Nhạc trẻ âm hưởng miền Tây: Cuộc chơi của những “người lạ”

07/10/2021 - 06:28

PNO - Trong thời gian ngắn, nhiều ca khúc nhạc trẻ pha trộn âm hưởng miền Tây, dân ca được đặc biệt yêu thích trên YouTube, các trang nghe nhạc số. Chủ nhân những ca khúc này phần lớn là những cái tên khá lạ.

Sự trỗi dậy của những cái tên lạ lẫm

Sau hơn hai tháng ra mắt, Rồi tới luôn của Nal vẫn nằm trong top 3 ca khúc được nghe nhiều nhất trên ứng dụng Zing MP3. Hiện, sản phẩm này cũng đạt 70 triệu lượt nghe, xem trên YouTube, một thành tích rất đáng nể khi thị trường âm nhạc không mấy sôi động vì dịch COVID-19. Nối tiếp ca khúc này, Thương nhau tới bến của chàng trai quê Đồng Tháp này cũng nhanh chóng lọt vào những video được tìm kiếm nhiều nhất trên YouTube tại Việt Nam. 

Lee Ken kết hợp với Nal trong Cô đơn dành cho ai, sau năm tháng ra mắt đạt 30 triệu lượt xem trên YouTube, nằm trong top 5 ca khúc được nghe nhiều nhất Zing MP3. Về quê anh lo của The Night và Sinkra cũng nhanh chóng tạo nên cơn sốt với hàng loạt bản cover trên YouTube. 

Nal, chủ nhân hai ca khúc gây sốt gần đây: Rồi tới luôn, Thương nhau tới bến

Nal, chủ nhân hai ca khúc gây sốt gần đây: Rồi tới luôn, Thương nhau tới bến

Trên ứng dụng nghe nhạc Nhaccuatui, Phận duyên lỡ làng của Phát Huy T4 và Truzg cũng nằm trong top 10 ca khúc được nghe nhiều nhất. Một trong những hiện tượng của nhạc Việt không thể không nhắc là ca khúc Yêu là cưới của Phát Hồ, thành viên nhóm X2X. Long Nón Lá - chàng trai thường xuyên giấu mặt trong các MV - cũng được khán giả ái mộ với: Hồng hạc, Tình xa lúc ban chiều, Hoàng hoa ký, Vu quy… Ca khúc Hà cớ chi với sự kết hợp của LPT x Akra cũng được nhiều người nghe cover. 

Nội dung các ca khúc rất đa dạng, từ sự nuối tiếc cho những cuộc tình dở dang đến ước mơ về hạnh phúc lứa đôi. Các sáng tác đều mang âm hưởng miền Tây, dân ca thể hiện qua những giai điệu, sự luyến láy, cách hát, phát âm rất đặc trưng.

Sự lên ngôi của một loạt ca khúc cùng phong cách mới cho thấy khán giả đang rất hào hứng với dòng nhạc này. Không chỉ có sức sống mạnh ở khu vực phía Nam, những ca khúc này cũng có được một lượng khán giả nhất định ở miền Bắc, miền Trung. 

Điều gì đã tạo nên những cơn sốt?

Dù có những tranh luận trái chiều, nhưng thực tế không thể phủ nhận là thể loại này đang có sự phát triển khá mạnh trong thời gian qua. Trong đó, sự tác động của mạng xã hội, các nhà phát hành âm nhạc số đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết những ca khúc trên đều tạo nên cơn sốt trên Instagram, Facebook, đặc biệt TikTok.

Ca khúc Vu quy - Long Nón Lá, Misabae: 

 

Nal cho biết ngay khi Rồi tới luôn được chú ý vào tháng Bảy, nhiều nền tảng nghe nhạc số đã liên hệ với anh để hợp tác, phát hành. Ca khúc thứ hai của anh cũng được bao thầu phát hành sau đó. Điều này càng giúp những cái tên không chuyên mạnh dạn hơn trong việc sản xuất sản phẩm. Thị trường âm nhạc có thêm những “gia vị” mới mẻ.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng điều tạo nên sự thành công của những ca khúc này là việc phá vỡ những quy chuẩn về âm nhạc: “Năm năm gần đây, thị trường dần chuyên nghiệp hóa. Chúng ta bắt đầu định ra những khuôn mẫu, quy chuẩn để sáng tác ca khúc. Nhưng có lẽ, khi không chịu áp lực về danh tiếng, khuôn mẫu, một số cá nhân tự do phát triển giai điệu, không cần quá chuẩn về độ cao, độ rộng của âm thanh, mà đôi khi người làm nghề chuyên nghiệp lại không thể ngờ tới. Vì thế, những sản phẩm đều rất lạ tai, khác biệt hẳn với dòng chảy chung của thị trường. Chưa kể, về ngôn từ, nhiều ca khúc có sự hài hước, dí dỏm, thậm chí pha chút trào phúng nhẹ nhàng”.

Nam nhạc sĩ phân tích thêm, hầu hết giai điệu của những sáng tác trên đều gợi cho người nghe cảm giác phấn khích, đầy năng lượng, ngay cả khi nội dung chúng nói về sự chia ly, buồn khổ trong tình yêu. Đó có thể là chủ ý của người sáng tác. Điều này lại càng được lòng người nghe, trong giai đoạn căng thẳng vì dịch bệnh. 

Dễ thấy, cách thể hiện của những giọng ca trên cũng là yếu tố giúp những ca khúc được chú ý. Lee Ken, Nal, Phát Hồ… đều có chất giọng không quá đẹp so với chuẩn của một ca sĩ thông thường. Nhưng tất cả đều lạ, có màu sắc riêng. Việc phát âm mang đậm chất miền Tây của họ cũng góp phần tạo nên sự thú vị. 

Ca khúc Thương nhau tới bến

 

 

Trong một đoạn clip, nhạc sĩ Nguyễn Đình Vũ có đưa ra phép thử nếu hát theo phát âm chuẩn thông thường, sẽ mất đi phần nào sự thú vị vốn có của những ca khúc này. Việc kết hợp giữa ca từ, cách hát, chất giọng giúp người nghe cảm giác người hát như đang tâm sự, thủ thỉ, kể chuyện.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, phần lớn đội ngũ sản xuất những sản phẩm này đều rất trẻ, họ dễ nắm được xu hướng tiếp nhận của khán giả trẻ - đối tượng chi phối rất lớn đến mạng xã hội, môi trường số. Vì thế, những ca khúc trên cũng nhanh chóng “hot” là điều dễ hiểu.

“Khi một bài hát được yêu thích, nghĩa rằng nó có sức sống. Thế nhưng, các bài hát sống được bao lâu thì thời gian sẽ trả lời. Các ca sĩ, nhà sản xuất hãy luôn trăn trở về điều đó mỗi khi thực hiện sản phẩm mới của mình”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhắc nhở. 

Dường như thừa thắng xông lên, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, một loạt ca khúc theo mô-típ tương tự ra đời như: Túp lều vàng, Như bến đợi đò, Cưới luôn được không?, Đành lòng sao… Một số sáng tác chưa thực sự mới mẻ, so với những chất liệu đã có trên thị trường nên chưa tạo được cơn sốt mới. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng đây là một màu sắc làm phong phú thêm cho nhạc Việt. Nhưng anh cũng lo ngại sự phát triển ồ ạt theo mô-típ chung dễ khiến khán giả bội thực, và dễ khiến những sản phẩm này cũng theo đó thoái trào nhanh chóng.

“Làm sao để duy trì sức hút dài lâu của dòng chảy này là bài toán cần giải. Tôi nghĩ các bạn nên đầu tư cho chất lượng âm nhạc nhiều hơn, tìm tòi thêm những chất liệu mới để tránh rập khuôn, một màu. Khán giả luôn cần cái mới”, anh chia sẻ. 

Trung Sơn

 

 

 

 

 

 






 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI