Nhạc sĩ Trọng Đài 'Chủ nghĩa thực dân vẫn đang diễn ra trong văn hóa và âm nhạc'

19/07/2019 - 08:49

PNO - Để có một giọng điệu Việt Nam, phải hội tụ được cả yếu tố nền tảng lẫn khác biệt này. Nền tảng làm cái gốc để đi xa. Sự khác biệt định vị chúng ta trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Phóng viên: Ông bảo đã đến lúc chúng ta phải tìm về giọng điệu Việt Nam. Cụ thể ra sao?

Nhạc sĩ Trọng Đài: Tôi nghĩ, trong tâm khảm của nhiều người Việt, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đều hướng tới điều đó. Trong dòng nhạc tôi tạm gọi là đại chúng, bên cạnh những tác phẩm đáp ứng tốt đời sống âm nhạc của chúng ta từ thời tiền chiến dài đến sau này, có thể kể ra nhiều tác phẩm thể hiện đời sống tâm hồn của người Việt. Bỏ qua câu chuyện tô hồng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hay gì khác, mỗi trào lưu âm nhạc đều để lại những thành tựu nhất định.

Nhac si Trong Dai 'Chu nghia thuc dan van dang dien ra trong van hoa va am nhac'
Nhạc sĩ Trọng Đài

Tuy nhiên, ngoài những dòng đáp ứng thị hiếu đó, vẫn cần có các hoạt động âm nhạc mang tính khám phá, phát hiện. Chẳng hạn, chúng ta có một ban nhạc rock tên là Ngũ Cung. Họ xác định ngũ cung ấy chính là phương Đông. Quốc tế dùng đồ - rê - mi - pha - son, họ dùng đồ - pha - son - la - đố. Họ khám phá, kế thừa âm hưởng nhạc dân tộc Tây Bắc và đi theo con đường riêng. Âm nhạc của Bức Tường mang thông điệp rất rõ ràng - nói những vấn đề Việt, câu chuyện Việt.

Tôi nghĩ, có nhiều con đường đến/về với dân tộc, miễn sao giữ được sự hài hòa, nhưng không có nghĩa là tròn vo. Nghệ sĩ mà làm tác phẩm “sạch sẽ” quá thì có khi đóng phòng thu lại nghe với nhau. Nhưng gồ ghề quá, lại cảm thấy ta không phải là ta. Thận trọng quá cũng chết. Đừng cứng nhắc.

Nhiều người than nhạc Việt hiện nay giống nhạc Hàn, ca sĩ Việt Nam nhưng cứ ngờ ngợ như người nước ngoài, phát âm cũng lơ lớ, tai nghe nhạc mà mắt phải đọc phụ đề…

- Những nền âm nhạc lớn trên thế giới sẽ dẫn dắt những nền âm nhạc nhỏ. Mỹ xuất khẩu nhạc rock, nhạc rap… cả thế giới ùa theo, kể cả “lục địa già” châu Âu cũng không tránh được, dù có những dân tộc, như Pháp chẳng hạn, cũng tự trọng lắm. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Các quốc gia khác họ cũng gặp vấn đề tương tự, nhưng thiết chế văn hóa của họ rắn hơn. 

Ta hay chê tư tưởng “Đại Hán” của Trung Quốc hoặc chê Hàn Quốc học theo Mỹ, nhưng phải thấy nền tảng họ rất tốt. Nhật theo phương Tây thì cực kỳ Tây, nhưng khi làm nhạc truyền thống thì cũng truyền thống không ai bằng.

Ở ta, mọi thứ đang thật - giả hỗn độn, không rõ ràng. Du nhập nửa vời, dò dẫm chưa tới nơi, chưa đủ sức để cưỡng lại xu thế nên chấp nhận thỏa hiệp. Nhiều nhạc sĩ có kiến thức không còn sáng tác nhiều, quay sang làm hòa âm, phối khí; trong khi đó, những người có xuất phát điểm không tốt lắm, nhưng “nhạy” thị trường, nắm bắt xu thế nhanh, cho ra được những tác phẩm thu hút một bộ phận công chúng, dẫn dắt thị trường âm nhạc đi theo họ. 

Tất nhiên, không phải tất cả đều thỏa hiệp. Những người thỏa hiệp sẽ làm ra tác phẩm để đáp ứng cái nhất thời, theo “trend” (xu hướng). Một số trường hợp chọn con đường cực ngắn: bắt chước phong cách Âu - Mỹ, đặt lời Việt vào; tôi thấy hơi phí trí tuệ. Đừng tưởng dễ bắt chước. Họ cũng phải bỏ công sức, tiền bạc, thậm chí có sự liều lĩnh khi sao chép của ai đó để được chú ý. Nói cho cùng, vẫn quay về câu chuyện giáo dục. Nền tảng tốt, sẽ có bộ lọc tốt.

Nền tảng ở đây là gì?

- Là ý thức về việc phát triển có tính kế thừa. Bây giờ, người ta hay nói từ “đương đại” với ý rất “kêu”, đại ý đó là biểu hiện của hiện đại, văn minh. Nhưng ngẫm lại một chút sẽ thấy, “âm nhạc đương đại” mà chúng ta đang nói, từ thời các cụ đã có rồi. Những rap, những rock… đều là hình bóng đâu đó của âm nhạc sinh hoạt thời xưa. 

Thế nhưng, giờ đưa ra những điều mộc mạc như ngô, khoai, lúa ấy, có người lại bảo đơn giản quá trong khi người khác lại bảo cầu kỳ quá. Nhưng điều này mới đáng kinh ngạc: vì sao nó hay, mà nó lại giản dị thế? Cái đó mới là cái sâu thẳm.

Để làm được vậy, rất khó. Nó đi vào lòng người, không thừa không thiếu. Ngắn gọn, nhưng thông điệp lại đầy đủ. Tuy nhiên, nền tảng thôi cũng chưa đủ. Con đường phát triển của âm nhạc thế giới có nhiều điểm gặp nhau. Càng ngày người ta càng nói nhiều đến sự khác biệt. Để có một giọng điệu Việt Nam, phải hội tụ được cả yếu tố nền tảng lẫn khác biệt này. Nền tảng làm cái gốc để đi xa. Sự khác biệt định vị chúng ta trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Nhac si Trong Dai 'Chu nghia thuc dan van dang dien ra trong van hoa va am nhac'
Để có một giọng điệu Việt Nam, phải hội tụ được cả yếu tố nền tảng lẫn khác biệt này

Điều đó e là quá khó trong thời buổi mọi thứ đều… “phẳng lỳ” như hiện nay?

- Đầu tiên, khi nói tiếng mẹ đẻ, phải tự tin. Thứ hai, khi nói đến truyền thống âm nhạc dân tộc, ít ra phải biết dân ca Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ đó là một trong những điểm bấu víu tạm gọi là truyền thống dân tộc, là cái gốc, là vốn sẵn có của chúng ta. Cũng có những người, xuất phát điểm về tính dân tộc không vững vàng lắm, nhưng họ có tinh thần rất khủng khiếp. Họ nhận diện văn hóa gốc đó bằng nhãn quan của họ. 

Từng đọc tác phẩm của mấy nhà văn gốc Nhật đoạt giải Nobel, tôi để ý, có những tác giả gần như không phải là người Nhật nữa, vì không còn biết nói tiếng Nhật; nhưng trong sáng tác của họ, tinh thần Nhật vẫn thấm đẫm. Bài học từ thế giới để ta nhìn vào rất hay: họ rất thích bản địa. Cứ vặn vẹo, thưa - gửi theo kiểu “Ăng lê”, thành thử lại buồn cười. Cần nhớ, nói Việt Nam không có nghĩa là đi chân đất, nói năng tùy tiện… Việt Nam ở đây là tinh thần, là chất Việt Nam.

Cá nhân tôi thấy, thời nay, chủ nghĩa thực dân vẫn còn. Nó không chỉ biểu hiện qua việc xuất khẩu văn hóa, “xâm lược” về văn hóa mà còn ở cách nhìn của những nước lớn đối với chúng ta. Người châu Á, đặc biệt là những người không chuẩn bị được, không hòa nhập được, rất dễ bị miệt thị, dù họ không gây hấn với ai. Có thể, cộng đồng người Việt đã làm xấu hình ảnh của mình, không tạo được sự tin cậy. Chúng ta có những cá nhân xuất sắc, nhưng để tạo thành một cộng đồng thì chưa đủ.

Cảm ơn ông. 

Du Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI