Nhân dân tệ vào rổ tiền IMF: Việt Nam có ảnh hưởng nhưng không nhiều

04/12/2015 - 12:15

PNO - Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) vừa quyết định đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ thế giới, còn được gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Hiện nay, rổ tiền tệ dự trữ thế giới gồm bốn loại: USD, euro, yên Nhật và bảng Anh. Quyết định của IMF sẽ có hiệu lực từ 1/10/2016. Tại thời điểm đó, IMF nhận định, nhân dân tệ (NDT) sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong rổ tiền tệ, so với tỷ trọng của USD là 41,73%, euro 30,93%, yên Nhật 8,33% và bảng Anh 8,09%.

Quyết định của IMF được xem là sự thừa nhận của thế giới đối với nỗ lực quốc tế hóa NDT của Trung Quốc (TQ). Họ đã chuẩn bị 10 năm qua với các biện pháp tự do hóa các thị trường tài chính và mở cửa (một phần) thị trường vốn.

Bên cạnh đó, chính phủ TQ đã thiết lập các giao dịch hoán đổi đồng tiền nước này với các nước khác muốn dự trữ đồng NDT. TQ cũng đã mở rộng biên độ giao dịch của NDT và hướng đến chính sách thả nổi lãi suất trong dài hạn. Đây cũng là một thắng lợi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi thu nhập bình quân đầu người của TQ chỉ bằng 1/4 so với các nền kinh tế khác hiện diện trong rổ tiền tệ.

Nhan dan te vao ro tien IMF: Viet Nam co anh huong nhung khong nhieu
Nhân dân tệ vào rổ tiền IMF không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam - Ảnh minh họa: Internet

Sự kiện này không chỉ tác động đối với tài chính toàn cầu mà còn ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam, quốc gia đang nhập siêu từ TQ. Các hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt với TQ lâu nay chủ yếu được quy đổi theo USD.

Việc NDT gia nhập SDR có thể tác động đến tâm lý của doanh nghiệp trong việc lựa chọn tiền tệ thanh toán. Hiện thanh toán bằng NDT mới chỉ chiếm 2-4% tổng giá trị thương mại của Việt Nam trong khi quy mô thương mại giữa hai nước vào khoảng 60-65 tỷ USD/năm và còn tiếp tục gia tăng.

Vì vậy, sắp tới có thể doanh nghiệp TQ sẽ đề xuất thanh toán bằng NDT nhiều hơn, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập từ TQ có thể tăng giá, tất yếu đẩy giá thành và giá bán hàng hóa của Việt Nam tăng theo. Thâm hụt thương mại hai nước vốn đã lớn sẽ càng lớn hơn. Tính toán cơm áo gạo tiền của bà nội trợ vì thế cũng có nhiều nỗi lo hơn.

Vì vậy, điều chính yếu là các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu với thị trường TQ cần phải tính toán để kiểm soát rủi ro của tỷ giá NDT. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải có biện pháp cân bằng thương mại với TQ. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết, đặc biệt là TPP, để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn.

Việc NDT được “quốc tế hóa” cũng tác động phần nào đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Việt Nam bằng đồng SDR khoảng 24%-25%. Trong tương lai, NDT chiếm 10,92 tỷ trọng SDR, nên khi NDT biến động cũng sẽ tác động nhất định tới nợ nước ngoài của Việt Nam. Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa bị tác động nhiều vì đầu tư của TQ vào nước ta không quá lớn, chỉ ở mức khoảng sáu - bảy tỷ USD.

Tóm lại, với việc NDT được IMF đưa vào rổ tiền tệ dự trữ của thế giới, TQ đã khẳng định sức mạnh và tiềm lực tài chính, kinh tế của mình. Việc cân bằng cán cân thương mại với TQ, tìm kiếm những thị trường nguyên liệu khác cũng như các biện pháp củng cố sức mạnh tiề n đồ ng Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn.

Nguyễn Tuấn Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI