiến hàng trăm, hàng ngàn giường xuất hiện mới mỗi ngày vẫn không đáp ứng đủ. Từng đoàn, từng đoàn y, BS rời BV Chợ Rẫy tới hỗ trợ các BV mới mọc lên. 

BV trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết. Những bệnh nhân còn nằm lại đều là bệnh nhân nặng, những y, BS ở lại BV Chợ Rẫy đều phải gồng mình làm gấp hai, gấp ba ngày thường. Nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới không còn đợi bổ sung nhân lực nữa, lặng lẽ làm việc, tăng ca, tăng giờ làm. Mỗi ngày làm 10 giờ, rồi 12 giờ, rồi 80 giờ/tuần không còn hiếm. 

Và rồi, bệnh nhân đầu tiên không vượt qua bạo bệnh cũng đã có, nỗi buồn không chỉ của một người. Giám đốc an ủi: “Chúng ta đã cố hết sức rồi anh ạ” và nói như một mệnh lệnh thời chiến: “Bệnh nhân nặng đợi chờ ở khắp nơi, chúng ta phải gấp rút mở thêm khu hồi sức trong BV, nhân lực từ các chuyên khoa khác sẽ góp phần hỗ trợ các anh”.

Hơn 31 năm làm việc, lăn lộn công tác các tỉnh, thành, những tưởng đã nếm trải đủ khó khăn của nghề, nhưng không. Chưa bao giờ vấp phải khó khăn như ngày hôm nay. Hai ngày nữa, khu hồi sức tích cực mới hoàn thành, hàng loạt bệnh nhân nặng sẽ mau chóng lấp đầy. Nhìn những gương mặt mệt mỏi của nhân viên Khoa Bệnh nhiệt đới, bỗng tự hỏi: “Đâu là giới hạn sức con người? Đã nhiều ngày họ làm việc bằng ý chí, hãy cố lên tí nữa nhé các em”. 

Thanh Huyền - Hiếu Nguyễn

(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI